Quyết định 37/2011/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội

thuộc tính Quyết định 37/2011/QĐ-UBND

Quyết định 37/2011/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Cơ quan ban hành: Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:37/2011/QĐ-UBND
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Văn Sửu
Ngày ban hành:13/12/2011
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Thương mại-Quảng cáo
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------------------
Số: 37/2011/QĐ-UBND
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2011
 
 
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
 
 
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động tổ chức phối hợp của các cơ quan nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
Xét đề nghị của sở Công thương - Thường trực Ban chỉ đạo 127/TP Hà Nội tại Tờ trình số 28/TT-BCĐ127/TP ngày 18 tháng 11 năm 2011,
 
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
 
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 82/2005/QĐ-UB ngày 03/06/2005 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; chống sản xuất, buôn bán hàng giả và kinh doanh trái phép trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
 

 Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Công Thương: Ban Chỉ đạo 127/TW;
- TT Thành ủy; TT HĐND Thành phố;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- TT công báo, Cổng giao tiếp điện tử TP;
- Đài PT&TH HN, Báo KT&DT (để đưa tin);
- VP UB: Các PVP, các phòng CV; CTq;
- Lưu: VT, BCĐ127.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu
 
QUY ĐỊNH
VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2011/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2011
 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)
 
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
 
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định này xác định trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các sở, ban, ngành của Thành phố, các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý nhà nước) trong việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, trốn lậu thuế, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác (sau đây gọi tắt là công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại) trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nguyên tắc xác định trách nhiệm và quan hệ phối hợp
1. Về trách nhiệm
a) Thủ trưởng Cơ quan quản lý nhà nước các ngành thuộc Thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được UBND Thành phố giao thực hiện chỉ đạo, tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại thuộc lĩnh vực cơ quan mình quản lý.
b) Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý.
c) Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, tuyên truyền và các đoàn thể quần chúng có trách nhiệm tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật trong thương nhân, vận động quần chúng và nhân dân phát hiện và tố giác các tổ chức, cá nhân hoạt động buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép, thông báo cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
d) Trong quá trình thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, theo chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm phối hợp để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành công tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có phân định cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp.
2. Về quan hệ phối hợp
a) Quan hệ phối hợp phải tuân thủ pháp luật; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên liên quan: kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả.
b) Việc phối hợp hoạt động được tiến hành trên cơ sở yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong từng thời gian, địa bàn và lĩnh vực cụ thể.
c) Quan hệ phối hợp được thực hiện theo nguyên tắc kịp thời, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các bên có liên quan.
d) Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 127TP) chủ trì tổ chức sự phối hợp giữa các cơ quan, các lực lượng giữa các sở, ngành, các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo quy định này trong phạm vi Thành phố Hà Nội.
 
