KT1, KT2, KT3 và KT4 đều là những thuật ngữ thường gọi để chỉ nơi thường trú, tạm trú của công dân. Thế nhưng, sự khác biệt giữa các thuật ngữ này như thế nào không phải ai cũng hiểu rõ.
KT1: Nơi đăng ký thường trú trong Sổ hộ khẩu
Luật Cư trú 2006 quy định, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Công dân đã đăng ký thường trú sẽ được cấp Sổ hộ khẩu, nơi đăng ký thường trú được thể hiện trên Chứng minh nhân dân/Thẻ Căn cước công dân của mỗi người.
KT1 được hiểu là nơi đăng ký thường trú của công dân.
KT1, KT2, KT3 và KT4 là những thuật ngữ để chỉ nơi thường trú, tạm trú của công dân
KT2: Nơi tạm trú dài hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Công dân có đăng ký hộ khẩu thường trú (KT1) ở một quận/huyện nhưng đăng ký tạm trú dài hạn tại một quận/huyện khác trong phạm vi cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì tại nơi đăng ký tạm trú được cấp Sổ KT2.
Ví dụ: Công dân có hộ khẩu tại quận Nam Từ Liêm, nhưng tạm trú dài hạn tại quận Hà Đông, thì tại quận Hà Đông, công dân được cấp Sổ KT2.
KT3: Tạm trú dài hạn ở tỉnh, thành phố khác nơi đăng ký thường trú
Công dân có đăng ký hộ khẩu thường trú (KT1) ở một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này nhưng đăng ký tạm trú dài hạn tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì tại nơi đăng ký tạm trú, dược cấp Sổ KT3.
Ví dụ: Công dân có hộ khẩu tại Ninh Bình, nhưng tạm trú dài hạn ở Hà Nội, thì tại Hà Nội, công dân được cấp Sổ KT3.
KT4: Tạm trú ngắn hạn ở tỉnh, thành phố khác nơi đăng ký thường trú
Tương tự giống như trường hợp KT3, tuy nhiên ở KT4, thời gian đăng ký tạm trú của công dân ở tỉnh, thành phố khác ngắn hạn (thường có một thời hạn nhất định).
Ngoài các thông tin về KT1, KT2, KT3 và KT4 như nêu trên, quý khách hàng có thể tham khảo bài viết Phân biệt nơi cư trú, nơi thường trú và nơi tạm trú.
Xem thêm:
Luật Cư trú: 8 điểm mới người dân cần biết
Lan Vũ