Hướng dẫn 5 cách nhận biết tiền thật - giả dịp Tết đến

Cách nhận biết tiền giả, tiền thật là vấn đề được nhiều người dân quan tâm, nhất là vào dịp Tết đến khi nhu cầu mua sắm và giao dịch hàng hóa tăng cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ ra 05 cách nhận biết tiền thật, giả mà ai cũng có thể áp dụng được.

1. Cách nhận biết tiền thật, tiền giả theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2013/TT-NHNN quy định tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định với tiền nghi giả được hiểu là tiền chưa kết luận được là tiền thật hay tiền giả.

Như vậy, có thể hiểu tiền giả là loại tiền mà không phải do Nhà nước phát hành mà được tạo ra bởi những tổ chức, cá nhân với mục tiêu chính là nhằm trục lợi bất hợp pháp. Việc sử dụng tiền giả không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nghiêm trọng hơn có thể khiến người dân vướng vào vòng lao lý.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra một số cách nhận biết tiền giảm, tiền thật đơn giản sau đây:

1.1 Soi tờ tiền trước nguồn sáng

Khi soi tờ tiền trước nguồn sáng sẽ giúp nhận biết và kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm và hình định vị.

* Ở tiền thật:

- Hình bóng chìm: Nhìn thấy rõ từ hai mặt, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo, sáng trắng

- Dây bảo hiểm:  Nhìn thấy rõ từ hai mặt, chạy dọc tờ tiền, có cụm số mệnh giá và chữ “NHNNVN” (hoặc “VND” - mệnh giá 10.000đ) sáng trắng. ví dụ, ở tờ tiền mệnh giá 50.000đ, dây bảo hiểm ngắt quãng, có cụm số “50000”.

                                      

- Hình định vị: hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau (nhìn thấy từ hai mặt).

                

* Ở tiền giả:

Hình bóng chìm không tinh xảo, các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét. Hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.

1.2 Vuốt nhẹ tờ tiền

Nhận biết tiền thật, tiền giả bằng cách vuốt nhẹ tờ bạc nhằm kiểm tra các yếu tố in lõm trên tờ tiền, qua đó cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in.

Ở tiền giả: Vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, không phải do độ nổi của nét in.

1.3 Chao nghiêng tờ tiền

Mục đích của việc chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra các yếu tố nhưu: Mực đổi màu, IRIODIN, Hình ẩn nổi. Cụ thể:

* Ở tiền thật:

- Mực đổi màu (OVI): Có màu vàng khi nhìn thẳng, đổi sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng.

- IRIODIN: Là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng tờ bạc.

- Hình ẩn nổi: Khi đặt tờ bạc nằm ngang tầm mắt thấy chữ “VN” nổi rõ ở mệnh giá 200.000đ, 10.000đ, chữ “NH” ở mệnh giá 50.000đ, 20.000đ.

                   

* Ở tiền giả: Thường làm giả yếu tố OVI nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật; không có yếu tố IRIODIN hoặc có in giả dải màu vàng nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.

1.4 Kiểm tra các cửa sổ trong suốt

Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn) cũng là một trong các cách kiểm tra tiền thật, tiền giả. Theo đó:

* Ở tiền thật:

- Cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi: Là chi tiết nền nhựa trong suốt ở phía bên phải mặt trước tờ bạc, có số mệnh giá dập nổi tinh xảo.

-  Cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn (DOE): Là chi tiết nền nhựa trong suốt, ở phía trên bên trái mặt trước tờ bạc. Khi đưa cửa sổ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa…) sẽ thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng.

                

* Ở tiền giả: Cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn không tinh xảo như tiền thật, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hỉnh ẩn.

1.5 Dùng kính lúp, đèn cực tím để kiểm tra chữ in siêu nhỏ

Theo đó, khi sử dụng kính lúp, đèn cực tím để kiểm tra chữ siêu nhỏ và phát quang:

* Ở tiền thật:

- Mảng chữ in siêu nhỏ: được tạo bởi các dòng chữ “NHNNVN” hoặc “VN” hoặc số có mệnh giá lặp đi lặp lại, nhìn thấy rõ dưới kính lúp.

                              

- Mực không màu phát quang: Là cụm số mệnh giá in bằng mực không màu, chỉ nhìn thấy (phát quang) khi soi dưới đèn cực tím.

- Số sêri phát quang: Số sêri dọc màu đỏ phát quang màu vàng cam và số sêri ngang màu đen phát quang màu xanh lơ khi soi dưới đèn cực tím.

* Ở tiền giả:

Không có mảng chữ siêu nhỏ hoặc các dòng chữ, số không sắc nét, rất khó đọc. Không có mực không màu phát quang hoặc có làm giả nhưng phát quang yếu. Số sêri không phát quang hoặc phát quang không giống như ở tiền thật.

 5 cách nhận biết tiền giả, tiền thật đơn giản dịp Tết (Ảnh minh họa)

2. Sử dụng tiền giả có thể bị đi tù

Sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành hay mua bán, sử dụng tiền giả là một trong các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc bảo vệ tiền Việt Nam. Do đó, cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng tiền giả có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 207 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Theo đó, tùy theo giá trị tiền giả, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 - 20 năm tù hoặc chung thân. Cụ thể:

- Phạt tù từ 03 - 07 năm với người làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

- Phạt tù từ 05 - 12 năm với người phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 05 triệu - dưới 50 triệu đồng.

- Phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân với người phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, người chuẩn bị phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm.

Cùng với hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là Hướng dẫn 05 cách nhận biết tiền giả, tiền thật dịp Tết. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục