Hôm nay, ông Trần Bắc Hà bị khởi tố để điều tra sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV đã chết khi đang bị tạm giam. Vậy nếu bị can chết khi bị tạm giam, vụ án sẽ thế nào?
Nếu bị can chết, vụ án sẽ bị đình chỉ?
Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết. Nhưng nếu vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra với từng người.
Với vụ án này, mặc dù ông Trần Bắc Hà đã chết nhưng vụ án không chỉ có mình ông Hà là bị can. Vụ án còn có 03 bị can nữa là: Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) và Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh).
Do đó, khi bị can Trần Bắc Hà chết thì có thể đình chỉ điều tra với mình ông Hà còn vụ án vẫn sẽ tiếp tục được điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của 03 bị can còn lại.
Vụ án sẽ thế nào nếu bị can chết khi bị tạm giam? (Ảnh minh họa)
Giải quyết thế nào nếu bị can chết khi bị tạm giam?
Theo Điều 26 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ 2015, nếu người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giam thì phải được khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết. Sau đó, cơ sở giam giữ sẽ làm thủ tục khai tử cho người này theo đúng quy định.
Cũng theo quy định này, thân nhân của bị can có thể làm đơn để nhận bàn giao thi thể hoặc tro cốt hoặc hài cốt của người này. Trong đó, kinh phí liên quan đến việc an táng sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Như vậy, khi bị can chết trong thời gian đang bị tạm giam thì cơ quan điều tra có thể đình chỉ điều tra với bị can đó và vụ án vẫn tiếp tục được làm rõ theo đúng quy định của pháp luật với các bị can khác.
>> Những trường hợp bị tạm giam, tạm giữ theo quy định mới
Nguyễn Hương