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
 
Điều 3. Quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
1. Ban Chỉ đạo 127TP Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm trong việc tổ chức các quan hệ phối hợp đa phương gồm nhiều sở, ngành, các cơ quan chức năng và tùy theo yêu cầu xây dựng mối quan hệ phối hợp song phương với từng sở quản lý chuyên ngành cơ quan chức năng, cụ thể:
a) Chỉ đạo công tác phối hợp quy định tại Điều 5 Quy định này để tạo sự thống nhất trong việc chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và kinh doanh trái phép trên phạm vi toàn Thành phố.
b) Kiến nghị với UBND Thành phố, các Bộ và Chính phủ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế có liên quan để phục vụ và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố.
c) Chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước của các ngành, các cấp thuộc Thành phố về các giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tăng cường quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đối với các mặt hàng, địa bàn mà các đối tượng thường lợi dụng để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Kiến nghị UBND Thành phố biện pháp xử lý đối với những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều địa bàn.
d) Đôn đốc các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố và các quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo tình hình và kết quả hoạt động, dự báo tình hình có thể diễn ra để xây dựng chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại phù hợp với tình hình cụ thể trong từng giai đoạn.
e) Dự báo tình hình thị trường, đưa ra các giải pháp phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kể cả các biện pháp tình thế nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.
2. Sở Công Thương Hà Nội chịu trách nhiệm
a) Chủ trì sự phối hợp trong quản lý và kiểm tra, kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với các lĩnh vực: kinh doanh khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, xúc tiến thương mại, dịch vụ thương mại, thương mại điện tử, kiểm soát độc quyền, quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
b) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội
- Chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng các cấp, chỉ đạo triển khai công tác quản lý thị trường trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại và xúc tiến thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm về sở hữu công nghiệp, vi phạm về đo lường và chất lượng, các hành vi kinh doanh trái phép khác; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật quy định.
- Chủ trì tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa công nghiệp lưu thông trên thị trường; phối hợp với thanh tra chuyên ngành Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông trong việc kiểm tra xử lý các vi phạm về sở hữu công nghiệp, đo lường chất lượng, bản quyền tác giả;
- Thực hiện vai trò Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127TP, tham mưu cho Trưởng BCĐ 127/TP và Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp Thành phố trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo quy định này.
3. Công an Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm
a) Chỉ đạo các lực lượng Công an từ thành phố đến quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, xác minh và xử lý theo pháp luật các vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép, trốn thuế theo thẩm quyền: Đồng thời có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều tra, xử lý những vụ việc chống người thi hành công vụ và buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh và xử lý theo pháp luật các vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại.
c) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thuộc Công an Thành phố thông qua công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện bắt giữ, xử lý các phương tiện vận tải vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả đặc biệt đối với các loại xe ba bánh gắn máy tự đóng lưu hành trái phép, vận chuyển hàng hóa phạm pháp.
- Chỉ đạo các Đội Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng phối hợp, hỗ trợ kịp thời các lực lượng chức năng khác dừng các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa phạm pháp để kiểm tra, bắt giữ khi có nhu cầu theo quy định của pháp luật.
d) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường: có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ người và phương tiện vận chuyển động vật, thực vật hoặc sản phẩm động thực vật mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người, cho động vật, thực vật, các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm môi trường phát hiện và xử lý các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó.
4. Cục Hải quan Hà Nội chịu trách nhiệm
a) Trong phạm vi địa bàn hoạt động Hải quan, chủ trì kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải phòng chống hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua các cửa khẩu thông quan tại Hà Nội.
b) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong phạm vi địa bàn hoạt động của Hải quan.
c) Phối hợp, cung cấp thông tin, hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước Thành phố điều tra các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua cửa khẩu đã lọt vào nội địa khi có yêu cầu.
5. Sở Tài chính Hà Nội và Phòng Tài chính các quận, huyện, thị xã
a) Đề xuất chế độ chính sách, kinh phí hoạt động trong công tác chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
b) Có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc thành phố, quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước, trích lập quỹ phòng, chống buôn lậu, chống hàng giả theo đúng các quy định của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân Thành phố.
c) Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thẩm định giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; xử lý các hành vi vi phạm về giá, thẩm định giá theo thẩm quyền.
d) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong quá trình điều tra các hành vi độc quyền và liên kết độc quyền về giá: hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá, hành vi bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật …
6. Cục Thuế Thành phố Hà Nội
Chỉ đạo các phòng thuộc Cục thuế, các Chi cục thuế quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng khác ở các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống gian lận về thuế, xử lý các hành vi vi phạm về thuế.
7. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội
Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát về quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật; về bản quyền phần mềm; chống buôn lậu văn hóa phẩm, in sang băng đĩa lậu; thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo.
8. Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội
a) Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền các vụ việc vi phạm pháp luật; về thông tin truyền thông; phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định về áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh thông tin trong lĩnh vực bưu chính viễn thông; các quy định về giá cước, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông, chuyển phát và Internet nhận, gửi, chuyển phát thư, kiện, gói hàng hóa (hàng cấm, hàng lậu qua mạng bưu chính, mạng bưu chính công cộng, sử dụng xe bưu chính chuyên dùng để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu …); xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm được nhập khẩu, xuất bản, in và phát hành trái phép; viễn thông và công nghệ thông tin (trộm cắp cước viễn thông quốc tế, kinh doanh không có giấy phép, thiết lập mạng viễn thông dùng riêng không có giấy phép, kinh doanh thiết bị viễn thông không có giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, vận chuyển thiết bị viễn thông nhập lậu …) trên địa bàn thành phố.
b) Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn Thành phố, phối hợp với các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương, tổ chức đưa tin bài tuyên truyền về những hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của các lực lượng chức năng; những tác động xấu đối với kinh tế xã hội của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
9. Sở Y tế Hà Nội
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát xử lý các hành vi về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm là thực phẩm bổ sung vi chất, thực phẩm chức năng, thực phẩm công thức dành cho trẻ em, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
b) Chủ trì và phối hợp với Sở Tài chính và các Sở ngành liên quan quản lý nhà nước về thuốc, sử dụng các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường.
c) Chỉ đạo thanh tra chuyên ngành y tế phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Công an hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế sản xuất trong nước; phòng chống nhập lậu thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; phòng chống sản xuất, lưu thông thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế giả, kém chất lượng.
10. Sở Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội
a) Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý về sản xuất, gia công, vận chuyển, buôn bán, làm dịch vụ các giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi và kiểm dịch động, thực vật ra vào thành phố.
- Kiểm tra, xử lý về chất lượng các mặt hàng như hoa quả tươi, khô, các loại rau xanh tại chợ đầu mối và trên toàn Thành phố;
- Kiểm tra chất lượng các mặt hàng thủy, hải sản nhập và lưu thông trên thị trường.
b) Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm kiểm tra, kiểm soát các hoạt động về sản xuất, chế biến, vận chuyển gỗ và các loại lâm sản, thực vật, động vật hoang dã quý hiếm; Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Thành phố kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, kinh doanh hàng trái phép các mặt hàng nói trên.
c) Tổ chức kiểm tra, hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Thành phố kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép các hàng hóa dịch vụ nói trên.
- Kiểm tra chất lượng thịt động vật, sản phẩm động vật;
- Kiểm tra chất lượng giống vật nuôi;
- Kiểm tra kinh doanh, thu gom, bảo quản, vận chuyển, thủy sản tươi sống hoặc đã chế biến; thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong hoạt động thủy sản.
- Phạm vi và đối tượng kiểm tra không chỉ ở các chợ đầu mối mà phải ở các địa điểm kinh doanh rau, hoa quả, thịt động vật, sản phẩm động vật …
11. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội
Chủ trì hoặc phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện vận tải.
Chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị và vận tải đa phương thức; chỉ đạo lực lượng bảo vệ tàu hỏa, bảo vệ ga, cán bộ, công nhân viên tham gia phối hợp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
12. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội
a) Thực hiện theo quy chế 1827/2008/QĐ-UB ngày 05 tháng 11 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ 127/TP về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
b) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền và phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và đề nghị của các sở, ngành liên quan.
c) Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường và Chất lượng Hà Nội kiểm tra và phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa, buôn bán hàng giả, kiểm tra hàng hóa bắt buộc phải hợp chuẩn, hợp quy đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật.
13. Bộ Tư lệnh Thủ đô
a) Thực hiện theo quy chế 1827/2008/QĐ ngày 05 tháng 11 năm 2008 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ 127/TP về phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
b) Chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự các quận, huyện, thị xã và lực lượng kiểm soát quân sự phối hợp, chi viện lực lượng với các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia bắt giữ các vụ việc buôn lậu và kinh doanh trái phép khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo 127/TP theo đúng chức năng, nhiệm vụ của quân đội và quyết định của cấp có thẩm quyền.
14. Kho bạc Nhà nước Hà Nội
Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức thu các khoản tạm giữ, tạm thu vàng bạc, đá quý, các khoản xử phạt vi phạm hành chính về buôn lậu và kinh doanh, dịch vụ trái phép; Tổ chức theo dõi các khoản tịch thu, tạm giữ bằng ngoại tệ nộp tại Ngân hàng Ngoại thương Thành phố Hà Nội nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản. Thực hiện thu Ngân sách Nhà nước hoặc hoàn trả theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
15. Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội
a) Thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ về vàng, ngoại tệ: Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng liên quan kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu và kinh doanh trái phép vàng, ngoại tệ.
b) Thực hiện các biện pháp và nghiệp vụ quản lý nhà nước về quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật; Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý chức năng có liên quan trên địa bàn Hà Nội kiểm tra và xử lý các tổ chức và cá nhân mua, bán, thanh toán, quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ trái quy định cũng như các hoạt động kinh doanh vàng không đúng quy định của Nhà nước. Phối hợp với các cơ quan quản lý chức năng có liên quan trong phòng chống tiền giả.
16. Các cơ quan thông tin tuyên truyền: Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế & Đô thị, Báo An ninh Thủ đô …
a) Thường xuyên tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước và Thành phố về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép.
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng, đưa tin biểu dương thành tích của tổ chức và cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, chống sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép.
Điều 4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
1. Tổ chức chỉ đạo công tác Quản lý thị trường trên địa bàn quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn; thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác quản lý thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường ổn định và phát triển.
2. Chỉ đạo và tổ chức sự phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc quận, huyện, thị xã; phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc các ngành của thành phố đóng trên địa bàn; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trong việc chấp hành pháp luật về quản lý thị trường; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép theo thẩm quyền.
3. Kiến nghị kịp thời với Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định, các biện pháp có liên quan đến công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
4. Phê chuẩn các Quyết định khám xét nơi cất giấu tang vật phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở của đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn theo đề nghị của cơ quan chức năng theo thẩm quyền pháp luật quy định.
5. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy của BCĐ 127/TP các quận, huyện, thị xã và tạo điều kiện cơ sở vật chất cho BCĐ 127 địa phương hoạt động …
 
