Dự thảo Thông tư về cách xác định hàng hóa Made in Vietnam

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam
Lĩnh vực: Thương mại-Quảng cáo Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công ThươngTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (sau đây gọi chung là hàng hóa của Việt Nam), phục vụ cho việc ghi nhãn hàng hóa và tiếp thị hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Thông tư này không áp dụng cho hàng xuất khẩu và không áp dụng cho hàng nhập khẩu đã có nhãn mác ghi nhãn thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam.

Điểm mới của Dự thảo
Lần đầu tiên có tiêu chí xác định hàng Made in Vietnam

Tải Thông tư

Tải dự thảo tiếng Việt (.doc)@DT_Thong tu xac dinh hang hoa Made in Vietnam DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ CÔNG THƯƠNG

 

Số:        /2019/TT-BCT

 

DỰ THẢO

(Ngày 25/07/2019)

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày         tháng      năm 2019

 

THÔNG TƯ

Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là

sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

 

            Căn cứ  Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

            Căn cứ Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

            Căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa;

            Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu;

            Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam,

 

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (sau đây gọi chung là hàng hóa của Việt Nam), phục vụ cho việc ghi nhãn hàng hóa và tiếp thị hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Thông tư này không áp dụng cho hàng xuất khẩu và không áp dụng cho hàng nhập khẩu đã có nhãn mác ghi nhãn thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Theo Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1.  “Gia công, chế biến hàng hóa” là quá trình sản xuất chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hóa.

2. “Thay đổi cơ bản” là việc hàng hoá được biến đổi qua quá trình sản xuất, để hình thành vật phẩm thương mại mới, khác biệt về hình dạng, tính năng, đặc điểm cơ bản, hoặc mục đích sử dụng so với hàng hoá ban đầu.

3. “Đơn giản” là hoạt động không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc các thiết bị chuyên dụng.

4. “Sản xuất” là các phương thức để tạo ra hàng hoá bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, gây giống, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, săn bắt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp.

5. “Hệ thống hài hòa” là cụm từ viết tắt của thuật ngữ “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” được định nghĩa tại Công ước quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan Thế giới, trong đó bao gồm tất cả các ghi chú đã có hiệu lực và được sửa đổi sau này.

6. “Quy tắc cụ thể mặt hàng” là quy tắc yêu cầu nguyên liệu trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa hoặc trải qua một công đoạn gia công cụ thể, hoặc đạt hàm lượng giá trị gia tăng hay kết hợp của các tiêu chí vừa nêu.

7. “Chuyển đổi mã số hàng hóa” là sự thay đổi về mã số phân loại theo Hệ thống hài hòa của hàng hóa được tạo ra ở Việt Nam trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ.

8. “Hàm lượng giá trị gia tăng” là tỷ lệ trị giá có được đủ để coi là có xuất xứ Việt Nam. Tỷ lệ này được xác định là phần giá trị gia tăng có được tính trên tổng trị giá của hàng hoá được sản xuất, gia công, chế biến tại Việt Nam sau khi trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu hoặc trị giá nguyên liệu đầu vào không xác định được xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa.

9. “Nguyên liệu” là bất kỳ vật liệu hay chất liệu nào được sử dụng hoặc tiêu tốn trong quá trình sản xuất ra hàng hóa, hoặc kết hợp tự nhiên thành một hàng hóa khác, hoặc tham gia vào quy trình sản xuất ra một hàng hóa khác.

10 "Xuất xứ Việt Nam" là hàng hóa của Việt Nam theo quy định tại Thông tư này.

11. "Tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin" là mọi vật thể chứa đựng hoặc thể hiện thông tin dưới dạng hình ảnh, chữ viết hoặc âm thanh, bao gồm cả thông tin có thể truy xuất bằng phương tiện điện tử, được làm từ mọi chất liệu.

12. “Trị giá CIF” là trị giá nguyên liệu nhập khẩu đã bao gồm cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của Việt Nam. Trị giá CIF được tính theo quy định tại Điều VII Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994 và Hiệp định về Trị giá Hải quan.

13. “Trị giá EXW” là trị giá xuất xưởng của hàng hóa. Trị giá EXW được tính theo quy định tại Điều VII Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994 và Hiệp định về Trị giá Hải quan.

 

Chương II. HÀNG HÓA CỦA VIỆT NAM VÀ CÁCH THỂ HIỆN

 

Điều 4. Các trường hợp được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam và cách thể hiện

1. Hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó khi đáp ứng quy định tại Chương III Thông tư này.

2. Tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ sau đây để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó:

a) Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam

b) Hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam

c) Sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất

d) Chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo

e) Chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác

Điều 5. Ngôn ngữ thể hiện

1. Tổ chức, cá nhân phải sử dụng tiếng Việt để thể hiện nội dung quy định tại khoản 2 Điều 4.

2. Các cụm từ nêu tại khoản 2 Điều 4 có thể được thể hiện thêm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải tương ứng với nội dung thể hiện bằng tiếng Việt.

Điều 6. Các trường hợp không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam

1. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, nếu không đáp ứng điều kiện quy định tại Chương III Thông tư này, không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

2. Hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

 

Chương III. CÁCH XÁC ĐỊNH HÀNG HÓA CỦA VIỆT NAM

 

Điều 7. Các trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam

Hàng hoá được coi là hàng hóa của Việt Nam trong các trường hợp sau:

1. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

2. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Điều 8. Hàng hoá có xuất xứ thuần túy

Hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam.

2. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam.

3. Các sản phẩm từ động vật sống nêu tại khoản 2 Điều này.

4. Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam.

5. Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Việt Nam.

6. Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, nơi Việt Nam có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.

7. Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển quốc tế bằng tàu được đăng ký ở Việt Nam hoặc được phép treo cờ của Việt Nam.

8. Các sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu tại khoản 7 Điều này ngay trên tàu được đăng ký ở Việt Nam hoặc được phép treo cờ của Việt Nam.

9. Các vật phẩm thu được trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng ở Việt Nam hiện không còn thực hiện được chức năng ban đầu, không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.

10. Các hàng hoá thu được hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này tại Việt Nam.

Điều 9. Hàng hoá có xuất xứ không thuần túy

1. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam sẽ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu đáp ứng tiêu chí thuộc Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Các tiêu chí nêu tại Phụ lục I được xác định như sau:

a) Tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa” (sau đây gọi tắt là CTC): là sự thay đổi về mã HS của hàng hóa ở cấp 2 (hai) số, 4 (bốn) số hoặc 6 (sáu) số so với mã HS của nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam (bao gồm nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu không xác định được xuất xứ) dùng để sản xuất ra hàng hóa đó.

b) Tiêu chí “Hàm lượng giá trị gia tăng” (sau đây gọi tắt là VAC): được tính theo công thức quy định tại khoản 3 Điều này.

3. VAC được tính theo một trong hai công thức sau:

a) Công thức trực tiếp:

 

VAC =

Trị giá nguyên liệu đầu vào

có xuất xứ Việt Nam

x 100%

Trị giá EXW

 

b) Công thức gián tiếp:

 

VAC =

Trị giá EXW

-

Trị giá nguyên liệu đầu vào

không có xuất xứ Việt Nam

x 100%

Trị giá EXW

 

Tổ chức, cá nhân được lựa chọn công thức trực tiếp hoặc công thức gián tiếp để tính VAC và thống nhất áp dụng công thức đã lựa chọn trong suốt năm tài chính.

4. Để tính VAC theo công thức nêu tại khoản 2 Điều này, trị giá nguyên liệu và các chi phí trong toàn bộ quá trình sản xuất ra hàng hóa được xác định cụ thể như sau:

a) “Trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam” bao gồm trị giá của nguyên liệu mua của nhà sản xuất trong nước hoặc do tổ chức, cá nhân tự sản xuất; chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phân bổ trực tiếp, các chi phí khác và lợi nhuận.

b) “Trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam” là trị giá CIF của nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp; hoặc giá mua đầu tiên tại thời điểm mua vào ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng đối với nguyên liệu không xác định được xuất xứ dùng để sản xuất, gia công, chế biến ra sản phẩm cuối cùng.

c) “Giá xuất xưởng” = Chi phí nguyên liệu + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí phân bổ trực tiếp + Lợi nhuận của nhà sản xuất;

- “Chi phí nguyên liệu” bao gồm chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí vận tải và bảo hiểm đối với nguyên vật liệu đó;

- “Chi phí nhân công trực tiếp” bao gồm lương, các khoản thưởng và những khoản phúc lợi khác có liên quan đến quá trình sản xuất;

- “Chi phí phân bổ trực tiếp” bao gồm: Chi phí nhà xưởng có liên quan đến quá trình sản xuất (bảo hiểm nhà xưởng, chi phí thuê và thuê mua nhà máy, khấu hao nhà xưởng, sửa chữa, bảo trì, thuế, lãi cầm cố); các khoản thuê mua và trả lãi của nhà máy và thiết bị; an ninh nhà máy; bảo hiểm (nhà máy, thiết bị và vật tư sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa); các nhu yếu phẩm cho quá trình sản xuất (năng lượng, điện và các nhu yếu phẩm khác đóng góp trực tiếp sử dụng trong quá trình sản xuất); nghiên cứu, phát triển, thiết kế và chế tạo; khuôn dập, khuôn đúc, việc trang bị dụng cụ và khấu hao, bảo trì và sửa chữa của nhà máy và thiết bị; tiền bản quyền sáng chế (có liên quan đến những máy móc có bản quyền hoặc quá trình sử dụng trong việc sản xuất hàng hoá hoặc quyền sản xuất hàng hoá); kiểm tra và thử nghiệm nguyên liệu và hàng hóa; lưu trữ trong nhà máy; xử lý các chất thải; các nhân tố chi phí trong việc tính toán giá trị của nguyên liệu như chi phí cảng và chi phí giải phóng hàng và thuế nhập khẩu đối với các thành phần phải chịu thuế.

Điều 10. Công đoạn gia công, chế biến đơn giản

Các công đoạn gia công, chế biến sau đây khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản. Hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn này, không được coi là hàng hóa của Việt Nam:

1. Các công việc bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự).

2. Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần.

3. Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.

4. Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự.

5. Trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại.

6. Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

7. Giết, mổ động vật.

Điều 11. Bao bì, phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ, hàng hoá chưa được lắp ráp hoặc tháo rời

1. Trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa”, vật liệu đóng gói và bao gói chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ, khi được phân loại cùng hàng hóa đó, được loại trừ khỏi các nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng trong việc sản xuất ra hàng hóa.

2. Trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí “Hàm lượng giá trị gia tăng”, trị giá của vật liệu đóng gói và bao bì chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ được coi là một phần cấu thành của hàng hóa và được tính đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.

3. Vật liệu đóng gói và bao gói dùng để chuyên chở và vận chuyển hàng hóa sẽ không được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa đó.

4. Tài liệu giới thiệu, hướng dẫn sử dụng hàng hoá; phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ đi kèm hàng hoá với chủng loại số lượng phù hợp được coi là có cùng xuất xứ với hàng hoá đó.

Điều 12. Tỷ lệ linh hoạt nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (De Minimis)

1. Hàng hóa không đáp ứng tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa” thuộc Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này vẫn được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu:

a) Đối với hàng hóa có mã HS không thuộc từ Chương 50 đến Chương 63, trị giá của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa không được vượt quá 15% giá xuất xưởng (EXW) của hàng hóa;

b) Đối với hàng hóa có mã HS thuộc từ Chương 50 đến Chương 63, trọng lượng của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa không được vượt quá 15% tổng trọng lượng hàng hóa, hoặc trị giá của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mã số hàng hóa không được vượt quá 15% giá xuất xưởng (EXW) của hàng hóa;

c) Hàng hóa nêu tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này đáp ứng tất cả các điều kiện khác quy định tại Thông tư này.

2. Trị giá của nguyên liệu nêu tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được tính vào trị giá nguyên liệu không có xuất xứ khi tính hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa.

Điều 13. Các yếu tố gián tiếp

Các yếu tố gián tiếp được sử dụng trong quá trình sản xuất, kiểm tra, hoặc thử nghiệm hàng hóa nhưng không cấu thành hàng hóa đó, hoặc các yếu tố được sử dụng trong việc bảo dưỡng nhà xưởng, hoặc vận hành thiết bị có liên quan tới việc sản xuất hàng hóa sau đây không cần xét đến khi xác định hàng hóa của Việt Nam:

1. Nhiên liệu và năng lượng.

2. Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc.

3. Phụ tùng, vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng.

4. Dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị và nhà xưởng.

5. Găng tay, kính, giày dép, quần áo và các thiết bị an toàn.

6. Các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hoá.

7. Chất xúc tác và dung môi.

8. Bất kỳ nguyên liệu nào khác không cấu thành hàng hoá nhưng việc sử dụng chúng phải chứng minh được là cần thiết trong quá trình sản xuất ra hàng hoá đó.

 

Chương IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

 

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền thể hiện hoặc không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa.

2. Trường hợp thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ Thông tư này và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin do mình cung cấp.

3. Tổ chức, cá nhân thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa có trách nhiệm chứng minh sự phù hợp của nội dung do mình cung cấp với các quy định tại Thông tư này khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Thị trường trong nước là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về các nội dung có liên quan tới hàng hóa của Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức theo dõi, đánh giá việc thực thi Thông tư này.

2. Theo quy định của pháp luật, Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong quá trình thực thi Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ... tháng ...năm 2019.

 

Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Tổng bí thư,

-  Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

- Viện KSND tối cao, Toà án ND tối cao;

- Cơ quan TW của các Đoàn thể;

- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra Văn bản);

- Công báo;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Các website: Chính phủ, Bộ Công Thương;

- Các Sở Công Thương;

- Bộ Công Thương: Bộ trưởng, các Thứ trưởng,

 các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ;

- Lưu: VT, XNK (10).


 

 
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung
Ghi chú

văn bản tiếng việt

download Thông tư DOC (Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
×
×
×
Vui lòng đợi