Bão về miền Trung: Nhìn lại quy định về kêu gọi từ thiện

Sau những lùm xùm về hoạt động từ thiện của nghệ sỹ Việt trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 93 thay thế cho Nghị định 64/2008 với những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện của cá nhân.

1. Được kêu gọi từ thiện nếu có đủ năng lực hành vi dân sự

Nghị định 93 chính thức ghi nhận quyền được vận động quyên góp từ thiện của cá nhân. Điểm h khoản 1 Điều 2 của Nghị định quy định:

h) Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Quy định này đã khắc phục hạn chế của Nghị định 64/2008/NĐ-CP vốn chỉ ghi nhận quyền vận động quyên góp từ thiện của các tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.


2. Phải cam kết thời gian giải ngân từ thiện

Theo khoản 1 Điều 17 của Nghị định, khi vận động, tiếp nhận tiền, hiện vật từ thiện, cá nhân phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền) và địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian cam kết phân phối.

Quy định yêu cầu người vận động từ thiện phải cam kết thời gian phân phối tiền, hiện vật quyên góp chính là nhằm hạn chế tình trạng “chậm giải ngân” từ thiện, thiên tai đã qua nhiều tháng mà tiền vẫn chưa đến tay người dân vốn xôn xao trên mặt báo thời gian vừa qua.


3. Phải thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú

Thêm một yêu cầu với cá nhân vận động từ thiện được quy định tại khoản 1 Điều 17 như sau: Cá nhân phải gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này.

UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi và cung cấp thông tin cho các nhà hảo tâm và cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.

Nhiều quy định chặt chẽ với người kêu gọi từ thiện từ 11/12/2021 (Ảnh minh họa)


4. Phải mở tài khoản riêng để tiếp nhận tiền từ thiện

Đây là một yêu cầu quan trọng đối với cá nhân kêu gọi từ thiện. Theo khoản 2 Điều 17 của Nghị định, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu.

Đặc biệt, sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận quyên góp đã cam kết, không được phép tiếp nhận thêm tiền ủng hộ và phải thông báo đến ngân hàng nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận tiền ủng hộ.


5. Phải thông báo với chính quyền nơi đến từ thiện

Khoản 1 Điều 18 của Nghị định yêu cầu cá nhân vận động từ thiện đều phải thông báo đến UBND nơi tiếp nhận để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể với các khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể.

Như vậy, mọi hoạt động từ thiện không thông qua chính quyền địa phương đều được coi là vi phạm quy định tại Nghị định này.


6. Phải ghi chép đầy đủ thông tin về việc phân phối tiền từ thiện

Đây là yêu cầu được nêu tại khoản 3 Điều 19, cụ thể: Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ… và công khai trên phương tiện truyền thông. Đồng thời, phải gửi kết quả bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban trong vòng 30 ngày.

Ngoài ra, cá nhân còn phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Các điểm mới trong Nghị định 93/2021/NĐ-CP không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân, mà còn tạo môi trường từ thiện minh bạch, rõ ràng, tránh các hiện tượng cá nhân lợi dụng từ thiện để vụ lợi.



Trên đây là thông tin liên quan đến cá nhân vận động từ thiện cần điều kiện gì theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP. Nếu có thắc mắc về các quy định của Nghị định này, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192. 

(Video LuatVietnam)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục