1. Cách tính lãi suất vay ngân hàng ra sao?
1.1. Cách tính lãi suất vay theo số dư nợ gốc
Với cách tính lãi suất vay theo số dư nợ gốc, tiền lãi của mỗi kỳ trả lãi sẽ bằng nhau trong toàn bộ quá trình vay và được tính dựa theo số tiền gốc ban đầu.
Tiền lãi hằng tháng = Dư nợ gốc x Lãi suất vay/Thời gian vay
Ví dụ :
A vay 30 triệu đồng trong 12 tháng với mức lãi suất là 12%/năm.
Số lãi phải trả ngân hàng là: (30 triệu x 12%)/365 ngày x số ngày thực tế
1.2. Cách tính lãi suất vay theo số dư nợ giảm dần
Cách tính lãi này dựa trên số tiền thực tế còn nợ sau khi đã trừ đi phần nợ gốc người vay đã trả trong những tháng trước đó. Số số dư nợ giảm dần thì tiền lãi mà người vay phải trả cũng sẽ giảm dần.
Công thức tính lãi suất theo dư nợ giảm dần:
- Tiền gốc hằng tháng = Số tiền vay/Số tháng vay
- Tiền lãi tháng đầu = Số tiền vay x Lãi suất vay theo tháng
- Tiền lãi các tháng tiếp theo = Số tiền gốc còn lại x Lãi suất vay
Ví dụ: B vay 60 triệu đồng, thời hạn trong 12 tháng với mức lãi suất 12%/năm
Tiền gốc trả hằng tháng = 60 triệu/12 = 05 triệu
Tiền lãi tháng đầu = (60 triệu x 12%)/12 = 600.000 đồng
Tiền lãi tháng thứ 2 = (60 triệu - 05 triệu) x 12%/12 = 550.000 đồng
Các tháng tiếp theo tính tương tự như vậy cho đến khi trả hết nợ.
2. Có những loại lãi suất vay nào?
Hiện nay, có 03 loại lãi suất thường được các ngân hàng áp dụng khi cho vay:
- Lãi suất cố định;
- Lãi suất thả nổi;
- Lãi suất hỗn hợp.
2.1. Lãi suất cố định
Cách tính lãi vay cho loại lãi suất này là như nhau cho từng tháng. Tức lãi suất cho khoản vay của khách hàng sẽ không thay đổi trong suốt thời hạn vay.
Ưu điểm của lãi suất cố định là người vay biết được chính xác chi phí lãi vay là bao nhiêu để có sự chuẩn bị về tài chính. Ngoài ra, với mức lãi suất không đổi, người vay sẽ tránh được các rủi ro về lãi suất trong suốt quá trình vay.2.2. Lãi suất thả nổi
Lãi suất thả nổi là lãi suất có sự thay đổi theo thời gian. Khi áp dụng loại lãi suất này, ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất vay cho khách hàng theo định kỳ 03 tháng hoặc 06 tháng một lần. Mức lãi suất thả nổi có thể tăng hoặc giảm theo thị trường và theo chính sách của ngân hàng trong thời điểm đó.
Lãi suất thả nổi được tính theo công thức:
Lãi suất thả nổi = Lãi suất cơ sở + Biên độ lãi suất
Trong đó:
- Lãi suất cơ sở: thường được các ngân hàng tính theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng hoặc 24 tháng lĩnh lãi cuối kỳ.
- Biên độ lãi suất được áp dụng một mức cố định trong suốt thời gian vay vốn và được ghi cụ thể trong hợp đồng vay.
Ví dụ: A vay ngân hàng 600 triệu trong 1 năm. Ngân hàng quy định áp dụng lãi suất thả nổi định kỳ 03 tháng điều chỉnh 01 lần. Lãi suất thả nổi = Lãi suất tiết kiệm 12 tháng + 3%.
Tại thời điểm ký hợp đồng, lãi suất tiết kiệm 12 tháng là 7%/năm => Lãi suất vay trong 3 tháng đầu là 7% + 3% = 10%/năm.
Tại kỳ điều chỉnh lãi suất thứ nhất: lãi suất tiết kiệm 12 tháng tăng lên mức 8%/năm => Lãi suất vay trong 03 tháng tiếp theo sẽ là 8% + 3% = 11%/năm.
Tại kỳ điều chỉnh lãi suất thứ 2: lãi suất tiết kiệm 12 tháng giảm xuống còn 6%/năm => Lãi suất vay của khách hàng trong 03 tháng tiếp theo sẽ là 6% + 3% = 9%/năm
2.3. Lãi suất hỗn hợp
Lãi suất hỗn hợp là loại lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Đây là loại lãi suất phổ biến được áp dụng với các khoản vay mua nhà, vay mua xe.
Cụ thể, khách hàng sẽ được áp dụng cả lãi suất cố định và lãi suất thả nổi trong thời gian vay vốn. Thời gian đầu ngân hàng sẽ áp dụng một mức lãi suất cố định ưu đãi, thường là trong 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng hoặc 24 tháng tùy gói vay.
Sau thời gian này lãi suất sẽ được thả nổi theo công thức trên.
Loại lãi suất này có lợi cho khách hàng do được áp dụng mức lãi suất cố định ưu đãi. Tuy nhiên sau thời gian ưu đãi, khách hàng cũng phải chịu rủi ro do biến động của lãi suất.
Nếu có thắc mắc về cách tính lãi suất vay ngân hàng, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.