Bị ngộ độc thực phẩm ai bồi thường?


Bị ngộ độc thực phẩm ai phải bồi thường là câu hỏi thường được nhiều người đặt ra khi tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra đáng báo động hiện nay. Vậy quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào?

Ai phải bồi thường khi bị ngộ độc thực phẩm?

Theo khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, thực phẩm là sản phẩm con người ăn, uống ở các dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do con người hấp thụ thực phẩm có chứa chất độc hoặc bị ô nhiễm.

Đồng thời, khi sử dụng hàng hoá, thực phẩm do cá nhân, tổ chức kinh doanh cung cấp thì khách hàng có quyền được bảo đảm về an toàn tính mạng cũng như sức khoẻ.

Do đó, để xác định ai phải bồi thường khi bị ngộ độc thực phẩm, cần xem xét nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc cũng như ai là người có hành vi gây ra ngộ độc thực phẩm.

Bởi theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 đang có hiệu lực, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác:

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác

Từ đó, có thể xác định người phải bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp sau đây:

- Ngộ độc do nhà sản xuất thực phẩm. Nguyên nhân gây ra ngộ độc trong trường hợp này là do nguồn gốc thực phẩm. Do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có ngộ độc sẽ do cá nhân, tổ chức cung cấp nguyên liệu nấu ăn chịu.

Để xác định cụ thể người phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này thì cần xem xét tất cả các khâu để cung cấp nguyên liệu gồm trồng trọt, nuôi trồng, kiểm duyệt. Khi có lỗi ở khâu nào thì người phụ trách của khâu đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

- Ngộ độc do lỗi của người bán hàng: Nguyên nhân gây ra ngộ độc trong trường hợp này là do độc tố trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm.

Nếu việc khách hàng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của người bán hàng hay chính là người đầu bếp chế biến món ăn thì người đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng.

Ai phải bồi thường khi bị ngộ độc thực phẩm?
Bị ngộ độc thực phẩm ai bồi thường? (Ảnh minh họa)

Đòi bồi thường khi bị ngộ độc thực phẩm thế nào?

Ngoài việc xác định Ai phải bồi thường khi bị ngộ độc thực phẩm thì vẫn đề được quan tâm nhất là đòi bồi thường trong trường hợp này thế nào.

Nếu bị ngộ độc thực phẩm, cá nhân, tổ chức có thể khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi khởi kiện đương sự phải nộp kèm chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Theo đó, thủ tục khởi kiện đòi bồi thường thực hiện như sau:

Hồ sơ phải nộp

- Đơn khởi kiện trong đó nêu rõ, ngày tháng năm làm đơn; tên Toà án có thẩm quyền giải quyết; thông tin về người khởi kiện, người bị kiện; tài liệu, chứng cứ kèm theo…

- Chứng cứ chứng minh thiệt hại mà mình gặp phải khi bị ngộ độc: Hoá đơn nằm viện; hoá đơn tàu xe, đi lại; hoá đơn mua thuốc…

(căn cứ khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Toà án có thẩm quyền giải quyết

Toà án nhân dân cấp huyện nơi người gây ra ngộ độc cư trú (thường trú hoặc tạm trú) hoặc làm việc theo khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Thời gian giải quyết

Thời gian Toà án giải quyết vụ án khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại thường kéo dài khoảng 06 - 08 tháng tuỳ vào tính chất phức tạp của vụ án. Thông thường Toà án sẽ thực hiện các công việc sau đây:

- Phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

- Thẩm phán ra quyết định tiếp nhận, thụ lý, sửa đổi, bổ sung hoặc trả lại đơn khởi kiện.

- Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí.

- Toà án giải quyết đơn khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại khi bị ngộ độc thực phẩm.

- Đưa vụ án ra xét xử…

(Căn cứ: Từ Điều 191 đến Điều 220 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành).

Từ 01/7/2023, mức bồi thường về tinh thần do ngộ độc đến 90 triệu đồng
Từ 01/7/2023, mức bồi thường về tinh thần do ngộ độc đến 90 triệu đồng (Ảnh minh hoạ)

Mức bồi thường

Số tiền bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 585 và 590 Bộ Luật Dân sự 2015:

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Thiệt hại đó bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất/bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất trong thời gian điều trị của người chăm sóc người bị thiệt hại.

Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Trong đó, mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng. Từ 01/7/2023 trở đi mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.

Do đó, đến 30/6/2023, mức bồi thường thiệt hại do bị ngộ độc tối đa là 74,5 triệu đồng. Từ 01/7/2023 trở đi, mức bồi thường thiệt hại do bị ngộ độc tối đa là 90 triệu đồng.

Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường (bằng tiền hoặc bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc), phương thức bồi thường (một lần hoặc nhiều lần).

Trên đây là giải đáp về: Ai phải bồi thường khi bị ngộ độc thực phẩm. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu bài thu hoạch về xây dựng nhà nước pháp quyền chuẩn 2024

Mẫu bài thu hoạch về xây dựng nhà nước pháp quyền chuẩn 2024

Mẫu bài thu hoạch về xây dựng nhà nước pháp quyền chuẩn 2024

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ mẫu bài thu hoạch về xây dựng nhà nước pháp quyền chi tiết gửi tới bạn đọc. Xin mời các bạn tham khảo!