Chương 3.
NỘI DUNG VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP
 
Điều 5. Nội dung phối hợp
Theo yêu cầu cụ thể trong từng thời gian, trên từng địa bàn về công tác quản lý thị trường, các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố và các quận, huyện, thị xã chủ động xác lập mối quan hệ, tổ chức lực lượng phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, bảo đảm cho công tác điều tra, phát hiện, kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép trên địa bàn Thành phố có hiệu quả và đúng pháp luật. Cụ thể như sau:
1. Phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp trong công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép theo lĩnh vực và địa bàn. Những vấn đề có liên quan đến các ngành hoặc địa bàn khác thì trong khi xây dựng phương án kế hoạch phải có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất với các cơ quan liên quan trước khi quyết định hoặc trình cấp trên quyết định, phê duyệt theo thẩm quyền.
2. Phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp về hành chính, kinh tế, tuyên truyền, giáo dục đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép trên địa bàn Thành phố và từng quận, huyện, thị xã.
3. Phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa các ngành, các lực lượng của thành phố với các quận, huyện, thị xã về tình hình thị trường, các đối tượng, hành vi, thủ đoạn buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép.
4. Phối hợp chỉ đạo, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật … theo yêu cầu của liên ngành thành phố và quận, huyện, thị xã để tham gia thực hiện công tác điều tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ việc về buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép theo từng đợt công tác, hoặc từng chuyên đề, vụ việc kiểm tra.
a) Việc tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành theo chuyên đề phải căn cứ vào phương án, chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kết thúc mỗi chuyên đề công tác đều có sơ kết rút kinh nghiệm cho lần sau.
Đối với những đợt công tác tập trung lớn phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố và những vụ việc xét thấy có tính chất phức tạp thì mời Viện kiểm sát nhân dân (thành phố, quận, huyện, thị xã) cử cán bộ tham gia để giám sát việc chấp hành pháp luật.
Cán bộ được cử tham gia biệt phái trong lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành theo chuyên đề do cơ quan chủ trì đợt kiểm tra trực tiếp quản lý và điều động cho đến khi kết thúc đợt công tác.
b) Việc tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành để kiểm tra và xử lý theo từng vụ việc phải căn cứ vào nguồn thông tin và công tác điều tra của lực lượng của từng cơ quan (thành phố, quận, huyện, thị xã) và phải do Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra yêu cầu phối hợp bằng văn bản.
Nghiêm cấm các cán bộ, công chức tự ý tổ chức sự phối hợp các lực lượng để tiến hành kiểm tra, kiểm soát trái quy định của pháp luật và trái với quy định này hoặc để thực hiện các hành vi tiêu cực khác.
5. Phối hợp hoặc tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện các biện pháp cưỡng chế chấp hành đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại điều 66 và 67 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ban hành ngày 26 tháng 7 năm 2002 và sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 04/2008/UBTVQH ngày 02/4/2008; Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ Quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 6. Thẩm quyền tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép
1. Đối với từng đợt công tác tập trung hoặc triển khai công tác theo từng chuyên đề và vụ việc cần huy động lực lượng và phương tiện phối hợp kiểm tra với quy mô lớn trên địa bàn toàn Thành phố:
a) Trưởng ban Ban Chỉ đạo 127 Thành phố quyết định huy động lực lượng phối hợp liên ngành Thành phố.
b) Tùy theo tính chất từng chuyên đề, vụ việc. Trưởng ban Ban chỉ đạo 127 Thành phố sẽ giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các sở, cơ quan chức năng tại điều 4 Quy định này chủ trì, tổ chức kiểm tra phối hợp liên ngành.
2. Đối với từng đợt công tác tập trung hoặc triển khai công tác theo từng chuyên đề và vụ việc cần huy động lực lượng và phương tiện phối hợp kiểm tra với quy mô trên địa bàn quận, huyện, thị xã:
a) Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quyết định huy động lực lượng phối hợp liên ngành quận, huyện, thị xã.
b) Tùy theo tính chất chuyên đề Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sẽ giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các lực lượng chức năng trên địa bàn chủ trì, tổ chức kiểm tra phối hợp liên ngành.
3. Ngoài những trường hợp tổ chức huy động lực lượng phối hợp nói trên, Thủ trưởng các đơn vị chức năng dưới đây được quyền yêu cầu sự phối hợp, đồng thời được huy động người và phương tiện thuộc đơn vị mình trực tiếp quản lý để tham gia phối hợp lực lượng kiểm tra thị trường và xử lý theo quy định của pháp luật đối với từng vụ việc cụ thể:
a) Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội;
b) Giám đốc Công an Thành phố;
c) Cục trưởng, Cục Thuế Hà Nội;
d) Cục trưởng, Cục Hải quan Hà Nội;
đ) Trưởng các phòng có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường thuộc Công an Thành phố;
c) Trưởng Công an quận, huyện, thị xã;
g) Chi cục trưởng – Chi cục Quản lý thị trường;
h) Chánh thanh tra chuyên ngành: Sở Y tế, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch;
i) Chánh thanh tra – Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội;
k) Chi cục trưởng – Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường – Chất lượng;
l) Chánh Thanh tra – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
m) Chi cục trưởng – Chi cục Thủy sản;
n) Chi cục trưởng – Chi cục Thú y, Chi cục bảo vệ thực vật;
o) Chi cục trưởng – Chi cục Kiểm lâm Hà Nội;
p) Cục trưởng – Cục Thuế Thành phố Hà Nội;
q) Chi cục trưởng – Chi cục thuế quận, huyện, thị xã;
r) Chủ tịch UBND và Trưởng Công an xã, phường, thị trấn.
Điều 7. Phạm vi trách nhiệm trong tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành quản lý thị trường trên phạm vi Thành phố
1. Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì, tổ chức kiểm tra và Thủ trưởng đơn vị yêu cầu sự phối hợp kiểm tra là người chủ trì cuộc kiểm tra thị trường có trách nhiệm:
a) Phải đảm bảo về tính pháp lý và trình tự thủ tục đối với các vụ việc tiến hành kiểm tra cụ thể là:
- Trường hợp vụ việc kiểm tra hành chính do đơn vị phát hiện lĩnh vực kiểm tra thuộc thẩm quyền kiểm tra đơn vị mình thì đơn vị đó trực tiếp ra quyết định kiểm tra hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính, có thể mời cơ quan chuyên môn tham gia phối hợp
- Trường hợp vụ việc kiểm tra hành chính do đơn vị phát hiện, không thuộc thẩm quyền kiểm tra của đơn vị mình thì chuyển tin và hồ sơ cho đơn vị có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Việc mời cơ quan phối hợp là do đơn vị chủ trì kiểm tra quyết định;
b) Cơ quan chủ trì kiểm tra, xử lý khi thực hiện kiểm tra chịu trách nhiệm về chi phí trong quá trình tổ chức kiểm tra theo quy định pháp luật hiện hành.
2. Các lực lượng có chức năng kiểm tra chuyên ngành hoặc lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành của thành phố có trách nhiệm và được quyền kiểm tra theo thẩm quyền đối với các đối tượng kinh doanh trên địa bàn toàn thành phố; Nhưng kiểm tra vụ việc tại địa bàn quận, huyện, thị xã nào nếu không có lý do đặc biệt, thì khi bắt đầu tiến hành kiểm tra phải thông báo cho người phụ trách lực lượng chuyên ngành quản lý địa bàn biết để phối hợp lực lượng khi có yêu cầu.
3. Các lực lượng có chức năng kiểm tra chuyên ngành hoặc lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành quận, huyện, thị xã nào thì chỉ được quyền kiểm tra trong phạm vi ranh giới hành chính thuộc quận, huyện, thị xã đó; Những trường hợp vụ việc kiểm tra phát sinh từ quận, huyện, thị xã này cần truy xét tiếp tại địa bàn quận, huyện, thị xã khác thì phải có sự liên hệ, thông báo kịp thời cho người phụ trách lực lượng chuyên ngành quản lý địa bàn biết để kịp thời hỗ trợ, hoặc phối hợp kiểm tra và xử lý.
4. Trên một địa bàn trong cùng một thời điểm, một đối tượng kinh doanh đang có đơn vị kiểm tra và chưa có kết luận xử lý thì đơn vị kiểm tra khác không được kiểm tra tiếp.
a) Trường hợp có nguồn tin phát hiện hành vi vi phạm ngoài nội dung đang được kiểm tra thì đơn vị nắm thông tin thông báo cho đơn vị đang kiểm tra biết để kiểm tra không bỏ sót hành vi vi phạm;
b) Trường hợp vụ việc đã có quyết định xử lý của đơn vị kiểm tra trước nhưng nay phát hiện đương sự có vi phạm mới phát sinh hoặc tái phạm thì đơn vị kiểm tra sau chỉ kiểm tra hành vi mới phát sinh hoặc tái phạm;
c) Quá trình kiểm tra, nếu thấy vụ việc đã được kiểm tra và kết luận thì dựa vào tài liệu đã kiểm tra, kết luận để xem xét và chỉ yêu cầu người bị kiểm tra báo cáo thêm những vấn đề chưa rõ. Trường hợp phát hiện những hành vi vi phạm mà lần kiểm tra trước chưa được kết luận hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật thì tiếp tục việc kiểm tra, xử lý.
5. Về xử lý vụ việc sau khi kết luận vi phạm: Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra và Thủ trưởng cơ quan phối hợp kiểm tra phải trao đổi thống nhất bằng văn bản về phân loại hành vi vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và khung hình phạt áp dụng trước khi xử lý vụ việc.
a) Đối với vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự: Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra sau khi lập biên bản vi phạm hành chính và xét thấy vi phạm hành chính đó có dấu hiệu hình sự thì phải làm thủ tục chuyển giao hồ sơ sang cơ quan điều tra nơi xảy ra vụ việc để xử lý theo thẩm quyền.
b) Đối với vụ việc vi phạm hành chính, mức xử phạt thuộc thẩm quyền xử phạt của Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra thì Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và thông báo kết quả cho cơ quan phối hợp kiểm tra.
c) Đối với vụ việc vi phạm hành chính, mức xử phạt vượt thẩm quyền xử phạt của Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra và thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thì Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra ra quyết định chuyển giao hồ sơ vụ việc đến UBND quận, huyện, thị xã nơi xảy ra vi phạm để xử lý theo thẩm quyền.
d) Đối với những vụ việc kiểm tra của lực lượng liên ngành Thành phố do Trưởng BCĐ 127/TP thành lập; Những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra và thủ trưởng cơ quan phối hợp kiểm tra không thống nhất được kết luận xử lý và những vụ việc vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND Thành phố xử lý thì Thủ trưởng Cơ quan chủ trì kiểm tra ra Quyết định chuyển giao hồ sơ vụ việc về Tổ tư vấn xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Cơ quan Thường trực BCĐ 127/TP để xem xét, trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định xử lý hoặc chuyển giao cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
6. Thông qua công tác phối hợp, BCĐ 127/TP tập hợp các ý kiến, có văn bản kiến nghị các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế, pháp luật, xã hội của nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.
7. Trong công tác phối hợp có đề xuất cụ thể về tiền thưởng, tiền chi phí và trợ cấp cho các lực lượng tham gia (trích từ nguồn thu sau khi thanh lý tài sản tịch thu).
 
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
Điều 8. Tổ chức thực hiện
Ban Chỉ đạo 127 Thành phố có Cơ quan thường trực giúp UBND Thành phố trong chỉ đạo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép và thực hiện Quy định này trên địa bàn Thành phố, có trách nhiệm:
1. Theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp thuộc Thành phố trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép.
2. Được yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước ở các ngành, các cấp cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời về tình hình thị trường và công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo 127/TW.
3. Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan Nhà nước, thông báo với các cơ quan liên quan để có các biện pháp cần thiết bổ sung, chấn chỉnh những lệch lạc, tạo ra sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời trong chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép. Nếu những kiến nghị không được các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan chấp thuận thì phải báo cáo với UBND Thành phố quyết định.
4. Định kỳ tổ chức việc sơ kết, tổng kết (hoặc hội thảo chuyên đề) công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
5. Chủ trì việc dự toán, đề xuất với UBND Thành phố cấp kinh phí cho các hoạt động của các lực lượng chức năng theo Quyết định số 1827/QĐ-UB ngày 05/11/2008 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo 127/TP Hà Nội.
Điều 9. Khen thưởng, kỷ luật
1. Khen thưởng: Định kỳ hoặc đột xuất Ban chỉ đạo 127 Thành phố chủ trì, phối hợp với BCĐ 127 các ngành, quận, huyện, thị xã tổ chức việc đánh giá thực hiện Quy định này và báo cáo trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 127/TW, UBND Thành phố khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp mang lại hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và kinh doanh trái phép trên địa bàn.
2. Kỷ luật: Tập thể, cá nhân vi phạm Quy định này thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định và Quy định này, Thủ trưởng các sở, ngành chức năng của thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể hàng năm, trong đó có nội dung quan hệ phối hợp để tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thuộc lĩnh vực, địa bàn cơ quan mình trực tiếp phụ trách.
2. Căn cứ Quy định này Ban Chỉ đạo 127/TP chịu trách nhiệm tổ chức sự phối hợp giữa các Sở, ngành, các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo tuyến, địa bàn trọng điểm.
3. Thủ trưởng các sở, ngành chức năng của Thành phố có trách nhiệm phân công một đồng chí lãnh đạo cấp sở, ngành tham gia Ban Chỉ đạo 127/TP; Cử cán bộ lãnh đạo cấp Phòng, Chi cục (kiêm nhiệm) có trách nhiệm tham gia Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 Thành phố theo Quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố ban hành.
4. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã: Thành lập Ban chỉ đạo 127 của quận, huyện, thị xã giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đồng thời làm đầu mối quan hệ với Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 127/TP về công tác này.
a) Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép trong quận, huyện, thị xã mình quản lý.
b) Tổ chức sự phối hợp công tác với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong từng thời gian khi có nhu cầu, theo Quy định này.
5. Thường trực Ban chỉ đạo 127/TP Hà Nội thực hiện chế độ thông tin tổng hợp báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình thị trường và kết quả công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của ngành, quận, huyện, thị xã với Ban chỉ đạo 127/TP để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban chỉ đạo 127/TW.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các ngành, quận, huyện và thị xã có trách nhiệm phản ánh về Ban chỉ đạo 127/TP (qua Cơ quan thường trực BCĐ 127/TP) để tổng hợp trình UBND Thành phố xem xét, quyết định./.

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất