Bộ luật Hình sự năm 2015: Khi nạn nhân là phụ nữ

Tính chất các vụ án có nạn nhân là phụ nữ xảy ra trong thời gian qua ngày càng nghiêm trọng hơn. LuatVietnam xin được đưa ra một số thông tin pháp luật áp dụng trong xét xử các vụ án có nạn nhân là phụ nữ được áp dụng hiện nay.

Nạn nhân là phụ nữ có thai

Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Phạm tội đối với “phụ nữ có thai” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm i khoản 1 Điều 52) và trong rất nhiều trường hợp, phạm tội với “phụ nữ mà biết là có thai” là tình tiết định khung tăng nặng như:

Tội giết người (điểm c khoản 1 Điều 123); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (khoản 1 Điều 134); Tội hành hạ người khác (khoản 2 Điều 140); Tội lây truyền HIV cho người khác (khoản 2 Điều 148); Tội cướp tài sản (khoản 2 Điều 168)…

Có sự khác biệt rõ ràng khi xét xử hành vi phạm tội với phụ nữ mà biết là có thai và các tội khác mà tuy cũng có nạn nhân là phụ nữ có thai nhưng việc nạn nhân có thai không phải là tình tiết định khung, xác định mức hình phạt. Cụ thể:

Đối với các tội mà tình tiết phạm tội với phụ nữ mà biết là có thai là tình tiết định khung, cần chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là biết phụ nữ có thai mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội.

Còn với trong những trường hợp còn lại, chỉ cần chứng minh phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là phụ nữ có thai (tiểu mục 2.1 mục 2 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP). Tuy nhiên, nếu chứng minh được bị cáo nhận biết được trước khi phạm tội người bị xâm hại là phụ nữ có thai thì khi quyết định hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn.

Bộ luật Hình sự năm 2015: Khi nạn nhân là phụ nữ

Rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng có nạn nhân là phụ nữ (Ảnh internet)

"Phụ nữ có thai" được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: Bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai.

Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang có thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định (tiểu mục 2.3 mục 2 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP).

Trong các tội xâm phạm tình dục

Tội xâm phạm tình dục hiện được quy định từ Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 với nhiều tội như: Tội hiếp dâm, Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm…

Có thể thấy rõ rằng, độ tuổi của nạn nhân là dấu hiệu định tội trong nhóm tội này. Khi xét xử các tội xâm phạm tình dục của người phụ nữ, cần xác định đúng độ tuổi để áp dụng đúng khung hình phạt. Mọi hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm, không phân biệt có sự đồng ý hay không đồng ý của người bị hại.

Các tội phạm khác có nạn nhân là phụ nữ

Tội mua bán người hiện được quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mua bán người là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…

Riêng hành vi phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, hình phạt áp dụng là đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm. Đây là Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xem thêm:

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục