Thông báo 3/TB-VPCP 2020 kết luận tổng kết năm 2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông báo 3/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 3/TB-VPCP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo |
Người ký: | Mai Thị Thu Vân |
Ngày ban hành: | 04/01/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Thương mại-Quảng cáo |
tải Thông báo 3/TB-VPCP
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ -------------- Số: 3/TB-VPCP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------ Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2020 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo
điều hành giá tại cuộc họp tổng kết năm 2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá
-------------------
Ngày 25 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý IV/2019 và tổng kết năm 2019; định hướng công tác điều hành giá năm 2020. Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận của thành viên Ban chỉ đạo và đại diện các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Năm 2019, CPI bình quân ước khoảng 2,7% - 2,8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm ở mức 4%, nằm trong kịch bản thấp; kết quả kiểm soát lạm phát trong 4 năm liên tục hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi chỉ số tăng trưởng kinh tế tiếp tục đạt cao ước trên 7%, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng của lạm phát thể hiện phát triển kinh tế đất nước bền vững, đời sống kinh tế-xã hội được duy trì ổn định.
Công tác quản lý, điều hành giá năm 2019 gặp nhiều khó khăn, thách thức từ tác động của những yếu tố như căng thẳng chính trị, chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới đã làm tác động đến kinh tế toàn cầu; giá xăng dầu trong nước diễn biến phức tạp theo giá thế giới và nhất là biến động lớn về giá thịt lợn trong những tháng cuối năm. Để đạt được kết quả kiểm soát lạm phát như trên thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá và nhất là sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá và Nhóm giúp việc chủ động tham mưu có chiều sâu, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp một cách khoa học, bám sát các kịch bản điều hành giá đã được thông qua từ những tháng đầu năm và làm tốt công tác dự báo (tổng hợp, phân tích), xây dựng các kịch bản. Gắn với đó là việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, công khai, minh bạch trong điều hành giá nên đã tạo được sự đồng thuận, giám sát từ phía xã hội, kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Điều hành giá năm 2019 thực hiện được 2 mục tiêu kép, đó là lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, việc điều chỉnh giá của một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu (điện, giáo dục, y tế,...) vẫn đảm bảo thực hiện theo lộ trình đề ra.
2. Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ trong năm 2019 và tổng kết đánh giá, cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được và tăng cường đẩy mạnh hơn nữa để tạo cơ sở, điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2020 và những năm tiếp theo; định hướng cho năm 2020 một số nội dung cụ thể như sau:
- Tăng cường hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong công tác dự báo, đánh giá tác động, đề xuất biện pháp, kịch bản điều hành giá; nhất là đối với các mặt hàng có diễn biến tăng giá khó lường, phức tạp cần phải chủ động, quyết liệt thực hiện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản riêng cho mặt hàng về cung cầu, giá cả và đề xuất nhanh chóng, kịp thời các giải pháp bình ổn thị trường.
- Cần có cơ chế nắm bắt, thu thập thông tin kịp thời, chính xác về cung cầu, giá cả của hàng hóa trên cơ sở phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương để có một nguồn số liệu trung thực, thống nhất phục vụ công tác điều hành giá của Ban chỉ đạo.
- Đẩy mạnh rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá để khắc phục những tồn tại, hạn chế, những vấn đề chồng chéo; nhất là nghiên cứu để ban hành hình thức văn bản quyết định giá đáp ứng yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá đòi hỏi phải kịp thời theo mục tiêu quản lý; tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện các định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình quy định.
- Tiếp tục rà soát để kiện toàn Ban Chỉ đạo, Nhóm giúp việc của Ban chỉ đạo; quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí hỗ trợ cho việc triển khai các nhiệm vụ Ban Chỉ đạo.
3. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 2020 trong đó đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%.
Theo dự báo về bối cảnh kinh tế thế giới và điều kiện kinh tế-xã hội trong nước cho thấy trong năm 2020 công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu là rất khó khăn, bên cạnh đó CPI các tháng cuối năm 2019 ở mức cao góp phần làm CPI tháng và quý 1/2020 so với cùng kì ở mức cao mặc dù chưa tính tới các yếu tố tăng giá của các hàng hóa dịch vụ trong kỳ, bên cạnh đó mức tăng CPI cùng kì phụ thuộc rất lớn vào CPI các tháng đầu năm và các tháng cuối năm; một số hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá phải tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình (y tế, giáo dục,...); trong khi đó, một số hàng hóa, dịch vụ có giá biến động phức tạp, khó lường (xăng dầu, thịt lợn), những vấn đề phát sinh từ căng thẳng chính trị, xung đột thương mại giữa các quốc gia vẫn diễn biến phức tạp sẽ tác động lên giá cả thị trường thế giới và trong nước.
Đánh giá cao các kịch bản đề xuất của Nhóm giúp việc, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kiểm soát CPI bình quân năm 2020; công tác quản lý điều hành giá cần chú trọng ngay từ trong quý 1/2020 và thực hiện kịch bản điều hành giá cả năm 2020 với bước đi thận trọng, không chủ quan, nhất quán điều hành giá, kiểm soát CPI bình quân cả năm dưới 4% (trong khoảng từ 3,59% đến 3,91%).
Để đạt được mục tiêu trên, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
a. Trước mắt không thực hiện điều chỉnh giá trong quý I và quý IV đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý; trường hợp điều chỉnh, phải có phương án giá cụ thể và các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê; Sở Tài chính và cơ quan thống kê tại địa phương để tính toán mức độ tác động vào CPI, trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thận trọng.
b. Đối với công tác phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020: Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đẩy mạnh thực hiện mô hình Chương trình bình ổn thị trường Tết, Chương trình kết nối cung cầu hiệu quả tại một số địa phương, chú trọng các địa bàn lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội,...và đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động.
c. Chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, nắm bắt tình hình giá cả thị trường để dự báo, đề xuất biện pháp điều hành giá phù hợp trong từng giai đoạn, từng thời kỳ; nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu có giải pháp chủ động chuẩn bị các nguồn hàng hóa vào đầu năm và cuối năm để hạn chế tăng giá bất hợp lý. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động trong điều hành sản xuất và phân phối các nguồn hàng để ứng phó kịp thời với các chính sách kinh tế của các nước có quan hệ thương mại lớn.
d. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 2 - 2,5%.
e. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...
g. Phát huy và đẩy mạnh hơn nữa tính chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng công khai, minh bạch, nhất quán trong thông cáo báo chí và tạo điều kiện cho các cơ quan thông tấn báo chí, người dân được tiếp cận thuận lợi, kịp thời đối với những thông tin điều hành, quản lý giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội, kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Chú trọng công tác tuyên truyền ngay tại cơ sở để tạo sự lan tỏa thông tin nhanh chóng, chính xác. Tăng cường công tác tuyên truyền và ứng phó kịp thời để hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường; chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá nhất là các mặt hàng có tính chất nhạy cảm đến người dân để hạn chế lạm phát kỳ vọng.
h. Chủ động xây dựng các kịch bản để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá đối với một số mặt hàng cụ thể sau:
- Thịt lợn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt kiểm soát, phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW; chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019, Công điện 667/CĐ-TTg ngày 04/6/2019; chỉ đạo việc lập kế hoạch cụ thể và tổ chức, hướng dẫn thực hiện công tác tái đàn an toàn sinh học; thực hiện các phương án để đảm bảo cân đối cung - cầu trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung thịt lợn theo ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 212/TB-VPCP ngày 25/12/2019. Bộ Tài chính chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ khẩn trương hỗ trợ cho người chăn nuôi, nhằm giảm thiểu khó khăn và có thêm nguồn lực để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất.
Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo lưu thông, giao thương thuận lợi mặt hàng thịt lợn và lợn thịt trong cả nước và giữa các vùng, địa phương; kiểm soát chặt chẽ việc buôn lậu qua biên giới; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng.
- Điện: Bộ Công Thương chỉ đạo EVN nghiên cứu để ban hành Biểu giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng thực hiện trong năm 2020 đảm bảo phù hợp thực tiễn tiêu dùng điện và hiệu quả kinh tế hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, lấy lợi ích người dân làm trọng tâm; xây dựng kịch bản điều hành giá điện năm 2020 trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018, ước thực hiện kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2019, chi phí dự kiến năm 2020 của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
- Xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì theo dõi nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới để điều hành giá trong nước phù hợp, kết hợp sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá thị trường; có kịch bản ứng phó kịp thời nếu giá xăng dầu tăng cao, nhất là trong nửa đầu năm, các thời điểm lễ, Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP để khắc phục các bất cập do thực tiễn phát sinh.
- Dịch vụ y tế: Bộ Y tế hoàn tất việc rà soát, phân loại dịch vụ và định mức kinh tế-kỹ thuật trong năm 2020; chủ động tính toán để đề xuất phương án triển khai bước 3 (kết cấu chi phí quản lý trong giá dịch vụ) theo phân đoạn, đối với các dịch vụ đã rà soát xong định mức kinh tế-kỹ thuật thì thực hiện ngay phương án giá kết cấu chi phí quản lý để đề xuất điều chỉnh kịp thời; đẩy mạnh thực thi các nhiệm vụ để việc điều chỉnh giá toàn bộ các dịch vụ y tế theo bước 3 trong năm 2020.
- Thuốc chữa bệnh cho người: Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu thầu thuốc tập trung; đánh giá ưu nhược điểm của hình thức đấu thầu thuốc tập trung để đề xuất giải pháp khắc phục, thực hiện chặt chẽ quy trình đàm phán giá thuốc; sớm thực hiện công tác đấu thầu vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuẩn bị phương án để thực hiện khi có chủ trương của Chính phủ.
- Dịch vụ giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định khung giá dịch vụ giáo dục đào tạo (học phí), cơ chế thu, quản lý học phí của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025 (hoặc 2030) và báo cáo Chính phủ xem xét; về sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình mới thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật giá.
- Dịch vụ BOT: Hoàn thành triển khai việc thu phí không dừng trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, gian lận trong quản lý, hạch toán doanh thu của các dự án BOT.
- Dịch vụ hàng không: Bộ Giao thông vận tải cần rà soát kỹ và đánh giá tác động đến các đối tượng điều chỉnh, nhất là yếu tố tâm lý gây lạm phát kỳ vọng; trường hợp cần điều chỉnh thì thực hiện trong cuối quý II hoặc quý 111/2020.
- Khung giá đất: Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá tổng thể pháp luật về đất đai để đề xuất hoàn thiện nhằm khắc phục bất cập thực tiễn và giá đất ngày càng minh bạch góp phần giúp công tác quản lý Nhà nước nói chung và công tác điều hành giá hiệu quả; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện giá đất của địa phương theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ và đánh giá biến động của giá đất tác động đến kinh tế-xã hội, đến công tác kiểm soát lạm phát mục tiêu; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội; kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá khi có ảnh hưởng tiêu cực.
- Đối với các sản phẩm dịch vụ chuyển từ phí sang giá: Các Bộ, ngành địa phương rà soát tình hình ban hành mức giá các dịch vụ và dự kiến mức điều chỉnh giá, lộ trình điều chỉnh nếu có theo hướng tính đúng tính đủ các chi phí cấu thành giá đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ; trên cơ sở đó thực hiện điều chỉnh giá với mức độ và thời điểm phù hợp. Các Bộ, ngành rà soát hoàn thiện ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật để làm căn cứ xây dựng phương án giá dịch vụ.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp điều hành giá theo các kịch bản đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp; đôn đốc triển khai và thực hiện báo cáo theo quy định. Đối với các vấn đề mới phát sinh cần xử lý gấp, nhất là trong điều hành cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành chủ động báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá và đồng thời có văn bản gửi Bộ Tài chính - Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá và Bộ Thông tin và Truyền thông để có định hướng về điều hành giá chung và công tác thông tin, tuyên truyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - TTgCP, Phó TTg Vương Đình Huệ; - Ban Kinh tế Trung ương; - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Văn phòng Trung ương Đảng, - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; - Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; - Thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá; - Các Bộ: TC, CT, Y tế, GD&ĐT, GTVT, TT&TT, NN&PTNT, TN&MT, XD, KH&ĐT, LĐTB&XH; - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, CN, NN, KGVX; - Lưu: VT, KTTH (3), DH.26 | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây