Quyền im lặng của bị can, bị cáo không còn xa lạ trong tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, quyền này mới chính thức được thừa nhận từ khi Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực.
Quyền im lặng là gì?
"Quyền im lặng" (hay gọi là quyền Miranda) bắt nguồn từ một án lệ ở Mỹ.
Quyền này được giải thích là: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa”.
Nguyên tắc “quyền Miranda” được pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới ghi nhận. Hiến pháp Nhật Bản quy định “không ai bị giam giữ nếu không được thông báo tội trạng và không có luật sư bênh vực”; quyền im lặng ở Đức được đảm bảo rất rộng: Bị cáo có quyền không khai báo, không nhận tội từ khi bị tình nghi đến khi bị xét xử.
Quyền im lặng của bị can, bị cáo được quy định thế nào? (Ảnh minh họa)
Quyền im lặng của bị can, bị cáo ở Việt Nam
Tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), lần đầu tiên quyền im lặng của bị can, bị cáo được ghi nhận; tuy nhiên, Bộ luật không ghi nhận trực tiếp mà thể hiện gián tiếp qua một số điều luật.
Cụ thể, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự: Bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội
Có thể thấy, bị can, bị cáo có quyền tự chủ trong việc khai báo; “trình bày lời khai” là quyền của bị can, bị cáo mà không phải là nghĩa vụ bắt buộc.
Theo đó, bị can, bị cáo có thể trình bày lời khai hoặc không. Việc không trình bày lời khai thể hiện ở việc bị can, bị cáo im lặng trước cơ quan tiến hành tố tụng. Khi bị can, bị cáo im lặng, cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền ép buộc họ phải khai báo bằng các biện pháp không hợp pháp.
Như vậy, có thể hiểu rằng bị can, bị cáo hoàn toàn có quyền im lặng. Việc bị can, bị cáo không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những điều bất lợi cho bản thân sẽ không bị coi là tình tiết tăng nặng.
Trong vụ bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, bác sĩ này cũng đã áp dụng triệt để quyền im lặng trong phần xét hỏi của đại diện Viện Kiểm sát để bảo vệ mình trước những cáo buộc bất lợi.
LuatVietnam