- 1. Chỉ được thử việc 01 lần
- 2. Lương thử việc ít nhất bằng 85% lương chính thức
- 3. 03 ngày trước khi kết thúc thử việc phải báo cho NLĐ kết quả thử việc
- 4. Không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ của NLĐ
- 5. Thời gian làm việc
- 6. Lương chính thức không thấp hơn lương tối thiểu vùng
- 7. Tiền lương làm thêm giờ
- 8. Người lao động được trả lương đúng hạn, đầy đủ
Bộ luật Lao động (BLLĐ) mới nhất được ban hành ngày 18/06/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/05/2013. Tại Bộ luật này, có rất nhiều điều người lao động cần biết để bảo vệ quyền lợi của mình. Dưới đây LuatVietnam giới thiệu 10 điểm quan trọng nhất của Bộ luật Lao động liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
1. Chỉ được thử việc 01 lần
- Theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2012: Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất, mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc.
Thời gian thử việc tối đa:
+ Không quá 60 ngày (đối với công việc cần trình độ từ cao đẳng trở lên);
+ Không quá 30 ngày (đối với công việc cần trình độ trung cấp);
+ Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
- Doanh nghiệp yêu cầu lao động thử việc quá 01 lần hoặc quá thời gian quy định bị phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng và buộc trả đủ 100% tiền lương cho người lao động (Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
2. Lương thử việc ít nhất bằng 85% lương chính thức
- Điều 28 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Lương trong thời gian thử việc của NLĐ do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
- Doanh nghiệp trả lương cho NLĐ thấp hơn 85% mức lương của công việc đó trong thời gian thử việc bị phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng (Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
Xem thêm: Hợp đồng thử việc vẫn được đóng BHXH?
3. 03 ngày trước khi kết thúc thử việc phải báo cho NLĐ kết quả thử việc
Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP nêu rõ:
Trong thời hạn 3 ngày trước khi kết thúc thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc, nếu đạt yêu cầu thì kết thúc thời gian thử việc người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động ngay với người lao động.
Nếu không đạt yêu cầu, người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng thử việc.
Điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động với người lao động, sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 02 -05 triệu đồng.
4. Không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ của NLĐ
Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định, doanh nghiệp không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ. Nếu vi phạm thì bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng (Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
5. Thời gian làm việc
- Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần (Điều 104 Bộ luật Lao động 2012)
- Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định (khoản 3 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
Thời gian làm việc không quá 40 tiếng/tuần (Ảnh minh họa)
6. Lương chính thức không thấp hơn lương tối thiểu vùng
Từ năm 2018, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP. Cụ thể, như sau:
- Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng.
- Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng.
- Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng.
- Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng.
Theo khoản 4 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ bị xử phạt từ 20 - 75 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải trả đủ tiền lương cộng với tiền lãi của số tiền lương trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đáng chú ý, mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2019.
7. Tiền lương làm thêm giờ
Theo Bộ luật Lao động, NLĐ làm thêm giờ vào ngày thường được hưởng 150% lương; vào ngày nghỉ hằng tuần được hưởng 200%; vào ngày lễ, Tết được hưởng 400% lương (Điều 97, Điều 115 - Bộ luật Lao động năm 2012).
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm được trả lương: Ngày thường = 210%; ngày nghỉ hàng tuần = 270%; ngày lễ, Tết = 390%.
Doanh nghiệp trả lương làm thêm giờ thấp hơn quy định sẽ bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng.
Tham khảo, cách tính tiền làm thêm giờ vào ban đêm ngày Lễ, Tết tại đây.
8. Người lao động được trả lương đúng hạn, đầy đủ
Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ nguyên tắc trả lương cho người lao động: Trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn
Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được trả chậm quá 01 tháng.
Xem thêm: Công ty chậm trả lương, nhân viên được nhận thêm tiền lãi
Chậm trả lương người lao động được nhận thêm tiền lãi (Ảnh minh họa)
9. Lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày trong kỳ "đèn đỏ"
Theo BLLĐ 2012, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong 01 tháng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút ngày “đèn đỏ” sẽ bị phạt. Cụ thể, mức phạt xem tại đây.
10. Cấm phạt tiền, cắt lương NLĐ thay cho xử lý kỷ luật lao động
Bộ luật Lao động 2012 nhấn mạnh cấm dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Nếu vi phạm bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng, đồng thời buộc trả lại tiền hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động.
Trên đây là 10 quy định của Bộ luật Lao động mới nhất người lao động cần biết để bảo vệ quyền lợi của mình. Quý khách hàng của LuatVietnam có thể tra cứu tất cả văn bản lĩnh vực LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG tại đây.
LuatVietnam