(LuatVietnam) Những vụ cháy tại các tòa chung cư cao tầng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua. Gần đây nhất là vụ cháy tại chung cư cao cấp Carina, đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP. Hồ Chí Minh khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương.
Liên tiếp xảy ra cháy tại các tòa chung cư cao tầng (Ảnh minh họa)
Dưới đây là một số quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các tòa nhà cao tầng, trong đó có chung cư.
1. Phải có hệ thống báo cháy tự động
Tòa nhà từ 05 tầng trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động. Hệ thống này phải đảm bảo các yêu cầu sau: Phát hiện cháy nhanh, chuyển tín hiệu rõ ràng và đảm bảo độ tin cậy. Trường hợp hệ thống báo cháy tự động có liên kết với hệ thống chữa cháy thì ngoài chức năng báo cháy còn phải điều khiển hệ thống chữa cháy hoạt động ngay để kịp thời dập tắt đám cháy.
Hệ thống này sau khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra mỗi năm ít nhất 02 lần; được bảo dưỡng ít nhất 2 năm một lần.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 3890:2009.
2. 50 – 150m2 có 1 bình chữa cháy
Tất cả các khu vực trong tòa nhà có nguy hiểm về cháy, kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy đều phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình chữa cháy có bánh xe. Bình phải được bố trí ở vị trí thiết kế, không để bình tập trung ở một chỗ.
Trong đó, với mức độ nguy hiểm thấp, định mức trang bị bình chữa cháy là 150m2/bình; mức độ nguy hiểm trung bình là 75m2/bình và với mức độ nguy hiểm cao là 50m2/bình.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 3890:2009.
3. Cửa thoát hiểm phải luôn đóng kín
Cửa của các lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Với các tòa nhà có chiều cao lớn hơn 15m, các cánh cửa này phải là cửa đặc hoặc với kính cường lực.
Đối với các buồng thang bộ, cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa.
Cửa của lối ra thoát nạn từ các gian phòng hay các hành lang phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng phải được trang bị cơ cấu tự đóng khi có cháy.
Theo Quy chuẩn Việt Nam: QCVN 06:2010/BXD.
4. Có 1 - 2 họng nước tại mỗi điểm trong nhà
Các tòa chung cư phải bố trí từ 01 – 02 họng nước chữa cháy cho mỗi điểm bên trong nhà với lượng nước tính cho mỗi họng là 2,5 lít/giây.
Các họng chữa cháy bên trong tòa nhà phải bố trí cạnh lối ra vào, trên chiếu nghỉ buồng thang, ở sảnh, hành lang và những nơi dễ thấy, dễ sử dụng. Tâm của họng chữa cháy phải đặt ở độ cao 1,25m so với mặt sàn; Mỗi họng chữa cháy trong tòa nhà phải có đặt van khóa, lăng phun nước và cuộn vòi mềm có đủ độ dài theo tính toán.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 2622:1995.
5. Có ít nhất 02 lối ra thoát nạn
Trong các nhà cao tầng phải có ít nhất 02 lối ra thoát nạn để đảm bảo cho người thoát nạn an toàn khi có cháy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy hoạt động.
Trong các nhà cao tầng có diện tích mỗi tầng lớn hơn 300m2 thì hành lang chung hoặc lối đi phải có ít nhất hai lối thoát ra hai cầu thang thoát nạn. Cho phép thiết kế một cầu thang thoát nạn ở một phía, còn phía kia phải thiết kế ban công nối với thang thoát nạn bên ngoài nếu diện tích mỗi tầng nhỏ hơn 300m2.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 6160:1996
Tin liên quan:
Cháy chung cư, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?
Thủ tướng ra Công điện về vụ cháy chung cư ở Sài Gòn
LuatVietnam