9 dự án luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 22/10/2018 và sẽ bế mạc vào ngày hôm nay (20/11/2018). Theo đó, đã có 09 dự án luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.

Dưới đây là tổng hợp của LuatVietnam về những dự án luật vừa được Quốc hội thông qua.


1. Luật Đặc xá

Luật Đặc xá có 6 chương và 39 điều, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019; thay thế cho Luật Đặc xá năm 2007.

Một trong những nội dung nổi bật của Luật này là quy định không đề nghị đặc xá với người bị kết án tù về các tội Phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của quốc gia, tội Chống phá cơ sở giam giữ...; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ 02 tiền án trở lên…


2. Luật Cảnh sát biển

Luật Cảnh sát biển có 8 chương và 41 điều, cũng có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 và sẽ thay thế cho Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998.

Luật này quy định cụ thể về các trường hợp cảnh sát biển được nổ súng quân dụng, trong đó có các trường hợp như: Đối tượng điều khiển tàu thuyền tấn công hoặc đe dọa trực tiếp tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn; Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép…

5 dự án luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6

9 dự án luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (Ảnh minh họa)

3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Đây là một trong những dự án luật thu hút sự quan tâm của dư luận tại kỳ họp lần này. Với đại đa số đại biểu tán thành, Luật đã được thông qua chiều ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

Luật có 5 điều, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức đào tạo của giáo dục đại học; Phương thức hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học…

Đáng chú ý, Luật này mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Theo đó, các trường được tự chủ trong hoạt động chuyên môn, trong tổ chức và nhân sự, trong tài chính và tài sản nhưng phải có trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.


4. Luật Chăn nuôi

Luật Chăn nuôi cũng là một trong những dự án luật vừa được Quốc hội thông qua. Luật này có 8 chương và 82 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Luật sẽ thay thế cho Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004.

Luật quy định khá chặt chẽ về thức ăn chăn nuôi, trong đó yêu cầu chỉ sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn còn non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh…


5. Luật Trồng trọt

Luật Trồng trọt có 7 chương và 85 điều, thay thế cho Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004.

Luật này quy định phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành, trừ phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên; phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm hoặc lân hoặc kali…

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể về điều kiện buôn bán phân bón, trong đó yêu cầu tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, trừ trường hợp buôn bán phân bón do chính mình sản xuất…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

6. Luật Công an nhân dân

Luật Công an nhân dân được thông qua sáng ngày 20/11/2018 với 86% đại biểu tán thành. Luật cũng có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 và thay thế cho Luật Công an nhân dân năm 2014. Luật có 7 chương và 48 điều.

Một số nội dung đáng chú ý của Luật như: Bộ Công an có số lượng Thiếu tướng không quá 157, số lượng Trung tướng không quá 35 và số lượng Thượng tướng không quá 6; Sĩ quan biệt phái được hưởng chính sách như công tác trong ngành công an, được bổ nhiệm chức vụ tương đương chức vụ biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái; được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái.

7. Luật Phòng, chống tham nhũng

Luật Phòng, chống tham nhũng cũng vừa được Quốc hội thông qua. Luật gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

Luật quy định cụ thể về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo hướng mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu và thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm.

Đồng thời, Luật cũng quy định nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì phải thu hồi hoặc tịch thu theo quy định; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế…

8. Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch

Với 32 điều, Luật này sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Trong đó, Luật quy định về thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm; thời kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

9. Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước cũng đã chính thức được thông qua với 5 chương và 28 điều.

Theo Luật này, bí mật Nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: Tuyệt mật, Tối mật và Mật theo từng lĩnh vực. Thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước là 30 năm đối với bí mật Nhà nước ở mức độ "Tuyệt mật"; 20 năm đối với bí mật Nhà nước ở mức độ "Tối mật"; 10 năm đối với bí mật Nhà nước ở mức độ "Mật"…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2020, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000.

Xem thêm:

7 Luật, 7 Nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục