Bị mất sổ tiết kiệm, xử lý thế nào?

Sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng.

Báo ngay cho ngân hàng khi bị mất sổ tiết kiệm

Điều 16 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định:

Tổ chức tín dụng hướng dẫn việc xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất Thẻ tiết kiệm và các trường hợp rủi ro khác đối với tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, mô hình quản lý, đặc điểm, điều kiện kinh doanh của tổ chức tín dụng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.

Theo quy định trên, khi phát hiện bị mất sổ tiết kiệm, khách hàng nên thông báo ngay việc mất thẻ tiết kiệm cho ngân hàng được biết và kịp thời xử lý, tránh trường hợp rủi ro do bị lợi dụng.

Nên báo ngay cho ngân hàng khi phát hiện bị mất sổ tiết kiệm (Ảnh minh họa)

Mất sổ tiết kiệm, rút tiền thế nào?

Khi bị mất sổ tiết kiệm, khách hàng vẫn có thể rút tiền tiết kiệm khi đến hạn hoặc rút trước hạn theo quy định của ngân hàng và thỏa thuận của hai bên.

Để rút được tiền, người gửi có thể xin cấp lại sổ tiết kiệm mới hoặc rút tiền sau khi đã báo mất sổ tiết kiệm và được xác nhận, chứng thực cá nhân.

Thông thường quy trình xử lý với trường hợp mất sổ tiết kiệm được thực hiện như sau:

- Khách hàng thông báo mất sổ tiết kiệm: Tổ chức nhận tiền gửi hướng dẫn khách hàng lập Giấy báo mất sổ tiết kiệm theo mẫu. Trong đó, chữ ký của khách hàng trên giấy báo mất sổ tiết kiệm phải đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền.

- Đối chiếu thông tin, giấy tờ chứng thực cá nhân

Người báo mất sổ tiết kiệm phải xuất trình CMND/CCCD/hộ chiếu hoặc các giấy tờ chứng thực cá nhân tương đương để đối chiếu thông tin, nhận diện khách hàng, kiểm tra các yếu tố trên giấy báo mất sổ tiết kiệm,...

Nếu thấy sổ tiết kiệm báo mất chưa tất toán và không ở trong tình trạng bị phong toả, ngân hàng sẽ chấp nhận làm thủ tục cho khách hàng rút tiền hoặc cấp lại sổ tiết kiệm cho khách hàng để khách hàng rút tiền sau đó.

- Sau một khoảng thời gian kể từ ngày nhận báo mất thẻ tiết kiệm, nếu không có tranh chấp, khiếu kiện gì, khách hàng sẽ được ngân hàng cấp một sổ tiết kiệm mới thay thế cho seri trên sổ đã mất và có quyền rút tiền trên sổ tiết kiệm đã báo mất.

Trường hợp sổ tiết kiệm đồng chủ sở hữu, cả 2 đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải ra làm thủ tục rút tiền hoặc 1 trong 2 người thực hiện theo uỷ quyền của đồng chủ sở hữu còn lại, trừ khi các bên đã có thoả thuận cụ thể trong bản cam kết về đồng chủ sở hữu.

- Khi rút tiền, khách hàng xuất trình giấy báo mất đã có chữ ký xác nhận của ngân hàng thay cho thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm mới đã được cấp và thực hiện các thủ tục rút tiền như bình thường theo quy định.

Những lưu ý khi gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng

Không ký sẵn chứng từ trống

Khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng. Tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi hay rút, chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên ngân hàng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách.

Kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kì

Việc kiểm tra nên thực hiện hàng tuần, hàng tháng nhằm phòng trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng hay cơ quan chức năng để có biện pháp khẩn cấp phối hợp giải quyết.

Việc kiểm tra số dư tài khoản có thể thực hiện nhanh chóng qua tài khoản Internet Banking hoặc Mobile Banking đã được đăng ký với ngân hàng.

Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận

Sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng.

Kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi

Khi nhận sổ tiết kiệm, bạn cần kiểm tra các thông tin về: tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; phương thức trả lãi; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số CMND hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu, chữ ký của Trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền)…

Duy trì một chữ ký cố định

Ngân hàng sẽ không chấp nhận chữ ký không giống với chữ ký ban đầu đăng ký để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.

Do vậy, việc duy trì một chữ ký trong suốt quá trình giao dịch với ngân hàng là điều cần thiết nhằm giúp khách hàng thuận tiện và nhanh chóng khi gửi hoặc rút tiền.

Trên đây là một số thông tin về vấn đề bị mất sổ tiết kiệm. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục