Trước đó, tại Chỉ thị 11, Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Thành phố phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tổ chức cưới cho con hay bản thân.
Cụ thể, phải thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định của pháp luật; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần “vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm”; Số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người); Không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc.
Đặc biệt, không được tổ chức cưới ở những nơi chi phí tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ, công chức như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp…
Cán bộ Hà Nội không được tổ chức tiệc cưới tại khách sạn 5 sao (Ảnh minh họa)
Cũng liên quan đến tổ chức việc cưới và cũng trong năm 2012, UBND Thành phố đã ra Quyết định 07/2012/QĐ-UBND, trong đó khuyến khích tổ chức lễ cưới tại một điểm, trong một ngày; tổ chức tiệc mặn chỉ mời cơm trong gia đình, thân tộc, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết với số lượng hạn chế, không sử dụng thuốc lá.
Đồng thời, không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh; Khuyến khích hình thức cưới tập thể.
Sau 05 triển khai Chỉ thị 11 và Quyết định 07, UBND TP. Hà Nội đánh giá việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các đám cưới đều được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; các nghi lễ trong đám cưới đơn giản, gọn nhẹ…
UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, đưa mục tiêu thực hiện cưới “Trang trọng - Lành mạnh - Tiết kiệm” vào việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa”.
LuatVietnam