10 điểm đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2014

Luật Doanh nghiệp mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, thay thế Luật Doanh nghiệp 2005 với nhiều thay đổi đáng kể, có tác động tích cực đến doanh nghiệp 2018. Dưới đây là một số điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2014:


1. Công ty có thể có nhiều hơn 1 người đại diện

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định.

Theo khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có 1 hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; trong đó, phải có ít nhất 1 người cư trú tại Việt Nam.

Nếu doanh nghiệp chỉ có 1 người đại diện theo pháp luật, và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không có người đại diện khác theo ủy quyền thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Xem thêm: Doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật cần biết


2. Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo khoản 2 Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thời gian xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn xuống còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trong khi theo quy định cũ tại Luật Doanh nghiệp 2005, thời gian xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 10 ngày làm việc.


3. Bỏ ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Một nội dung đáng chú ý khác của Luật Doanh nghiệp 2014 là quy định bỏ ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể, nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ bao gồm tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; vốn điều lệ và thông tin người đại diện theo pháp luật; thông tin các thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh) hoặc chủ doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp tư nhân)...

Xem thêm: 4 nội dung ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Khi có thay đổi trong nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trong vòng 10 ngày và thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày (Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2014).

Luật Doanh nghiệp bỏ ngành nghề kinh doanh trong GCN đăng ký doanh nghiệp.


4. Bỏ quy định doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính

Về trụ sở chính, Điều 43 Luật Doanh nghiệp chỉ quy định: Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Đồng thời, bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong vòng 15 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.


5. Doanh nghiệp được tự quyết định hình thức, số lượng con dấu

Theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp được tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải đảm bảo các thông tin về tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp phải có trên con dấu. Đặc biệt, trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Xem thêm: Hướng dẫn quản lý, sử dụng con dấu doanh nghiệp


6. Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động phải thành lập doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp; đối với những hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, việc đăng ký kinh doanh và hoạt động được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Xem thêm: 3 lý do hộ kinh doanh nên chuyển sang doanh nghiệp

Năm 2018, hộ kinh doanh có từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp 


7. Thu hẹp trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng chỉ quy định 5 trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp so với 8 trường hợp của Luật cũ, bao gồm:

- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;

- Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật này thành lập;

- Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

- Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

- Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.


8. Được dùng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn

Ngoài các tài sản thông thường như đồng Việt Nam, ngoại tệ, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, Luật Doanh nghiệp 2014 còn cho phép cá nhân, tổ chức được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp (Điều 35). Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ được dùng để góp vốn bao gồm: Quyền tác giả; Quyền liên quan đến quyền tác giả; Quyền sở hữu công nghiệp; Quyền đối với cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định.


9. Thay đổi điều kiện họp Đại hội đồng cổ đông công ty

Điều 141 Luật Doanh nghiệp quy định cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết, thay vì 65% như quy định trước đây.

Trong trường hợp cuộc họp thứ nhất không đảm bảo tỷ lệ họp từ 51% như quy định thì doanh nghiệp được triệu tập họp lần thứ 2 trong vòng 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Lúc này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết.

Điều kiện họp Hội đồng cổ đông là một trong những nội dung của Luật Doanh nghiệp 204


10. Được hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp không cùng loại

Theo quy định tại Điều 194, 195 Luật Doanh nghiệp năm 2014, các công ty có thể hợp nhất, sáp nhập để tạo thành một công ty mới mà không bắt buộc phải là “công ty cùng loại” như quy định tại Điều 152, 153 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Tuy nhiên, Luật cũng nghiêm cấm các trường hợp hợp nhất, sáp nhập mà trong đó công ty hợp nhất hoặc nhận sáp nhập có thị phần trên 50% thị trường có liên quan.

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về 10 điểm đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2014. Hiện nay, hệ thống của LuatVietnam cũng đã cập nhật rất đầy đủ các văn bản liên quan trong lĩnh vực DOANH NGHIỆP, quý khách hàng có thể tham khảo thêm tại đây.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục