1. Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng bị phạt tiền
Uống rượu bia và đặc biệt nhậu say ngày Tết, thông thường người uống sẽ không làm chủ được bản thân, có nhiều hành vi quá khích ảnh hưởng đến trật tự công cộng hoặc khi điều khiển xe máy, ô tô… có thể sẽ gây tai nạn bởi không làm chủ được tốc độ, hành vi…
Trong trường hợp gây rối công cộng, gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt từ 01 - 02 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;
Nghiêm trọng hơn, nếu hành vi gây rối trật tự công cộng có dấu hiệu của phạm tội thì người uống rượu có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng tại Điều 318 Bộ luật Hình sự đang có hiệu lực với khung hình phạt như sau:
Khung | Mức phạt | Hành vi |
1 | - Phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng - Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm - Phạt tù từ 03 tháng - 02 năm | - Gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc - Đã bị phạt hành chính hoặc bị kết án về Tội này nhưng chưa được xoá án tích mà vẫn tiếp tục vi phạm |
2 | Phạt tù từ 02 - 07 năm | - Có tổ chức - Dùng hung khí, vũ lực hoặc phá phách - Cản trở giao thông nghiêm trọng/đình trệ hoạt động công cộng - Xúi người khác gây rối - Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng - Tái phạm nguy hiểm |
Đặc biệt, việc sử dụng rượu bia khi gây ra hành vi vi phạm thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thâm chí, trong nhiều trường hợp, đây còn là tình tiết tăng nặng. Do đó, nếu ngày Tết uống rượu bia, người say rượu có thể sẽ bị phạt tiền hoặc đi tù nếu gây rối công cộng.
2. Phải bồi thường thiệt hại do say rượu gây ra
Không chỉ có thể bị phạt tiền, người nhậu say ngày Tết còn có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 596 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Điều 596. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra
1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Theo quy định này, khi sử dụng rượu bia khiến mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi và có hành động gây thiệt hại cho người khác thì người này phải bồi thường theo thiệt hại thực tế hoặc theo thoả thuận với người bị thiệt hại.
Đặc biệt, nếu trong ngày Tết, cố ép người khác uống rượu bia để người đó lâm vào tình trạng mất nhận thức, làm chủ hành vi và gây thiệt hại thì người ép người khác uống rượu bia cũng phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Không chỉ vậy, ép người khác uống rượu bia cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt từ 01 - 03 triệu đồng theo khoản 2 Điều 30 Nghi định 117/2020/NĐ-CP.
3. Say rượu lái xe sẽ bị phạt rất nặng!
Tết đến không thể thiếu việc đi thăm hỏi, chúc Tết anh em họ hàng bằng xe máy hoặc xe ô tô hoặc xe đạp.
Tuy nhiên, một trong những tin không vui với người nhậu say ngày Tết là khi tham gia giao thông, trong người có nồng độ cồn vượt mức cho phép thì sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Cụ thể:
Nồng độ cồn trong máu/hơi thở (ml máu) | Mức phạt | |
Xe máy | Xe ô tô | |
≤ 50 mg/100 ml máu; hoặc ≤ 0,25 mg/1 lít khí thở | 02 - 03 triệu đồng (Điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) Tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng (Điểm đ khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) | 06 - 08 triệu đồng (Điểm c khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) Tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng (Điểm e khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
> 50 - 80 mg/100 ml máu Hoặc > 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở | 04 - 05 triệu đồng (Điểm c khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) Tước giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng (Điểm e khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) | 16 - 18 triệu đồng (Điểm c khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) Tước giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng (Điểm g khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
> 80 mg/100 ml máu Hoặc > 0,4 mg/1 lít khí thở | 06 - 08 triệu đồng (Điểm e khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) Tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Điểm g khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) | 30 - 40 triệu đồng (Điểm a Khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) Tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
Ngoài ra, độc giả có thể xem thêm các vi phạm khác trong dịp Tết tại bài viết: 10 vi phạm giao thông phổ biến dịp Tết: Tăng "sốc" mức phạt
4. Ốm đau do say rượu không được hưởng chế độ ốm đau
Trường hợp người lao động ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do say rượu thì không được hưởng chế độ ốm đau theo quy định (Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Như vậy trong trường hợp này, người lao động đã tự đánh mất quyền lợi mà đáng lẽ ra mình được hưởng, chỉ vì chén rượu, lon bia.
Trên đây là tổng hợp 04 tin không vui với người nhậu say ngày Tết. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.