Bỏ điểm sàn – Quá dễ để đỗ đại học?

(LuatVietnam) Sau rất nhiều năm chỉ là đề xuất và phương án, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức bỏ điểm sàn đại học.

Cụ thể, tại Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT, Bộ quy định: Các trường tự xác định điểm sàn, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng; riêng ngành sư phạm, Bộ vẫn sẽ xác định điểm sàn để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Điểm sàn hay còn được gọi là “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các trường đại học, cao đẳng” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo duy trì trong rất nhiều năm. Đây là mức điểm chung dành cho tất cả thí sinh, vượt qua mức điểm này, thí sinh mới được quyền nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Năm 2015 và 2016, mức điểm sàn đại học đều là 15 điểm; năm 2017, điểm sàn đại học là 15,5 điểm cho tất cả khối thi.

Quyết định bỏ điểm sàn đại học được cho là một quyết định khá táo bạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi kéo theo đó là muôn vàn nỗi lo về việc các trường sẽ mở tung cánh cửa để tuyển sinh ồ ạt nhằm tạo nguồn thu. Việc vào đại học có lẽ sẽ trở nên dễ dàng với cả những thí sinh chỉ đạt 3 - 4 điểm/môn.

Trên báo chí, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Sau khi trải qua kỳ thi THPT quốc gia, thường có đến 98% thí sinh đỗ tốt nghiệp, nếu bỏ điểm sàn thì tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT sẽ vào hết đại học. Các trường đại học sẽ trở thành trường đại học đại chúng và thậm chí phổ cập đại học.


Bỏ điểm sàn khiến việc vào đại học trở nên quá dễ dàng? (Ảnh minh họa)

Mặt khác, quy định bỏ điểm sàn đại học còn khiến nhiều người băn khoăn về việc các trường cao đẳng, trung cấp có thể sẽ “ế” thí sinh. Theo dự đoán, việc tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp năm nay sẽ khó khăn hơn rất nhiều do thí sinh vẫn có tâm lý chuộng tấm bằng đại học hơn, giờ đây, việc vào đại học quá dễ dàng nên sẽ đổ xô đi học đại học.

Trái với những lo ngại nêu trên, vẫn có những ý kiến cho rằng việc bỏ điểm sàn đại học là quyết định hợp lý, giúp các trường tăng tính tự chủ, các trường phải tự chịu trách nhiệm với xã hội về chất lượng đào tạo và uy tín của mình. Đặc biệt, Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT cũng bổ sung yêu cầu từ năm nay, các trường đại học phải công khai Đề án tuyển sinh, trong đó có thông tin về tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 02 năm gần nhất.

Thông tin nêu trên sẽ giúp thí sinh quyết định có nộp hồ sơ vào trường đó hay không. Cho dù điểm xét tuyển của trường có thấp, nhưng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của trường không cao thì thí sinh vẫn có thể cân nhắc lại.

* Tin liên quan:

Tổng hợp điểm mới Quy chế tuyển sinh đại học 2018

Tuyển sinh ĐH 2018: Điểm ưu tiên khu vực giảm một nửa

Đã có lịch tuyển sinh Đại học 2018

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục