2 lưu ý về các khoản tiền phải nộp đầu năm học mới

Hiện nay, ngoài việc học hành thì học phí, các khoản tiền phải nộp đầu năm học mới luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Sau đây là 02 lưu ý quan trọng mọi phụ huynh nên biết.

Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí

Theo quy định tại Điều 26 Luật Giáo dục 2005, học sinh tiểu học là học sinh học từ lớp một đến lớp năm và có độ tuổi từ 06 – 10 tuổi.

Lúc này, việc giáo dục tại bậc tiểu học sẽ giúp học sinh củng cố, phát triển hơn ở những bậc học sau đó:

- Có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người;

- Có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán;

- Có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh;

- Có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thành chương trình tiểu học là yêu cầu bắt buộc. Theo quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục 2005, học sinh tiểu học trường công lập sẽ không phải đóng học phí.

Đây có thể coi là một trong những chính sách của Nhà nước khi muốn thực hiện việc phổ cập giáo dục trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng không phải đóng học phí quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH:

- Học sinh, sinh viên sư phạm hệ chính quy;

- Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, một số đối tượng sẽ được miễn học phí (Căn cứ Điều 7 Nghị định 86/2015/NĐ-CP) gồm:

- Người có công với cách mạng và thân nhân của họ;

- Trẻ em mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng;

- Trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo; Là con của hạ sĩ quan, binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân;

- Học sinh, sinh viên cử tuyển…

Như vậy, những đối tượng này không phải nộp học phí nêu trên sẽ không phải nộp khoản tiền học phí vào đầu năm học mới sắp tới.

các khoản tiền phải nộp đầu năm học mới
02 lưu ý về các khoản tiền phải nộp đầu năm học mới (Ảnh minh họa)

7 khoản Ban đại diện phụ huynh không được thu thay trường

Thông thường trong buổi họp phụ huynh đầu năm mới, phụ huynh sẽ cử ra một Ban đại diện cha mẹ học sinh để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

Trong đó, tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban như:

- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường;

- Bảo vệ an ninh nhà trường;

- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Trên đây là 02 lưu ý quan trọng về các khoản tiền không phải đóng hoặc được miễn, giảm đầu năm học mới của học sinh, sinh viên.

>> Luật Giáo dục 2019: Giáo viên tiểu học phải là cử nhân sư phạm

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục