Bí mật kinh doanh được coi là sản phẩm trí tuệ của một doanh nghiệp, có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Vậy bí mật kinh doanh là gì và cần đáp ứng điều kiện gì để được bảo hộ.
Bí mật kinh doanh là gì?
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh (theo khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).
Căn cứ khoản 3 Điều 121 Luật này, chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.
Còn bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.
Theo đó, bí mật kinh doanh mặc nhiên được bảo hộ, không cần phải đăng ký bảo hộ. Chỉ cần đáp ứng được 02 điều kiện:
- Có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh;
- Thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh.
Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây theo Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Lưu ý, các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:
- Bí mật về nhân thân;
- Bí mật về quản lý nhà nước;
- Bí mật về quốc phòng, an ninh;
- Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.
Việc sử dụng bí mật kinh doanh được thực hiện thông qua các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
- Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá;
- Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.
Trên đây là khái niệm bí mật kinh doanh là gì và một số quy định liên quan đến bí mật kinh doanh theo quy định hiện hành. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.