5 tín hiệu vui với các doanh nghiệp trong năm 2018

(LuatVietnam) Tại Chỉ thị 07/CT-TTg, Thủ tướng nhấn mạnh 05 yêu cầu đối với các Bộ, ngành trong việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Đây cũng chính những là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp trong năm 2018

Hai năm trở lại đây, Chính phủ nêu cao chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp. Năm 2018 vẫn được Chính phủ xác định là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Mới đây nhất, Thủ tướng đã ra Chỉ thị 07/CT-TTg yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng nhấn mạnh 05 yêu cầu đối với các Bộ, ngành liên quan, báo hiệu tin vui cho các doanh nghiệp trong năm 2018.

1 - Tháo gỡ vướng mắc về thuế, hóa đơn

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế, tháo gỡ ngay những vướng mắc cho doanh nghiệp về thuế; Nghiên cứu, đề xuất chính sách thu thuế, chế độ kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Đặc biệt, Bộ Tài chính phải nhanh chóng xây dựng Nghị định về hóa đơn điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 với toàn bộ nền kinh tế.

2 - Tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất

Bộ Tài nguyên Môi trường phải có chính sách đột phá trong việc tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất; trong đó, giải quyết vướng mắc trong thu hồi đất đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh doanh, sản xuất thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch…

Đồng thời, sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chỉ thị 07/CT-TTg cho thấy 5 tín hiệu vui với các doanh nghiệp trong năm 2018

3 - Hướng dẫn về thế chấp tài sản để tiếp cận vốn vay

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp phải có hướng dẫn cụ thể hơn về một số nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm bằng các loại tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các tài sản là động sản khác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thế chấp tài sản để tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

4 - Chỉ kiểm tra doanh nghiệp khi thật sự cần thiết

Bên cạnh việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra doanh nghiệp theo quy định.

Tuy nhiên, việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan công an có thẩm quyền.

5 - Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp

Với tất cả các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết thực chất, dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp; công khai kết quả theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với doanh nghiệp.

Đặc biệt, UBND các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Cao Bằng, Hải Phòng, Đắk Lắk, Long An, Nam Định và Trà Vinh khẩn trương thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Xem thêm:

10 điểm đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2014

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục