Theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Lao động 10/2012/QH13, có 9 hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công. Chủ thể thực hiện các hành vi bị cấm này có thể là tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động hoặc người lao động. Cụ thể:
Các hành vi bị cấm trong đình công (Ảnh minh họa)
- Cản trở đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công;
- Cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm;
- Dùng bạo lực;
- Hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động;
- Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng;
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động người lao động, người lãnh đạo đình công;
- Điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm ở nơi khác vì chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công;
- Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công;
- Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.
So với pháp luật lao động trước đây, các hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công theo pháp luật hiện hành đã rõ ràng hơn.
Đặc biệt, đã bỏ hành vi “Tự ý chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp để chống lại đình công”, thể hiện tính công bằng giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động khi đã cho phép người sử dụng lao động được đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công.
Đòi lại lợi ích chính đáng là việc nên làm, tuy nhiên ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến các hành vi lợi dụng, xâm hại con người và tài sản lại là việc làm cần thiết. Chính vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức đình công đều phải nghiêm túc để không phạm các hành vi bị cấm trong đình công.
Xem thêm:
Cuộc đình công nào được coi là bất hợp pháp?
Khi nào người lao động được đình công?
Thùy Linh