An toàn thực phẩm Tết 2018: Công khai vi phạm kèm phạt nặng

Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm cuối năm diễn biến phức tạp, Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện sớm các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm để xử lý kịp thời.

Thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn ngập thị trường

Càng về cuối năm, số lượng các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) càng có dấu hiệu gia tăng. Trong thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương đã bắt giữ nhiều vụ liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Hàng hóa vi phạm chủ yếu nằm trong nhóm sản phẩm có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như: thịt động vật, hoa quả, giò, chả, bánh kẹo…

Vào ngày 27/12/2017, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra và phát hiện một chiếc xe khách chở hơn 01 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc. Trước đó, vào ngày 22/12/2017, công an tỉnh Gia Lai cũng đã bắt quả tang một cơ sở đang chế biến hơn 100kg sản phẩm gồm đầu và da bò không đảm bảo vệ sinh. Chủ cơ sở này cũng không có giấy phép kinh doanh theo quy định. Vào khoảng giữa tháng 12, một vụ vận chuyển thịt động vật bẩn, không rõ nguồn gốc với số lượng hơn 100kg cũng đã được cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk bắt giữ.

an toàn thực phẩm tết 2018
Bánh, mứt Tết không nhãn mác tràn ngập thị trường (Ảnh: Internet)

Tại các chợ, trung tâm thương mại, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng đang diễn biến khá phức tạp, phổ biến nhất là ở những mặt hàng như bánh, kẹo, rượu, hàng khô… Những loại hàng hóa “ba không”: Không nhãn mác - Không nguồn gốc - Không hạn sử dụng, được bày bán công khai trên các sạp hàng.

Công khai các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Để bảo đảm ATTP cho nhân dân đón Tết, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCĐTƯVSATTP yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn dịp Tết, kết hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Công khai các cơ sở vi phạm, kết quả xử lý vi phạm để cảnh báo cộng đồng, đồng thời biểu dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm Tết 2018, tại Chỉ thị số 48/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa yêu cầu các Bộ, ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm ATTP. Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về vệ sinh an toàn thực phẩm; Tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh kẹo, rượu, các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ vi phạm.

an toàn thực phẩm tết 2018
Hình ảnh minh họa

Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm phạt tới 200 triệu đồng

Theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thức xử phạt: Cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức phạt bổ sung hoặc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Ngoài ra, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm.

Để tìm hiểu thêm về những quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc hội, số 12/2017/QH14

Chỉ thị 48/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018

Chỉ thị 09/CT-BCĐTƯVSATTP của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục