Giúp việc gia đình tưởng chừng là công việc đơn giản nhưng thực tế nguy cơ xảy ra tai nạn trong quá trình làm việc lại rất cao khi hàng ngày đều phải tiếp xúc với các thiết bị gas, điện,… Vậy chủ sử dụng phải làm gì khi giúp việc gia đình bị tai nạn lao động?
Lao động giúp việc gia đình thường làm những công việc gì?
- Lao động giúp việc gia đình là người làm thường xuyên các công việc trong gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại của một hoặc nhiều hộ gia đình.
- Các công việc đó bao gồm: nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác.
- Các công việc này không được thực hiện theo hình thức khoán việc.
Xem thêm tại Mục 5 Chương XI Bộ luật Lao động năm 2012.
Trách nhiệm khi giúp việc gia đình bị tai nạn lao động (Ảnh minh họa)
Với những công việc đó, bị tai nạn thì làm sao?
Điều 20 Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH quy định trách nhiệm của chủ sử dụng lao động khi lao động giúp việc gia đình bị tai nạn lao động như sau:
a) Sơ cứu và tìm mọi biện pháp đưa người lao động đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời;
b) Chăm sóc chu đáo và tạo mọi điều kiện cần thiết để người lao động được điều trị ổn định;
c) Thông báo ngay và thường xuyên cho người thân của người lao động biết về tình trạng sức khỏe của người lao động;
d) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả (với người lao động tham gia bảo hiểm y tế) hoặc một phần chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật theo thỏa thuận (với người lao động chưa tham gia bảo hiểm y tế);
đ) Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động trong thời gian điều trị;
e) Bồi thường cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên khi tai nạn lao động không do lỗi của người lao động:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5% - 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên hoặc cho thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động;
g) Trợ cấp cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường cho người lao động (mục e) khi tai nạn lao động do lỗi của người lao động;
h) Khai báo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo Điều 25 Nghị định 27/2014/NĐ-CP, chủ sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn lao động trong thời gian điều trị, trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 30 ngày liên tục.
Lao động giúp việc gia đình thường là những người đã có tuổi, không qua trường lớp đào tạo, nếu không cẩn thận thì việc xảy ra tai nạn lao động là điều khó tránh khỏi. Pháp luật đặt ra trách nhiệm của chủ sử dụng khi giúp việc gia đình bị tai nạn lao động nhằm bảo vệ và hỗ trợ tối đa cho nhóm đối tượng này.
Xem thêm:
Thuê 1 người giúp việc, 10 điều cần phải biết
Chủ nhà giữ giấy tờ của giúp việc bị phạt đến 15 triệu đồng
Chế độ tai nạn lao động: Những quyền lợi ít người biết
Thùy Linh