Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA, từ ngày 01/8/2020, các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới được cấp biển số màu vàng. Xe đang kinh doanh vận tải trước ngày 01/8/2020 cũng phải đổi sang biển số nền màu vàng trước ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc xác định thế nào là xe kinh doanh vận tải không hề dễ dàng.
Thế nào là xe kinh doanh vận tải?
Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Hiện nay, xe kinh doanh dịch vụ vận tải được đăng ký và cấp phù hiệu. Rõ ràng nhất là việc trên giấy chứng nhận kiểm định cũng được tích vào phần kinh doanh vận tải.
Như vậy, việc xác định xe kinh doanh vận tải hay không hiện nay có thể xác định dựa trên các yếu tố sau:
- Hoạt động vận tải của xe có nhằm đem lại lợi nhuận hay không?
- Đơn vị có xe có tham gia điều hành, lái xe hay quyết định giá cước không?
- Đăng kiểm của xe có xác định là xe kinh doanh vận tải không?
Theo Nghị định số 10/2020, có các loại hình xe kinh doanh vận tải sau:
- Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định;
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định;
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;
- Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định;
- Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.
Thế nào là xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển vàng? (Ảnh minh họa)
Xe chở hàng gia đình có phải là xe kinh doanh vận tải?
Thực tế hiện nay, nhiều gia đình, công ty mua xe tải chỉ để phục vụ nhu cầu chở hàng cho chính gia đình, đơn vị mình. Đây là đối tượng gặp "khó" nhiều nhất thời gian qua khi xác định xe của mình có thuộc đối tượng kinh doanh vận tải và phải đổi sang biển vàng không?
Trước đây, Nghị định 86/2014 quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
Trong đó, kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là việc đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Tuy nhiên, từ ngày 01/4/2020, giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu đã được cấp cho đơn vị và xe ô tô vận tải hàng hóa thuộc đối tượng kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp không còn giá trị sử dụng; các đơn vị và phương tiện nêu trên không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu (khoản 5 Điều 36 Nghị định 10/2020).Như vậy, Nghị định 10 đã khẳng định những trường hợp xe chỉ chở hàng gia đình, không chở thuê cho bên ngoài, không nhằm thu lợi nhuận từ việc chở hàng không thuộc đối tượng xe kinh doanh vận tải và không phải đổi sang biển màu vàng từ ngày 01/8/2020 theo Thông tư 58.
Thủ tục đổi sang biển vàng cho ô tô kinh doanh vận tải
Căn cứ: Thông tư 58/2020/TT-BCA
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Tờ khai đăng ký xe;
- Giấy chứng nhận đăng ký xe (trường hợp đổi giấy chứng nhận đăng ký xe);
- Biển số xe;
- Xuất trình giấy tờ của chủ xe (như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Sổ hộ khẩu/Hộ chiếu...).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hồ sơ được nộp tại Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bước 3: Nhận kết quả
Thời hạn cấp đổi biển số xe: Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ.