Bắt cóc con của người tình để níu kéo tình cảm

Không chấp nhận việc bị người tình chia tay, My đã bắt cóc con gái riêng của người tình để ép người tình nối lại tình cảm…

Theo thông tin ban đầu, chiều 20/09, Công an tỉnh Cà Mau nhận được thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, yêu cầu hỗ trợ giải cứu bé T.H.T. (5 tuổi, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) đang bị đối tượng Trần Thanh My (27 tuổi, trú xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) bắt giữ.

Sau khi xác minh thông tin, lực lượng chức năng đã đến địa phương nơi My cư trú để giải cứu cháu bé. Đến tối cùng ngày, bé T. đã được giải cứu thành công. Đối tượng My được đưa về trụ sở công an làm việc.

Theo lời khai của My, đối tượng này và mẹ cháu bé từng có quan hệ tình cảm với nhau, họ thuê nhà trọ ở thị trấn Dầu Tiếng (Bình Dương) và sống với nhau như vợ chồng. Gần đây, giữa hai người thường xảy ra mâu thuẫn, người phụ nữ đề nghị chia tay, tuy nhiên, My không đồng ý. Tối 19/09, My bắt bé T. đưa về nhà mình ở Cà Mau. Trong thời gian này, My gọi điện cho mẹ cháu bé yêu cầu được tiếp tục mối quan hệ và nói nếu muốn gặp con phải đi một mình về nhà anh ta. My đe dọa sẽ hãm hại cháu T. nếu người tình không thực hiện yêu cầu. Trước lời đe dọa của My và sự an toàn của con, người phụ nữ đã trình báo sự việc đến cơ quan công an.

Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng đã triển khai lực lượng và giải cứu cháu T. thành công. Hiện đối tượng My đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Hình ảnh minh họa
Bắt, giữ người trái pháp luật là một trong những hành vi xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do cá nhân của công dân và là hành vi bị nghiêm cấm. Điều 20 Hiến pháp năm 2013 có nêu: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định… Do vậy, việc một cá nhân bắt, giữ người khác khi không có quyết định từ cơ quan có thẩm quyền được coi là bắt giữ người trái pháp luật.

Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01-05 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người thi hành công vụ; Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03-10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01-05 năm.

Đối chiếu với quy định vừa nêu, hành vi bắt giữ con gái của người tình của My để níu kéo tình cảm có thể bị phạt tới 02 năm tù giam.

Mức phạt nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ để xử lý. Để tìm hiểu thêm về những quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:

Hiến pháp năm 2013

Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Người bịa chuyện bị tử tù cướp tài sản có thể bị phạt hành chính 1 triệu đồng

Người bịa chuyện bị tử tù cướp tài sản có thể bị phạt hành chính 1 triệu đồng

Người bịa chuyện bị tử tù cướp tài sản có thể bị phạt hành chính 1 triệu đồng

Thời gian gần đây, trên địa bàn Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) liên tiếp xuất hiện tình trạng một số cá nhân trình báo sai sự thật về các vụ cướp tài sản. Các đối tượng cung cấp thông tin sai tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.