Bị lừa tiền "chạy việc", làm thế nào để đòi lại?

Để có việc làm, nhiều người đã không tiếc bỏ ra một khoản tiền lớn để "chạy việc”. Tuy nhiên, có không ít trường hợp dù đã đưa đủ tiền theo hứa hẹn của bên môi giới nhưng người cần việc vẫn không có việc làm. Vậy bị lừa tiền "chạy việc" có đòi lại được không?

Lừa tiền chạy việc phạm tội gì?

Chạy việc là hành vi vi phạm pháp luật và nếu bị phát hiện, cả người có nhu cầu chạy việc và người làm trung gian đều bị xử lý.

Đối với người làm trung gian liên hệ hoặc hứa hẹn cầm tiền của người khác để chạy việc, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm khác nhau.

- Nếu người môi giới không liên hệ, tác động, không giao lợi ích vật chất nào cho người có chức vụ quyền hạn trong việc tuyển dụng, mà họ chỉ trông đợi vào sự may rủi hoặc họ biết rõ là mình không có khả năng chạy việc nhưng vẫn nhận tiền chạy việc nhằm chiếm đoạt thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, tùy số tiền chiếm đoạt được, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, tội này còn quy định về hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu tài sản.

- Nếu người môi giới đã thực hiện một trong các hành vi như: Truyền đạt thông tin, yêu cầu từ người đưa hối lộ hoặc ngược lại; Thúc đẩy, tạo điều kiện để hai bên đưa và nhận hối lộ xúc với nhau… thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội môi giới hối lộ.

Theo Điều 365 Bộ luật Hình sự, người phạm tội mội giới hối lộ có thể bị phạt tiền đến dưới 200 triệu hoặc phạt tù tới 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng.

bi lua tien chay viec co doi lai duoc khong

Bị lừa tiền chạy việc có đòi lại được không? (Ảnh minh họa)

Bị lừa tiền "chạy việc", có đòi lại được không?

Trao đổi với LuatVietnam về việc: Bị lừa tiền "chạy việc", làm thế nào để đòi lại? - Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc Hãng Luật TGS- (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết:

Thực chất giao dịch đưa tiền và nhận tiền “chạy việc” là giao dịch dân sự được hai bên thực hiện hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, “chạy việc” là hành vi vi phạm pháp luật do đó giao dịch này vô hiệu vì có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật (quy định tại Điều 123 – Bộ luật dân sự 2015). Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 thì giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi đó các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, nếu có chứng cứ chứng minh, người bị lừa có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết, cụ thể ở đây là tuyên giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Đối với người nhận tiền “chạy việc” nhưng không thực hiện theo thỏa thuận có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Tội môi giới hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự 2015.

Theo quan điểm trên, người bị lừa tiền có thể tố giác với cơ quan công an về hành vi lừa tiền chạy việc để đòi lại tiền. Tuy  nhiên, dùng tiền chạy việc là hành vi trái pháp luật và nếu được phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi chạy việc không những làm mất cơ hội của những người đủ điều kiện được tuyển dụng mà nghiêm trọng hơn còn là vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện thì dù động cơ, mục đích hay kết quả có như thế nào thì cả người đưa tiền lẫn người môi giới hay nhận tiền đều bị pháp luật xử lý.

Theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì phạm tội đưa hối lộ.

Mức phạt với Tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364 là phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù đến 20 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội này có thể đồng thời bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.

Việc dùng tiền hối lộ hay thông qua môi giới để chạy việc là không nên thực hiện. Bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật nên nếu có bị lừa tiền hay không xin được việc đi chăng nữa thì người mất tiền thông qua môi giới thường phải chịu rủi ro và khó đòi lại được tiền.

Trên đây là giải đáp về việc: Bị lừa tiền chạy việc có đòi lại được không? Nếu có vướng mắc về các vấn đề pháp lý khác, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Tội nhận hối lộ bị xử lý thế nào theo quy định mới nhất?

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục