Án lệ là gì?
Tại Việt Nam, việc hình thành, công nhận và áp dụng án lệ được đánh dấu bởi sự ra đời của Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết 49 nêu trên, Hội đồng tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và sau đó được thay thế bởi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP để quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, đồng thời đưa ra khái niệm chính thức về án lệ.
Cụ thể, Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP định nghĩa về án lệ như sau:
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay đã xây dựng khái niệm đầy đủ về thuật ngữ án lệ. Trong đó, án lệ được xác định không phải là toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án mà chỉ là các nội dung chứa đựng lập luận để giải thích những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng hoặc là lý do để Tòa án đưa ra phán quyết.
Không phải bất kỳ phán quyết có hiệu lực pháp luật nào của Tòa án cũng có thể trở thành án lệ. Để được xem là án lệ thì bản án, quyết định của Tòa án cần phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định.
Án lệ là gì? (Ảnh minh họa)
Án lệ có giá trị pháp lý như thế nào?
Thứ nhất, án lệ mang tính thực tiễn cao.
Dựa vào thực tiễn, án lệ tập trung vào việc giải quyết những vấn đề cụ thể của đời sống thực tế chứ không phải giải quyết vấn đề bằng các lý thuyết chung chung trừu tượng.
Thứ hai, án lệ có khả năng khắc phục những lỗ hổng pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời.
Đời sống xã hội luôn luôn vận động, phát triển, tuy nhiên các quy phạm trong hệ thống văn bản pháp luật lại mang tính ổn định. Điều này dẫn đến hệ quả là luật pháp có thể lạc hậu hay có thể thiếu hụt để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Để khắc phục tình trạng đó, các luật gia tìm đến những nguồn bổ trợ khác như áp dụng tập quán hoặc sử dụng án lệ.
Trong lĩnh vực pháp luật dân sự của Việt Nam, để khắc phục sự thiếu hụt của văn bản pháp luật thành văn, các nhà làm luật cũng đưa ra những cách thức nhất định như áp dụng tập quán hoặc áp dụng tương tự quy định pháp luật. Cả hai cách thức này đều có hình thành án lệ.
Để có thể giải quyết vụ việc bằng những cách thức này đòi hỏi thẩm phán phải là người có nhiều kinh nghiệm và có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực khoa học pháp lý.
Thứ ba, án lệ thể hiện tính khách quan và công bằng.
Kết luận trong án lệ là kết quả của quá trình đưa ra những lý lẽ và tranh luận lâu dài giữa các bên trong vụ việc, giữa các thẩm phán trong hội đồng xét xử, giữa các thẩm phán sau với các thẩm phán trước đó một cách khách quan và công bằng.
Trên đây là một số thông tin về: Án lệ là gì? Giá trị pháp lý của án lệ như thế nào? Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.>> Xem thêm toàn bộ án lệ của Việt Nam tại đây.