Biên bản khám nghiệm hiện trường có bắt buộc lập tại nơi xảy ra vụ việc?

Biên bản khám nghiệm hiện trường có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều tra, giúp làm rõ sự việc đã xảy ra, hỗ trợ cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Vậy, Biên bản khám nghiệm hiện trường là gì? Có bắt buộc phải lập tại nơi xảy ra vụ án không?

1. Biên bản khám nghiệm hiện trường là gì?

Khám nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường với mục đích nhằm phát hiện, ghi nhận, thu thập, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính chất hình sự đã xảy ra.

Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường trong đó thể hiện được toàn bộ các hoạt động khám nghiệm hiện trường như:

- Thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm;

- Mô tả cụ thể hiện trường bằng cách đo đạc, vẽ sơ đổ, chụp ảnh, dựng mô hình và kết quả thu giữ, xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.

- Liệt kê những người tiến hành khám nghiệm, đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, những người chứng kiến và người tham gia tố tụng hoặc nhà chuyên môn có mặt.

Biên bản khám nghiệm hiện trường phải có chữ kí của những người tiến hành khám nghiệm, đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, những người chứng kiến và người tham gia tố tụng…

bien ban kham nghiem hien truong
Khi khám nghiệm hiện trường phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường (Ảnh minh họa)

2. Mẫu Biên bản khám nghiệm hiện trường chuẩn của Bộ Công an

Mẫu Biên bản khám nghiệm hiện trường mới nhất hiện nay là mẫu số 163 ban hành theo Thông tư 119/2021/TT-BCA.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BIÊN BẢN KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG

Hồi .......... giờ ..........   ngày......... tháng .........   năm ..........tại………………………

Chúng tôi gồm:

Ông/bà:               ……………………………………..chủ trì khám nghiệ

Ông/bà:               .........................................

Ông/bà: …………………………. Kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát………………….

Ông/bà ....................................................là người chứng kiến.

Với sự tham dự của:………………………………..

Ông/bà: ………………………………………………….

Ông/bà:……………………………………………………

Ông/bà:…………………………………………………..

Căn cứ các điều 36, 39/Điều 40, 178 và Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự, tiến hành lập biên bản khám nghiệm hiện trường vụ: …………………………………………….

Điều kiện về thời tiết, khí hậu, ánh sáng: ………………………………….

Tình trạng hiện trường khi chúng tôi có mặt :……………………………..

Hiện trường và quá trình khám nghiệm:……………………………………….

Phương tiện, dấu vết, tài liệu và mẫu vật thu được…………………………….

Những dấu vết, tài liệu và mẫu vật trên được thu lượm, bảo quản đưa về Cơ quan………….để xử lý.

Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, chúng tôi đã : ………………………

Việc khám nghiệm hiện trường kết thúc hồi.........giờ.........ngày...........tháng ......... năm

Biên bản này đã đọc cho những người có tên trên nghe, công nhận đúng và cùng ký tên xác nhận dưới đây.

KIỂM SÁT VIÊN

NGƯỜI CHỦ TRÌ KHÁM NGHIỆM

NGƯỜI CHỨNG KIẾN

NGƯỜI  GHI BIÊN BẢN

............................................

NHỮNG NGƯỜI THAM  DỰ

3. Biên bản hiện trường có bắt buộc phải lập tại nơi xảy ra vụ án không?

Điều 178 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 nêu rõ, khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành:

- Chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình;

- Xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án;

- Ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản.

Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.

Sau khi lập xong Biên bản khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét sẽ được ghi vào biên bản, trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản.

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 3 Điều 30 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC:

“Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động khám nghiệm. Yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra, người có chuyên môn thực hiện đúng trình tự, thủ tục khám nghiệm; vẽ sơ đồ, chụp ảnh, đo đạc và mô tả thực trạng hiện trường và thực hiện các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Yêu cầu biên bản khám nghiệm hiện trường phải được lập, sơ đồ hiện trường phải được vẽ ngay tại nơi khám nghiệm”.

Như vậy, theo quy định nêu trên, các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần bảo đảm lập biên bản khám nghiệm hiện trường ngay tại nơi khám nghiệm.

Việc yêu cầu lập Biên bản khám nghiệm hiện trường ngay tại nơi xảy ra sự việc nhằm bảo đảm cho hiện trường vụ việc, vụ án cũng như quá trình tiến hành khám nghiệm của cơ quan, người có thẩm quyền được phản ánh một cách khách quan và kịp thời.

Trên đây là nội dung liên quan đến Biên bản khám nghiệm hiện trường. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục