5 điều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 cần biết

Mùa khai giảng năm 2018 - 2019 sắp đến gần. Bên cạnh việc chuẩn bị tâm lý, sách vở, đồ dùng học tập… cho con, những phụ huynh có con sắp vào lớp 1 cần nắm được những thông tin quan trọng dưới đây.

1. Trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, nhưng có một số ngoại lệ

Điều 40 Điều lệ trường tiểu học được sửa đổi bởi Thông tư 50/2012/TT-BGDĐT chỉ rõ, tuổi vào học lớp 1 là 06 tuổi. Tuy nhiên:

- Trẻ em vùng khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ nghèo, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể học lớp 1 ở độ tuổi từ 07 đến 09 tuổi

- Trẻ em khuyết tật có thể học lớp 1 từ 07 tuổi đến 14 tuổi.

2. Được miễn học phí, nhưng chỉ với trường công lập

Theo quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục 2005, học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Quy định này vẫn được áp dụng xuyên suốt cho tới nay.

Như vậy, phụ huynh của học sinh từ lớp 1 đến hết lớp 5 tại các trường công lập không phải đóng học phí cho con; tại các trường dân lập, trường quốc tế vẫn phải nộp học phí nếu trường có quy định.

5 điều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 cần biết (Ảnh minh họa)

3. Mỗi lớp có 35 học sinh, nhưng thường đông hơn

Điều 17 của Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT quy định mỗi lớp học ở cấp tiểu học có không quá 35 học sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, vì lý do khách quan nên nhiều trường ở nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn đã phải tăng sĩ số học sinh trong lớp lên đến 40 - 50, thậm chí hơn 60 học sinh.

4. Chấm điểm cho bài kiểm tra định kỳ, nhưng không cho điểm 0

Ở lớp 1, trẻ sẽ được đánh giá định kỳ về học tập vào giữa học 1, cuối học kì 1, giữa học 2 và cuối năm học.

Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10 nhưng không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.

Đặc biệt, điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối kỳ Ià cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên sẽ đề xuất với nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra khác.

Trên đây là quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.

5. Kiểm tra cuối kỳ đạt từ 9 điểm được giấy khen, nhưng phải vượt trội ít nhất 1 môn

Khoản 9 Điều 1 Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT quy định hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh vào cuối năm học nếu học sinh có kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, có năng lực, phẩm chất Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn đạt 9 điểm trở lên.

Đồng thời, học sinh phải có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục