Ai phải chịu trách nhiệm vụ đốt đồng trên cao tốc?

Khoảng 15h ngày 3/4, một vụ tai nạn liên hoàn đã xảy ra giữa nhiều xe ô tô trên tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân đốt đồng làm khói bay mù mịt, khiến tầm nhìn bị che khuất.

Vụ tai nạn liên hoàn đã làm 2 người bị thương nhẹ và 6 xe ô tô bị hư hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Câu hỏi nhiều người đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm trong sự việc này?

Lái xe cũng có trách nhiệm

Trong quá trình lưu thông tại tuyến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, khói làm hạn chế tầm nhìn các tài xế không phải xuất hiện đột ngột. Do đó, các lái xe hoàn toàn có thể quan sát từ xa để cho xe chạy chậm lại nhưng vẫn phải giữ khoảng cách an toàn.

Khoản 11 Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 31/12/2015 quy định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi.

Nếu lái xe chủ động giảm tốc độ khi quan sát khói đốt đồng từ xa thì nguy cơ xảy ra tai nạn có thể giảm đi đáng kể.


Khói mù mịt trên tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây 

Đơn vị quản lý cao tốc có thể phải bồi thường

Đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc phải đảm bảo những kỹ thuật lẫn điều kiện lưu thông để các phương tiện lưu thông an toàn.

Trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông thì phải xử lý, sửa chữa kịp thời.

Nếu đơn vị quản lý đoạn đường quan sát trên camera mà thấy khói, nhưng không chủ động khắc phục kịp thời như dập tắt lửa và có những cảnh báo tới những phương tiện đang tham gia giao thông… thì đơn vị này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

Người đốt đồng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Điều 2 Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi Điều 15 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về giới hạn hành lang an toàn đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ đối với đường cao tốc ngoài đô thị như sau: Hành lang an toàn 17m, tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên; hành lang an toàn 20m, tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với cầu cạn và hầm.

Nếu diện tích cỏ khô, rơm rạ bị đốt nằm trong phạm vi giới hạn hành lang an toàn đường bộ thì người đốt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ.

Theo khoản 1 Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, người nào có các hành vi gây cản trở giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.

Hành vi đốt đồng gây cản trở giao thông dẫn đến việc thiệt hại về tài sản, gây thương tích cho  nhiều người. Vì thế, hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, trường hợp diện tích cỏ khô, rơm rạ bị đốt nằm ngoài phạm vi giới hạn hành lang an toàn đường bộ mà khói là nguyên nhân gây ra hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì người đốt cỏ khô, rơm rạ phải bồi thường thiệt hại theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015: Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục