Âm thanh có được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu?

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Vậy âm thanh có được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu không?

Âm thanh có được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu?

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện theo Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sau đây:

- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Nhãn hiệu âm thanh là nhãn hiệu được tạo ra từ các dấu hiệu là âm hưởng, nhận biết bằng thính giác, có thể do tổ hợp các đơn âm hoặc thang âm cấu thành, dùng để phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Có thể thấy, âm thanh không nhìn thấy được và hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ chưa có quy định để bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Do đó, dấu hiệu âm thanh chưa thể bảo hộ là nhãn hiệu được ở Việt Nam.

Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018 thì nhãn hiệu hàng hóa đăng ký không chỉ dừng lại ở mức là nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc mà còn được mở rộng cho phép đăng ký các nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hương.

Âm thanh có được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu không? (Ảnh minh họa)

Đối tượng nào được bảo hộ làm nhãn hiệu âm thanh?

Theo tìm hiểu, thực tiễn sử dụng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh của một số nước cho thấy đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu âm thanh bao gồm:

Thứ nhất, tất cả các loại âm thanh thuộc một trong các loại âm thanh dưới đây được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với nhau:

- Âm nhạc (cả nhạc có lời và nhạc không lời), âm nhạc có thể là một đoạn nhạc hoặc cả một bản nhạc đã tồn tại hoặc mới được sáng tác;

- Các âm thanh là tiếng của con người phát ra, ví dụ như tiếng hét, cười, khóc của con người…;

- Các âm thanh do các hoạt động của con người tạo ra, ví dụ như tiếng vỗ tay, tiếng bước chân chạy…;

- Các âm thanh là tiếng kêu của động vật, ví dụ như tiếng vịt kêu, tiếng sư tử gầm, tiếng gà gáy, tiếng chim hót, tiếng chó sủa…;

- Các âm thanh là tiếng động phát ra từ động cơ, máy móc, ví dụ như tiếng nổ máy, tiếng chuông…;

- Các âm thanh là tiếng động tự nhiên, ví dụ như tiếng sấm sét, tiếng mưa rơi, tiếng gió rít…;

Thứ hai, không có quy định về độ dài đoạn âm thanh được sử dụng và đăng ký làm nhãn hiệu. Hiện âm thanh ngắn nhất được sử dụng và đăng ký nhãn hiệu có độ dài 1 giây, đa phần các nhãn âm thanh có độ dài dưới 30 giây.

Các sản phẩm, dịch vụ được sử dụng nhãn hiệu âm thanh thường là các

nhóm sản phẩm dịch vụ liên quan đến phần mềm máy tính; dịch vụ giải trí

truyền hình; thiết bị và dịch vụ viễn thông; dịch vụ cung cấp dữ liệu trên

internet; các sản phẩm thông minh; thiết bị, dịch vụ y tế…

Có thể nêu một số ví dụ về nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ và sử dụng rộng rãi trên thế giới như: Tiếng gầm của sư tử mở đầu cho phim của hãng MGM (Hoa Kỳ), tiếng chuông điện thoại mặc định của hãng NOKIA (Phần Lan), tiếng sấm rền của hãng môtô Harley - Davidson (Hoa Kỳ) hoặc bốn nốt nhạc lên xuống trầm bổng của hãng dược phẩm HISAMITSU (Nhật Bản)…

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục