Những ngày gần đây dư luận xôn xao trước đề xuất cấm việc đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Rất nhiều ý kiến tán thành với đề xuất này, bởi việc đốt vàng mã dù là phong tục xưa nay nhưng đang gây lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… Thực tế, pháp luật cũng đã có một số quy định liên quan đến vấn đề này.
Đốt vàng mã không đúng nơi quy định bị phạt
Trước đây, Điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định hành vi đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng.
Đến ngày 01/01/2014, Nghị định 75 nêu trên hết hiệu lực thi hành, thay thế bằng Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Trong đó, Nghị định 158 đã bỏ quy định phạt đối với hành vi đốt vàng mã ở nơi công cộng, nhưng vẫn quy định đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, chưa có quy định về cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã tại các nơi thờ tự nói chung như đền, chùa, đình, miếu, phủ...
Chưa có quy định về cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã
Chưa thể cấm hoàn toàn đốt vàng mã?
Theo suy luận của các nhà làm luật, việc cấm đốt vàng mã phải bắt đầu từ việc cấm sản xuất, kinh doanh vàng mã. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014, sản xuất, kinh doanh vàng mã không thuộc diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Pháp luật hiện hành vẫn công nhận vàng mã là một mặt hàng được phép kinh doanh và vẫn nằm trong Danh mục đóng thuế.
Cụ thể, theo điểm k, khoản 1 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, vàng mã, hàng mã là mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này được ấn định với mức rất cao: 70%.
Trả lời báo chí, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cho rằng việc hạn chế, tiến tới loại bỏ đốt vàng mã là cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các nơi thờ tự. Do đó, nếu như chưa thể cấm việc đốt vàng mã bằng quy định pháp luật, cần bắt đầu bằng việc tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức.
LuatVietnam