Ai được mời luật sư cho bị can, bị cáo?

Theo Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 người bào chữa không chỉ là luật sư mà còn có thể là: Người đại diện của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Khi nào được mời luật sư?

Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can hoặc từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ trong trường hợp bắt, tạm giữ người. Một số trường hợp cần giữ bí mật điều tra với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Do đó, có thể mời luật sư ngay khi có quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giữ.

Ai là người được mời luật sư cho bị can, bị cáo?

Ai được mời luật sư cho bị can, bị cáo? (Ảnh minh họ​a)

Người thân thích cũng được mời luật sư cho bị can, bị cáo

Có 04 nhóm người được mời luật sư cho bị can, bị cáo là: Bản thân người bị buộc tội; Người đại diện của người bị buộc tội; Người thân thích của người bị buộc tội; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Cụ thể, người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn. Ngoài ra, trong 04 trường hợp sau cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa:

- Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

- Là người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa;

- Là người có nhược điểm về tâm thần;

- Là người dưới 18 tuổi.

Về người thân thích của người bị buộc tội trong quy định trên gồm: Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột (điểm e khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).

Chưa có quy định về thế nào là người đại diện của người bị buộc tội

Hiện chưa có văn bản hướng dẫn về thế nào là người đại diện của người bị buộc tội nên rất khó để xác định chính xác những ai được là người đại diện của người bị buộc tội.

Có thể là người không thân thích được không? Là người đại diện theo ủy quyền hoặc người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự? Thủ tục, hồ sơ chứng minh có tư cách đại diện cho người bị buộc tội như thế nào?

Việc chưa quy định rõ vấn đề này sẽ dẫn đến tình trạng nhận thức, áp dụng pháp luật khác nhau. Vì vậy, rất cần có hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền bào chữa của người đại diện và quyền được bào chữa của người bị buộc tội.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục