Cảnh báo khi đầu tư qua các sàn tiền ảo, ngoại hối trái phép

Đầu tư tiền ảo, ngoại hối là các hình thức đầu tư chưa được cho phép tại Việt Nam, vì vậy người chơi sẽ gặp rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý, thậm chí có thể bị lừa đảo.

Việt Nam chưa cho phép cá nhân giao dịch tiền ảo, ngoại hối trong nước

Vài năm trở lại đây, đầu tư tiền ảo, ngoại hối (hay còn gọi là forex) là những hình thức đầu tư mới được rất nhiều người chú ý. Tuy nhiên, các hoạt động này hoàn toàn tự phát và chưa được Nhà nước cho phép.

Cụ thể, tại khoản 20 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, bổ sung bởi Điều 1 Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi năm 2013 quy định:

Kinh doanh ngoại hối là hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng được phép nhằm mục tiêu lợi nhuận, phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn, thanh khoản cho hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó.

Trong đó, theo khoản 11 Điều 4:

Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh này.

Theo các quy định trên, hiện nay Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Đồng thời, mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức khác đều là vi phạm pháp luật.

Với các loại tiền ảo, hiện nay Nhà nước vẫn chưa công nhận bất cứ loại tiền ảo nào là đơn vị thanh toán tại Việt Nam. Đồng thời, việc kinh doanh, trao đổi tiền ảo cũng chưa có quy định trong hệ thống pháp luật và mới đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Cảnh báo khi đầu tư tiền ảo, ngoại hối tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Rủi ro khi đầu tư qua các sàn tiền ảo, ngoại hối trái phép

Do chưa được Nhà nước cho phép và quản lý nên việc đầu tư vào các sàn tiền ảo, ngoại hối trái phép có rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý, thậm chí nhà đầu tư còn có nguy cơ mất trắng do bị lừa đảo.

Các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo lừa đảo tại Việt Nam thường được giới thiệu là sàn có xuất xứ nước ngoài, nhưng thực là chất do các đối tượng trong nước thiết lập, vận hành với mục đích chiếm đoạt tài sản của người đầu tư.

Việc tham gia vào sàn lừa đảo này được quảng cáo là chắc thắng, nhận lãi lên đến vài chục phần trăm trong một tháng. Đồng thời, người tham gia cũng không cần kiến thức về tài chính, vì bên sàn đã có sẵn đội ngũ chuyên gia hỗ trợ.

Giao diện của các sàn lừa đảo này thoạt nhìn rất giống các sàn quốc tế nhưng thực tế là giả, không liên thông với tỷ giá quốc tế. Người đứng sau quản trị có thể tự điều chỉnh thắng thua cho nhà đầu tư hoặc sau một thời gian, khi hệ thống phát triển, các đối tượng cầm đầu sẽ đã đánh sập hệ thống và ôm tiền của những người tham gia.

Trước đây, các cơ quan chức năng mới chỉ cảnh báo đến người dân tránh xa hình thức lừa thì nay các đường dây lừa đảo này đã được điều tra và triệt phá.

Vừa qua, trong tháng 5/2021, 7 đường dây đầu tư ngoại hối forex lừa đảo đã bị lực lượng công an đánh sập. Các đối tượng cầm đầu cũng đã bị khởi tố về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Chỉ tính riêng các sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép và nhiều website giống các sàn forex do Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá, số tiền người tham gia đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Giao dịch tiền ảo, ngoại hối trái phép bị xử phạt thế nào?

Khi thực hiện các giao dịch tiền ảo, ngoại hối trái pháp luật, nhà đầu tư có thế bị pháp luật xử lý.

Theo điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, việc sử dụng, cung ứng các loại tiền ảo không hợp pháp có thể bị xử phạt như sau:

“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Đồng thời, tại Điều 206 Bộ luật Hình sự, nếu gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Theo đó, tùy theo mức độ gây thiệt hại, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 300 triệu đồng hoặc tù đến 20 năm.

Với hoạt động ngoại hối, những người tham gia đầu tư ngoại hối trái phép còn có thể bị phạt hành chính đến 30 triệu đồng về hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ theo Điều 23 Nghị định 88 năm 2019.

Tóm lại: Pháp luật vẫn chưa cho phép cá nhân giao dịch tiền ảo, ngoại hối trong nước, vì vậy nếu vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, nên cảnh giác với các sàn tiền ảo, ngoại hối lừa đảo biến tướng đa cấp tại Việt Nam.

Trên đây là một số thông tin về đầu tư qua các sàn tiền ảo, ngoại hối tại Việt Nam. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Bitcoin là gì? Pháp luật Việt Nam quy định thế nào?

>> Forex là gì? Chơi forex ở Việt Nam có hợp pháp không?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục