Dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc
Lĩnh vực: Thương mại-Quảng cáo Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công ThươngTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ CÔNG THƯƠNG

 

Số: ……/2025/TT-BCT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày …... tháng ….. năm 20…

 

 

DỰ THẢO 2

THÔNG TƯ

Quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong
Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về
Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc

 

       Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

       Căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa;

       Thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Đại Hàn Dân Quốc ký tại Ku-a-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a ngày 24 tháng 08 năm 2006;

       Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu;

       Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc.

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) (sau đây gọi là Hiệp định).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

2. Thương nhân.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. CIF là trị giá hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của nước nhập khẩu.

2. FOB là trị giá hàng hóa đã bao gồm phí vận tải từ nhà sản xuất đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến.

3. Hàng hóa bao gồm nguyên liệu hoặc sản phẩm, có thể có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất, ngay cả khi định dùng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác sau này. Các thuật ngữ “những hàng hóa” và “những sản phẩm” được sử dụng thay thế lẫn nhau, vì vậy các thuật ngữ “hàng hóa” và “sản phẩm” cũng được hiểu như vậy.

4. Hệ thống Hài hòa là thuật ngữ của Hệ thống Hài hòa về Mô tả và Mã hóa hàng hoá được định nghĩa tại Công ước quốc tế về Hệ thống Hài hòa về Mô tả và Mã hóa hàng hóa, kể cả toàn bộ các ghi chú pháp lý còn hiệu lực và được sửa đổi thường xuyên.

5. Nguyên liệu giống nhau và có thể dùng thay thế lẫn nhau là các nguyên liệu cùng loại và cùng phẩm chất thương mại, có đặc tính vật lý, kỹ thuật giống nhau và không thể chỉ ra sự khác biệt xuất xứ bằng cách kiểm tra trực quan đơn thuần một khi các nguyên liệu này được tích hợp vào sản phẩm hoàn chỉnh.

6. Nguyên liệu bao gồm các bộ phận, nguyên liệu thô, phụ tùng, linh kiện, cụm lắp ráp được sử dụng trong quá trình sản xuất.

7. Hàng hóa không có xuất xứ là sản phẩm hoặc nguyên liệu không đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư này.

8. Hàng hóa có xuất xứ là sản phẩm hoặc nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư này.

9. Nguyên liệu đóng gói và bao bì đóng gói để vận chuyển/Vật liệu bao gói và thùng hàng đóng gói để vận chuyển là vật liệu chèn và bao bì được sử dụng để bảo vệ hàng hóa trong quá trình vận chuyển khác với vật liệu đóng gói và bao gói hàng hóa dùng để bán lẻ.

10. Ưu đãi thuế quan là sự cắt giảm thuế quan cho hàng hóa có xuất xứ được thể hiện qua mức thuế suất áp dụng trong khuôn khổ Hiệp định này.

11. Quy tắc cụ thể mặt hàng là quy tắc đòi hỏi nguyên liệu trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa hoặc công đoạn sản xuất, gia công cụ thể, hoặc đáp ứng hàm lượng giá trị khu vực hay kết hợp tất cả các tiêu chí này.

12. Sản xuất là phương thức để tạo ra sản phẩm, kể cả nuôi trồng, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, gây giống, chiết xuất, gặt hái, thu lượm, săn bắt, đánh bắt, đặt bẫy, săn bắn, chế tạo, sản xuất, gia công hoặc lắp ráp hàng hóa.

13. Nước thứ ba là nước không phải nước thành viên hoặc là nước thành viên nhưng không phải là nước thành viên nhập khẩu hay nước thành viên xuất khẩu, vì vậy cụm từ “các nước thứ ba” cũng được hiểu như vậy.

14. Quyền khai thác nêu tại khoản 6 Điều 6 Thông tư này là các quyền tiếp cận nguồn thủy sản của một quốc gia ven biển, phát sinh từ các thỏa thuận hoặc các thỏa thuận khác giữa một nước thành viên và quốc gia ven biển đó được ký kết ở cấp chính phủ hoặc tổ chức tư nhân được ủy quyền hợp pháp.

15. Luật Quốc tế nêu tại khoản 6 Điều 6 Thông tư này là luật quốc tế đã được chấp nhận rộng rãi như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

16. Phản ứng hoá học là một quá trình (kể cả quá trình sinh hóa) tạo nên một phân tử với một cấu trúc mới bằng cách phá vỡ các liên kết nội phân tử và hình thành những liên kết nội phân tử mới, hoặc thay đổi sự sắp xếp không gian các nguyên tử trong một phân tử.

17. C/O giáp lưng là C/O do nước thành viên xuất khẩu trung gian cấp dựa trên C/O đã cấp của nước thành viên xuất khẩu đầu tiên.

18. Cơ quan hải quan là cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm thi hành quy định và pháp luật về hải quan theo luật của một nước thành viên có liên quan đến nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh hàng hóa vì các hoạt động này gắn liền với thuế hải quan, chi phí và các loại thuế khác hoặc các lệnh cấm, hạn chế và kiểm soát đối với việc vận chuyển hàng hóa cần kiểm tra dọc theo biên giới của cơ quan hải quan của mỗi nước thành viên.

19. Nhà xuất khẩu là thể nhân hoặc pháp nhân có trụ sở tại lãnh thổ của một nước thành viên nơi hàng hóa được xuất khẩu bởi chính người đó.

20. Nhà nhập khẩu là thể nhân hoặc pháp nhân có trụ sở tại lãnh thổ của một nước thành viên nơi hàng hóa được nhập khẩu bởi chính người đó.

21. Nhà sản xuất là thể nhân hoặc pháp nhân tiến hành việc sản xuất tại lãnh thổ của một nước thành viên theo quy định tại khoản 12 Điều này.

22. Cơ quan, tổ chức cấp C/O là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền do chính phủ của nước thành viên xuất khẩu chỉ định cấp C/O và được thông báo (tên, địa chỉ, mẫu chữ ký và mẫu con dấu) cũng như cập nhật các thông tin này khi có thay đổi đến tất cả các nước thành viên khác.

23. Sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm vườn là sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm vườn trồng tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu được coi là có xuất xứ tại nước thành viên đó dù được gieo trồng từ hạt, củ, rễ, cành giâm, cành ghép hoặc các bộ phận khác của cây nhập khẩu từ lãnh thổ của một nước thứ ba.

24. Sản phẩm thu được từ nuôi trồng thủy sản là sản phẩm thủy sản tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu được coi là có xuất xứ tại nước thành viên đó trong trường hợp được nuôi từ các loại phôi, giống như trứng, cá hồi hai năm tuổi, cá hồi nhỏ, cá chình gương hoặc trứng sò thông thường cho ăn thức ăn khởi điểm như trùng bánh xe hoặc sinh vật phù du.

Điều 4. Chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam

1. Ban hành kèm theo Thông tư này các Phụ lục sau:

a) Phụ lục I: Quy tắc cụ thể mặt hàng;

b) Phụ lục II: Quy định đối với một số hàng hóa đặc biệt áp dụng Điều 9 Thông tư này;

c) Phụ lục III: Mẫu C/O mẫu AK;

d) Phụ lục IV: Mẫu Tờ khai bổ sung C/O mẫu AK;

đ) Phụ lục V: Danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu AK của Bộ Công Thương.

2. Danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu AK của Việt Nam bao gồm cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu AK của Bộ Công Thương tại Phụ lục V ban hanh kèm theo Thông tư này và cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu AK được Bộ Công Thương ủy quyền cập nhật tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn. Cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu AK của Việt Nam đăng ký mẫu con dấu và cập nhật các mẫu con dấu này theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. 

3. Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và quy định tại Thông tư này.

CHƯƠNG II

CÁCH XÁC ĐỊNH XUẤT XỨ HÀNG HÓA

Điều 5. Hàng hóa có xuất xứ

1. Hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một nước thành viên được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan nếu hàng hóa đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ dưới đây:

a) Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

b) Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng Điều 7 hoặc Điều 8 hoặc Điều 9 hoặc Điều 10 Thông tư này.

2. Ngoại trừ quy định tại Điều 10 Thông tư này, điều kiện để hàng hóa đạt xuất xứ theo quy định tại Thông tư này phải được thực hiện không bị gián đoạn tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu.

Điều 6. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

Theo quy định tại điểm a khoản 1 của Điều 5 Thông tư này, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên trong các trường hợp sau:

1. Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được thu hoạch, hái hoặc thu lượm sau khi trồng tại nước thành viên đó;

2. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước thành viên đó;

3. Các sản phẩm chế biến từ động vật sống nêu tại khoản 2 Điều này;

4. Sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thu lượm hoặc săn bắt tại nước thành viên đó;

5. Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác chưa được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này được chiết xuất hoặc khai thác từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của nước thành viên đó;

6. Hải sản đánh bắt khai thác bằng tàu đã đăng ký và được phép treo cờ của nước thành viên đó và các sản phẩm từ biển khác do nước thành viên đó hoặc thể nhân của nước thành viên đó khai thác từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của nước thành viên đó, với điều kiện nước thành viên đó có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên từ nước, đáy biển và dưới đáy biển đó theo luật pháp quốc tế;

7. Hải sản đánh bắt và các sản phẩm từ biển khác khai thác từ vùng biển cả bằng tàu đã đăng ký và được phép treo cờ của nước thành viên đó;

8. Sản phẩm được chế biến hoặc sản xuất ngay trên tàu chế biến đã đăng ký và được phép treo cờ của nước thành viên đó từ các sản phẩm nêu tại khoản 7 Điều này;

9. Sản phẩm từ không gian vũ trụ do nước thành viên đó hoặc thể nhân của nước thành viên đó khai thác;

10. Vật phẩm thu nhặt từ nước thành viên đó nhưng đã mất đi các chức năng ban đầu hoặc không sửa chữa hay khôi phục được mà chỉ phù hợp làm rác thải hoặc phục hồi một phần làm nguyên liệu thô hoặc sử dụng vào mục đích tái chế;

11. Phế thải và phế liệu thu được từ quá trình sản xuất tại nước thành viên đó hoặc sản phẩm đã qua sử dụng được thu nhặt tại nước thành viên đó chỉ phù hợp với làm nguyên liệu thô;

12. Hàng hóa thu được hoặc được sản xuất tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu đó chỉ từ các sản phẩm nêu từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này.

Điều 7. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy

1. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này, trường hợp hàng hóa không thuộc Điều 8 Thông tư này được coi là có xuất xứ nếu đạt hàm lượng giá trị khu vực (sau đây gọi là RVC) ít nhất 40% tính theo trị giá FOB, hoặc trải qua một quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 4 số (sau đây gọi là CTH) của Hệ thống Hài hòa.

2. Công thức tính RVC được tính dựa trên một trong hai phương pháp sau:

a) Công thức trực tiếp:

RVC =

VOM

x 100%

FOB

 

Trong đó “VOM” là trị giá nguyên liệu có xuất xứ, bao gồm trị giá nguyên liệu có xuất xứ, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phân bổ trực tiếp, chi phí vận chuyển và lợi nhuận.

hoặc

b) Công thức gián tiếp:

RVC =

VOM - VNM

x 100%

FOB

 

Trong đó “VNM” là trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ hoặc không xác định được xuất xứ, có thể là:

b1) Giá CIF tại thời điểm nhập khẩu của nguyên liệu, phụ tùng hoặc hàng hóa; hoặc

b2) Giá mua đầu tiên của nguyên liệu, phụ tùng hoặc hàng hóa không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ nước thành viên nơi diễn ra các công đoạn gia công, chế biến.

3. Nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất của nước thành viên xuất khẩu linh hoạt áp dụng công thức tính RVC trực tiếp hoặc công thức tính RVC gián tiếp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Công thức tính RVC đã lựa chọn phải được tiếp tục áp dụng suốt một năm tài chính của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất đó. Trường hợp nước thành viên nhập khẩu tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, bất kỳ việc kiểm tra, xác minh nào đối với tiêu chí RVC phải được thực hiện trên cơ sở công thức tính RVC mà nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất của nước thành viên xuất khẩu đã sử dụng.

Điều 8. Quy tắc cụ thể mặt hàng

Để thực hiện điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này, hàng hóa đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này được coi là có xuất xứ tại lãnh thổ của nước thành viên nơi thực hiện các công đoạn gia công, chế biến hàng hóa đó.

Điều 9. Quy định đối với một số hàng hóa đặc biệt

1. Không xét quy định tại Điều 5, Điều 7 và Điều 8 Thông tư này, hàng hóa đặc biệt vẫn coi là có xuất xứ ngay cả khi được sản xuất, gia công hay chế biến tại khu vực bên ngoài lãnh thổ của Hàn Quốc và các nước thành viên ASEAN (như khu công nghiệp) bằng nguyên liệu xuất khẩu từ một nước thành viên, sau đó được tái nhập trở lại nước thành viên đó.

2. Danh mục hàng hoá đặc biệt của Việt Nam, quy tắc xuất xứ, quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa đặc biệt nêu tại khoản 1 Điều này được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Cộng gộp

Hàng hóa có xuất xứ tại lãnh thổ của một nước thành viên sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất ra hàng hóa đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế quan tại lãnh thổ của một nước thành viên khác được coi là có xuất xứ của nước thành viên nơi sản xuất hoặc chế biến ra hàng hóa cuối cùng.

Điều 11. Công đoạn gia công, chế biến đơn giản

1. Đơn giản mô tả hoạt động không cần kỹ năng đặc biệt, máy móc, bộ máy hoặc thiết bị sản xuất đặc biệt được lắp đặt để thực hiện hoạt động đó.

2. Trộn đơn giản nêu tại điểm m khoản 4 Điều này mô tả hoạt động không cần sử dụng kỹ năng đặc biệt, máy móc, bộ máy hoặc thiết bị sản xuất đặc biệt được lắp đặt để thực hiện hoạt động đó. Tuy vậy, trộn đơn giản không bao gồm phản ứng hoá học.

3. Giết mổ nêu tại điểm p khoản 4 Điều này là việc giết mổ động vật đơn thuần và những công đoạn tiếp theo như cắt, làm đông lạnh, ướp muối, sấy khô hoặc hun khói để nhằm mục đích bảo quản trong quá trình lưu kho hoặc vận chuyển.

4. Các công đoạn gia công, chế biến dưới đây, khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau tại một nước thành viên, được xem là đơn giản và hàng hóa không được coi là có xuất xứ tại lãnh thổ của nước thành viên đó:

a) Các công đoạn bảo quản nhằm đảm bảo hàng hóa duy trì tình trạng tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho.

b) Thay đổi bao bì, tháo dỡ và lắp ghép các kiện hàng.

c) Tẩy rửa, lau chùi, tẩy bụi, ô-xít, dầu, sơn hoặc các chất tráng phủ bề mặt khác đơn giản.

d) Sơn và các công đoạn đánh bóng đơn giản.

đ) Bóc vỏ một phần hoặc làm tróc toàn bộ, đánh bóng và làm láng ngũ cốc, gạo.

e) Các công đoạn tạo màu cho đường hoặc tạo khuôn cho đường cục.

g) Bóc vỏ, trích hạt, hoặc làm tróc hạt đơn giản.

h) Mài sắc, mài giũa đơn giản hoặc cắt đơn giản.

i) Chọn lọc, sàng lọc, sắp xếp, phân loại, xếp loại, khớp lại.

k) Đóng đơn giản vào chai, lon, bình, túi, hộp, gắn trên thẻ hoặc bảng thông tin và các công đoạn đóng gói bao bì đơn giản khác.

l) Dán hoặc in nhãn, mác, lô-gô và những dấu hiệu tương tự khác trên sản phẩm hoặc trên bao bì của sản phẩm.

m) Trộn đơn giản các sản phẩm dù cùng loại hay khác loại.

n) Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh hoặc tháo rời sản phẩm thành từng phần.

o) Kiểm tra hoặc thử nghiệm đơn giản.

p) Giết mổ động vật.

5. Ngoài quy định tại khoản 4 Điều này, hàng hóa thuộc từ Chương 50 đến Chương 63 không được coi là có xuất xứ tại lãnh thổ của một nước thành viên dù đáp ứng cả hai tiêu chí RVC và CTC nếu các công đoạn sau đây được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau tại nước thành viên đó:

a) Các công đoạn kết hợp đơn giản, gắn nhãn, là hoặc ép thẳng đơn giản, giặt hoặc giặt khô, các công đoạn đóng gói hoặc bất kì sự kết hợp nào của các công đoạn vừa nêu.

b) Cắt theo chiều dọc hoặc chiều ngang và viền vải, khâu hoặc vắt sổ có thể dễ dàng xác định được dùng cho mục đích thương mại cụ thể.

c) Xén (cắt tỉa) hoặc gắn phụ kiện như dây, đai, hạt, dây móc, vòng đai hay khuyết bằng cách khâu, móc, nối hoặc dán lại.

d) Tẩy trắng, chống thấm, hấp, co kết, ngâm kiềm (để làm bóng vải) hoặc các công đoạn tương tự với mục đích đơn giản là trải qua các công đoạn hoàn thiện.

đ) Thêu với phần thêu chiếm dưới 5% tổng diện tích của sản phẩm thêu hoặc phần thêu có trọng lượng ít hơn 5% tổng trọng lượng của sản phẩm thêu.

6. Hàng hóa có xuất xứ tại lãnh thổ của một nước thành viên vẫn giữ nguyên xuất xứ ban đầu khi được xuất khẩu từ một nước thành viên khác nơi thực hiện các công đoạn gia công, chế biến đơn giản quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Điều 12. Vận chuyển trực tiếp

1. Hàng hoá được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng đầy đủ quy định tại Thông tư này và phải được vận chuyển trực tiếp từ lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu tới lãnh thổ của nước thành viên nhập khẩu.

2. Hàng hóa được vận chuyển qua một hoặc nhiều nước thứ ba trung gian (không phải là lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu và nước thành viên nhập khẩu) vẫn coi là vận chuyển trực tiếp, với điều kiện:

a) Quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lý hoặc do yêu cầu về vận tải.

b) Hàng hoá không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại đó.

c) Hàng hoá không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, chế biến nào khác ngoài việc dỡ hàng và bốc lại hàng hoặc các công đoạn cần thiết để bảo quản hàng hóa trong tình trạng tốt.

Điều 13. De minimis

1. Hàng hóa không đạt tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này vẫn được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng các quy định khác tại Thông tư này và thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đối với hàng hóa không thuộc từ Chương 50 đến Chương 63 của Hệ thống Hài hòa, trị giá của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa đó;

b) Đối với hàng hóa thuộc từ Chương 50 đến Chương 63 của Hệ thống Hài hòa, trọng lượng của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không được vượt quá 10% tổng trọng lượng hàng hóa đó.

2. Trị giá của nguyên liệu không có xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều này được tính là trị giá nguyên liệu không có xuất xứ khi áp dụng công thức tính hàm lượng giá trị khu vực.

Điều 14. Quy định về đóng gói và vật liệu đóng gói

1. Trường hợp nguyên liệu đóng gói và bao bì dùng để đóng gói hàng hóa nhằm mục đích bán lẻ và được phân loại cùng với hàng hóa:

a) Cần tính trị giá của nguyên liệu đóng gói và bao bì khi xác định xuất xứ hàng hóa áp dụng tiêu chí RVC.

b) Không cần xét đến xuất xứ nguyên liệu đóng gói và bao bì khi xác định xuất xứ hàng hóa áp dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa.

2. Trường hợp nguyên liệu đóng gói và bao bì đóng gói hàng hóa nhằm mục đích vận chuyển, không cần xét đến nguyên liệu đóng gói và bao bì này khi xác định xuất xứ của hàng hóa.

Điều 15. Phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ

Phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm với hàng hóa không được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hoá đó, với điều kiện chúng được phân loại và được lập hóa đơn cùng với hàng hoá đó.

Điều 16. Yếu tố trung gian

Khi xác định xuất xứ hàng hóa, không cần xác định xuất xứ của các yếu tố trung gian dưới đây được sử dụng trong quá trình sản xuất nhưng không cấu thành nên hàng hóa:

a) Nhiên liệu và năng lượng.

b) Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc.

c) Phụ tùng và vật liệu để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng.

d) Dầu, mỡ bôi trơn, hợp chất và các nguyên liệu khác dùng trong quá trình sản xuất hoặc để vận hành thiết bị và nhà xưởng.

đ) Găng tay, kính, giày dép, quần áo, vật tư trang bị bảo hộ lao động.

e) Trang thiết bị, máy móc và vật tư dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hóa.

g) Bất kỳ nguyên liệu nào khác không cấu thành nên sản phẩm nhưng việc sử dụng chúng trong quá trình sản xuất phải được chứng minh là một phần của quá trình sản xuất đó.

Điều 17. Nguyên liệu giống nhau và có thể dùng thay thế lẫn nhau

1. Việc xác định nguyên liệu có xuất xứ và nguyên liệu không có xuất xứ ở dạng pha trộn hoặc kết hợp tự nhiên và sử dụng khi sản xuất hàng hóa được thực hiện bằng cách áp dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được chấp nhận rộng rãi tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu.

2. Một khi quyết định áp dụng nguyên tắc kế toán về quản lý kho nào, nguyên tắc đó phải được sử dụng suốt trong một năm tài chính.

CHƯƠNG III

CHỨNG NHẬN VÀ KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HÓA

Điều 18. Tài liệu chứng minh xuất xứ hàng hóa

Để xác định xuất xứ hàng hóa, cơ quan, tổ chức cấp C/O có quyền yêu cầu thương nhân xuất trình chứng từ hỗ trợ hoặc tiến hành kiểm tra nếu xét thấy cần thiết theo quy định và pháp luật của nước thành viên.

Điều 19. Kiểm tra trước khi xuất khẩu

Nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu hàng hóa hay đại diện được ủy quyền nộp đơn cho cơ quan, tổ chức cấp C/O để đề nghị kiểm tra xuất xứ hàng hóa trước khi xuất khẩu theo quy định và pháp luật của nước thành viên. Kết quả kiểm tra tùy vào xem xét định kỳ hoặc khi cần thiết được chấp nhận như chứng từ hỗ trợ để xác định xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu sau này. Việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa trước khi xuất khẩu không cần áp dụng đối với hàng hóa dễ dàng xác định được xuất xứ thông qua bản chất của hàng hóa đó.

Điều 20. Nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O

Nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu hay đại diện được ủy quyền nộp đơn đề nghị cấp C/O kèm theo chứng từ cần thiết chứng minh hàng hóa chuẩn bị xuất khẩu đáp ứng việc cấp C/O theo quy định và pháp luật của nước thành viên.

Điều 21. Kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O

1. Cơ quan, tổ chức cấp C/O tiến hành kiểm tra từng trường hợp đề nghị cấp C/O để đảm bảo:

a) C/O được kê khai đầy đủ và được ký bởi người có thẩm quyền.

b) Xuất xứ hàng hóa phù hợp với quy định tại Thông tư này. 

c) Các thông tin khác khai trên C/O phù hợp với chứng từ nộp kèm.

d) Mô tả hàng hóa, số lượng và trọng lượng hàng hóa, ký hiệu và số lượng kiện hàng, số kiện và loại kiện hàng được kê khai phù hợp với hàng hóa xuất khẩu.

2. Có thể kê khai nhiều mặt hàng trên cùng một C/O với điều kiện mỗi loại hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa tương ứng.

Điều 22. C/O mẫu AK

1. Để được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hoá phải có C/O mẫu AK do cơ quan có thẩm quyền được nước thành viên xuất khẩu ủy quyền cấp và thông báo cho tất cả các nước thành viên khác theo quy định tại Chương này.

2. C/O mẫu AK đáp ứng các điều kiện sau:

a) Ở dạng bản giấy được in ra có chữ ký, con dấu cấp theo hình thức cấp tay hoặc có chữ ký, con dấu cấp dưới dạng điện tử của các cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu.

b) Làm trên khổ giấy A4.

c) Phù hợp với mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Được khai bằng tiếng Anh.

3. Một bộ C/O mẫu AK bao gồm 01 bản gốc (Original) và 02 bản sao (Duplicate và Triplicate).

4. Trường hợp không đủ chỗ để kê khai nhiều mặt hàng trên một C/O mẫu AK, các nước thành viên sử dụng Tờ khai bổ sung C/O phù hợp với mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Ngoài Tờ khai bổ sung C/O, các nước thành viên ASEAN có thêm lựa chọn sử dụng C/O mẫu AK bản gốc.

5. Mỗi C/O mẫu AK có một số tham chiếu riêng do cơ quan, tổ chức cấp C/O cấp. C/O mẫu AK thể hiện trị giá FOB tại Ô số 9 trên C/O chỉ khi áp dụng tiêu chí RVC.

6. Bản gốc (Original) C/O mẫu AK được nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu gửi cho nhà nhập khẩu để nộp cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu. Bản sao thứ hai (Duplicate) do cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu lưu. Bản sao thứ ba (Triplicate) do nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu lưu.

7. Trường hợp từ chối C/O mẫu AK, cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu đánh dấu vào mục tương ứng, ghi rõ lý do từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan tại Ô số 4 trên C/O và gửi lại Bản gốc (Original) C/O mẫu AK cho cơ quan, tổ chức cấp C/O trong vòng 02 tháng.

8. Trường hợp C/O mẫu AK bị từ chối nêu tại khoản 7 Điều này, cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận giải trình của cơ quan, tổ chức cấp C/O để xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan. Giải trình của cơ quan, tổ chức cấp C/O phải chi tiết và lý giải được những vấn đề mà nước thành viên nhập khẩu đưa ra.

Điều 23. Xử lý sai sót trên C/O mẫu AK

Không được phép tẩy xóa hoặc viết thêm lên C/O mẫu AK. Mọi sửa đổi phải được thực hiện bằng một trong các cách sau:

1. Gạch bỏ chỗ sai và bổ sung các thông tin cần thiết. Những thay đổi này phải được người có thẩm quyền ký C/O mẫu AK chấp thuận và được cơ quan, tổ chức cấp C/O xác nhận. Các phần còn trống được gạch chéo để tránh điền thêm. hoặc

2. Cấp một C/O mẫu AK mới để thay thế C/O bị sai sót. Cơ quan, tổ chức cấp C/O ghi rõ ngày cấp của C/O bị sai sót lên C/O mới.

Điều 24. Cấp C/O mẫu AK

1. C/O mẫu AK được cấp trước hoặc tại thời điểm giao hàng hoặc không muộn hơn 03 ngày làm việc từ ngày giao hàng khi hàng hóa xuất khẩu được coi là có xuất xứ tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu theo quy định tại Thông tư này.

2. Cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên trung gian cấp C/O mẫu AK giáp lưng theo đề nghị của nhà xuất khẩu khi hàng hóa đang được vận chuyển qua lãnh thổ của nước thành viên đó, với điều kiện:

a) C/O mẫu AK bản gốc còn hiệu lực được xuất trình.

b) Nhà xuất khẩu nộp đơn đề nghị cấp C/O mẫu AK giáp lưng phải đồng thời là nhà nhập khẩu tại nước thành viên trung gian.

c) Quy trình xác minh xuất xứ quy định tại Điều 31 Thông tư này được áp dụng.

3. Trường hợp C/O mẫu AK không được cấp trước hoặc tại thời điểm giao hàng hoặc không muộn hơn 03 ngày làm việc từ ngày giao hàng do lỗi, sai sót không cố ý hoặc lý do hợp lệ, C/O mẫu AK được cấp sau trong thời hạn 01 năm kể từ ngày giao hàng và phải thể hiện dòng chữ “ISSUED RETROACTIVELY”.

Điều 25. C/O mẫu AK bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng

Trường hợp C/O mẫu AK bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu nộp đơn đề nghị cơ quan, tổ chức cấp C/O cấp bản sao chứng thực của C/O mẫu AK bản gốc trên cơ sở chứng từ xuất khẩu được lưu tại cơ quan, tổ chức cấp C/O. Bản sao chứng thực này phải mang dòng chữ “CERTIFIED TRUE COPY” tại Ô số 12 và ngày cấp của C/O mẫu AK bản gốc. Bản sao chứng thực này được cấp trong vòng 01 năm kể từ ngày cấp C/O mẫu AK bản gốc.

Điều 26. Nộp C/O mẫu AK

Để được hưởng ưu đãi thuế quan tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, nhà nhập khẩu nộp cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu tờ khai hải quan, C/O mẫu AK, kể cả các chứng từ chứng minh (như hóa đơn thương mại, vận tải đơn chở suốt được phát hành tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu nếu cần) và các chứng từ khác khi được yêu cầu theo quy định và pháp luật của nước thành viên nhập khẩu.

Điều 27. Thời hạn nộp và hiệu lực của C/O mẫu AK

1. C/O mẫu AK phải được nộp cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu theo quy định và pháp luật của nước thành viên đó trong vòng:

a) 12 tháng kể từ ngày cấp trong trường hợp C/O mẫu AK thông thường.

b) 12 tháng kể từ ngày cấp của C/O mẫu AK bản gốc trong trường hợp C/O mới thay thế C/O bị sai sót theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư này.

c) 12 tháng kể từ ngày cấp của C/O mẫu AK bản gốc trong trường hợp C/O mẫu AK giáp lưng theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Thông tư này.

2. Trường hợp C/O mẫu AK được nộp cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, C/O mẫu AK vẫn được chấp nhận nếu việc không tuân thủ thời hạn nêu trên là do bất khả kháng hoặc do những nguyên nhân chính đáng khác nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu.

3. Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu chấp nhận C/O mẫu AK với điều kiện hàng hóa được nhập khẩu trước thời hạn hiệu lực của C/O đó. 

Điều 28. Miễn nộp C/O mẫu AK

1. Không yêu cầu nộp C/O mẫu AK trong trường hợp sau:

a) Hàng hóa có xuất xứ tại lãnh thổ của nước thành viên có trị giá FOB không vượt quá 200 đô la Mỹ.

b) Hàng hóa gửi qua đường bưu điện từ lãnh thổ của nước thành viên có trị giá FOB không vượt quá 200 đô la Mỹ.

2. Trường hợp cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu xác định việc nhập khẩu là một chuỗi liên tiếp hoặc cố tình chia nhỏ lô hàng với mục đích lẩn tránh việc nộp C/O mẫu AK, hàng hóa nhập khẩu không được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 29. Xử lý khác biệt nhỏ

1. Trường hợp không có nghi ngờ về xuất xứ của hàng hóa, những khác biệt nhỏ giữa thông tin khai trên C/O mẫu AK với các chứng từ nộp cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu không làm mất hiệu lực của C/O mẫu AK nếu những khác biệt này phù hợp với hàng hóa nhập khẩu thực tế.

2. Trong trường hợp C/O mẫu AK có nhiều mặt hàng, vướng mắc đối với một mặt hàng không ảnh hưởng hoặc cản trở việc cho hưởng thuế quan ưu đãi và thông quan hàng hóa đối với những mặt hàng còn lại. Việc xử lý đối với những mặt hàng có vướng mắc thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 31 Thông tư này.

Điều 30. Lưu trữ hồ sơ

1. Để phục vụ việc xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Thông tư này, nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu lưu trữ hồ sơ, chứng từ đề nghị cấp C/O mẫu AK ít nhất 03 năm kể từ ngày cấp C/O theo quy định và pháp luật của nước thành viên xuất khẩu.

2. Nhà nhập khẩu lưu trữ các chứng từ nhập khẩu theo quy định và pháp luật của nước thành viên nhập khẩu.

3. Cơ quan, tổ chức cấp C/O lưu trữ hồ sơ, chứng từ đề nghị cấp C/O mẫu AK ít nhất 3 năm kể từ ngày cấp C/O.

4. Thông tin về tính hiệu lực của C/O mẫu AK được cung cấp theo đề nghị của nước thành viên nhập khẩu bởi người có thẩm quyền ký C/O và được xác nhận bởi cơ quan, tổ chức chính phủ cấp C/O đó.

5. Bất kỳ thông tin nào chia sẻ giữa các nước thành viên liên quan đều được bảo mật và chỉ sử dụng để xác minh tính hợp lệ của C/O.

Điều 31. Kiểm tra C/O mẫu AK sau khi cấp

1. Nước thành viên nhập khẩu đề nghị cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu kiểm tra ngẫu nhiên hoặc khi có lý do nghi ngờ tính xác thực của chứng từ hay tính chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hóa có liên quan hoặc một phần của hàng hóa đó.

2. Cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu kiểm tra bản kê chi phí của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu dựa trên chi phí và thời giá hiện tại trong giai đoạn 06 tháng trước hoặc sau ngày hàng xuất khẩu. Trong trường hợp của Hàn Quốc, cơ quan, tổ chức cấp C/O kiểm tra, xác minh xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên ASEAN nêu tại Điều này và Điều 32 Thông tư này là cơ quan hải quan Hàn Quốc.

3. Trình tự kiểm tra C/O mẫu AK sau khi cấp như sau:

a) Đề nghị kiểm tra của nước thành viên nhập khẩu được gửi kèm C/O mẫu AK liên quan, nêu rõ lý do cũng như bất cứ thông tin bổ sung nào cho thấy các chi tiết trên C/O này có thể không chính xác, trừ trường hợp kiểm tra ngẫu nhiên.

b) Cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu phản hồi ngay về việc nhận được đề nghị kiểm tra và trả lời trong vòng 02 tháng sau ngày nhận được đề nghị.

c) Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể trì hoãn việc cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể áp dụng các thủ tục hành chính cần thiết bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu cao hơn hoặc yêu cầu nhà nhập khẩu đặt cọc một số tiền tương ứng và cho phép thông quan hàng hóa, với điều kiện hàng hóa đó không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và không có nghi ngờ về gian lận xuất xứ.

d) Cơ quan, tổ chức cấp C/O gửi ngay kết quả kiểm tra cho nước thành viên nhập khẩu để xác định hàng hóa đạt xuất xứ hay không đạt xuất xứ. Toàn bộ quá trình kiểm tra, kể cả việc thông báo cho cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu về kết quả quyết định xuất xứ của hàng hóa phải được hoàn thành trong vòng 06 tháng. Trong suốt quá trình kiểm tra, điểm c khoản này được áp dụng.

4. Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thông tin hoặc tài liệu liên quan tới xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu theo quy định và pháp luật của nước thành viên nhập khẩu trước khi đề nghị kiểm tra theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 32. Xác minh xuất xứ hàng hóa tại nước thành viên xuất khẩu

1. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra theo quy định tại Điều 31 Thông tư này, nước thành viên nhập khẩu có thể đề nghị xác minh thực tế tại nước thành viên xuất khẩu.

2. Trước khi tiến hành xác minh thực tế tại nước thành viên xuất khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều này, nước thành viên nhập khẩu đồng thời gửi thông báo bằng văn bản về kế hoạch xác minh thực tế tới:

a) Nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu sở hữu kho hàng, nhà xưởng được xác minh thực tế.

b) Cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên tại khu vực được xác minh thực tế.

c) Cơ quan hải quan của nước thành viên tại khu vực được xác minh thực tế.

d) Nhà nhập khẩu hàng hóa đang được xác minh thực tế.

3. Thông báo bằng văn bản nêu tại khoản 2 Điều này phải bao gồm đầy đủ các nội dung sau:

a) Tên của cơ quan hải quan phát hành thông báo bằng văn bản.

b) Tên của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu sở hữu kho hàng, nhà xưởng được xác minh thực tế.

c) Ngày dự kiến xác minh thực tế.

d) Phạm vi dự kiến xác minh thực tế, kể cả hàng hóa được xác minh.

đ) Tên và chức danh của các công chức tiến hành xác minh thực tế.

4. Nước thành viên nhập khẩu nhận được văn bản chấp thuận của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu sở hữu kho hàng, nhà xưởng được xác minh thực tế.

5. Trường hợp không nhận được văn bản chấp thuận của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều này, nước thành viên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa thuộc diện xác minh.

6. Cơ quan, tổ chức cấp C/O nhận được thông báo bằng văn bản có thể trì hoãn việc xác minh thực tế và báo cho nước thành viên nhập khẩu trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của nước thành viên nhập khẩu. Dù trì hoãn, việc xác minh thực tế phải được thực hiện trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của nước thành viên nhập khẩu hoặc lâu hơn theo thỏa thuận của các nước thành viên.

7. Nước thành viên tiến hành xác minh thực tế cung cấp cho nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu sở hữu hàng hóa thuộc diện xác minh và cơ quan, tổ chức cấp C/O liên quan quyết định bằng văn bản về việc hàng hóa thuộc diện xác minh đạt xuất xứ hay không đạt xuất xứ.

8. Việc tạm hoãn cho hưởng ưu đãi thuế quan được thu hồi trên cơ sở quyết định bằng văn bản về việc hàng hóa đạt xuất xứ nêu tại khoản 7 Điều này.

9. Nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu được phép cung cấp ý kiến bằng văn bản hoặc thông tin bổ sung về tính hợp lệ của hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận quyết định bằng văn bản. Trường hợp hàng hóa vẫn không được coi là có xuất xứ, quyết định cuối cùng bằng văn bản được thông báo cho cơ quan, tổ chức cấp C/O trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản hoặc thông tin bổ sung từ nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu. 

10. Quá trình xác minh thực tế, kể cả đi kiểm tra thực tế và quyết định bằng văn bản về việc hàng hóa thuộc diện xác minh đạt xuất xứ hay không đạt xuất xứ theo quy định tại khoản 7 Điều này phải được thực hiện và thông báo kết quả cho cơ quan, tổ chức cấp C/O trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày đầu tiên tiến hành việc xác minh thực tế. Trong quá trình xác minh thực tế, điểm c khoản 3 Điều 31 Thông tư này được áp dụng.

Điều 33. Bảo mật thông tin

1. Các nước thành viên theo quy định và pháp luật của nước mình phải bảo mật các thông tin về hoạt động kinh doanh, thương mại thu thập được trong quá trình kiểm tra, xác minh theo quy định tại Điều 31, Điều 32 Thông tư này và không được tiết lộ các thông tin đó để tránh gây tổn hại đến vị thế cạnh tranh của người cung cấp thông tin.

2. Tuỳ theo quy định và pháp luật, thoả thuận của các nước thành viên, thông tin mật chỉ có thể được công bố bởi các cơ quan có thẩm quyền của một nước thành viên cho một nước thành viên khác nhằm quản lý và thực thi việc xác định xuất xứ hàng hóa.

Điều 34. Từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan

Nước thành viên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan hoặc truy thu khoản tiền thuế chưa nộp theo quy định và pháp luật của nước mình trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Thông tư này.

Điều 35. Thay đổi điểm đến của hàng hóa

Hàng hóa xuất khẩu đến một nước thành viên thay đổi điểm đến của toàn bộ hoặc một phần lô hàng trước hoặc sau khi hàng cập cảng thực hiện theo quy định sau:

1. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của nước thành viên nhập khẩu, cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu xác thực C/O mẫu AK áp dụng đối với toàn bộ hoặc một phần lô hàng theo đơn đề nghị cho hưởng ưu đãi thuế quan của nhà nhập khẩu gửi kèm C/O mẫu AK bản gốc.

2. Trường hợp hàng hóa thay đổi điểm đến khác với thông tin trên C/O mẫu AK đã cấp trong quá trình vận chuyển đến nước thành viên nhập khẩu, nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu nộp đơn đề nghị cấp C/O mẫu AK mới cho toàn bộ hoặc một phần lô hàng và hoàn trả C/O mẫu AK đã cấp trước đó.

Điều 36. Chứng từ áp dụng cho quy định vận chuyển trực tiếp

Theo quy định tại Điều 12 Thông tư này, trường hợp hàng hóa được vận chuyển qua lãnh thổ của một hoặc nhiều nước trung gian (không phải là nước thành viên xuất khẩu và nước thành viên nhập khẩu) các chứng từ sau phải được nộp cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu :

1. Vận tải đơn chở suốt được phát hành tại lãnh thổ nước thành viên xuất khẩu.

2. C/O mẫu AK.

3. Bản sao của hóa đơn thương mại bản gốc.

4. Các chứng từ liên quan khác chứng minh việc vận chuyển đáp ứng các quy định nêu tại Điều 12 Thông tư này.

Điều 37. Hàng hóa triển lãm

1. Hàng hóa gửi từ lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu để tham gia triển lãm tại một nước khác và được bán trong hoặc sau thời gian triển lãm với mục đích nhập khẩu vào lãnh thổ của một nước thành viên được hưởng ưu đãi thuế quan, với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Thông tư này và phải chứng minh cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu rằng:

a) Nhà xuất khẩu gửi hàng hóa đó từ lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu tới nước nơi tổ chức triển lãm và hàng hóa được trưng bày tại đó.

b) Nhà xuất khẩu đã bán hoặc chuyển nhượng hàng hóa đó cho người nhận hàng tại lãnh thổ của nước thành viên nhập khẩu.

c) Hàng hóa được gửi bán tới lãnh thổ của nước thành viên nhập khẩu trong quá trình triển lãm hoặc ngay sau khi kết thúc triển lãm vẫn còn nguyên trạng như khi hàng hóa được gửi đi tham gia triển lãm. 

2. Để thực hiện khoản 1 Điều này, C/O mẫu AK được nộp cho cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu, trong đó ghi rõ tên và địa chỉ của nơi tổ chức triển lãm. Cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước nơi diễn ra triển lãm cấp một hình thức chứng nhận cùng với các chứng từ quy định tại khoản 4 Điều 36 Thông tư này để xác nhận hàng hóa đã tham gia triển lãm.

3. Khoản 1 Điều này áp dụng đối với bất kỳ triển lãm, hội chợ thương mại, nông nghiệp hoặc thủ công mỹ nghệ nào hoặc các cuộc giới thiệu, trưng bày tương tự hoặc bày bán tại các cửa hàng hoặc hoặc địa điểm kinh doanh với mục đích để bán hàng hóa nước ngoài và những nơi mà hàng hóa vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của cơ quan hải quan trong suốt quá trình triển lãm.

Điều 38. Hóa đơn do nước thứ ba phát hành

1. Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu chấp nhận C/O mẫu AK trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty có trụ sở đặt tại nước thứ ba hoặc bởi một nhà xuất khẩu đại diện cho công ty đó, với điều kiện hàng hóa đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Thông tư này.

2. Nhà xuất khẩu hàng hóa phải thể hiện cụm từ “Third Country Invoicing” và thông tin về tên và nước của công ty phát hành hóa đơn nước thứ ba trên C/O mẫu AK.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 39. Tổ chức thực hiện

1. Các nội dung hướng dẫn, thống nhất cách hiểu liên quan đến Quy tắc xuất xứ hàng hóa được các nước thành viên thống nhất luân phiên hoặc thống nhất tại báo cáo các phiên họp thực thi của Ủy ban Thực thi trong khuôn khổ Hiệp định là căn cứ để các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thực hiện.

2. Các nội dung nêu tại khoản 1 Điều này được thông báo đến các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thông qua cơ quan đầu mối của Tiểu ban Thuế và Quy tắc xuất xứ hàng hóa thực hiện Hiệp định.

Điều 40. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ....tháng.... năm ....

2. Cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp sau C/O mẫu AK theo Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu từ ngày 01 tháng 3 năm 2025.

3. Cơ quan hải quan chấp nhận C/O mẫu AK được cấp theo Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định đối với các lô hàng đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 01 tháng 3 năm 2025.

4. Các nội dung hướng dẫn, thống nhất cách hiểu liên quan đến Quy tắc xuất xứ hàng hóa được các nước thành viên thống nhất luân phiên hoặc thống nhất tại báo cáo các phiên họp thực thi của Ủy ban Thực thi trong khuôn khổ Hiệp định là căn cứ để các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thực hiện.

5. Thông tư này thay thế các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

6. Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.

7. Thông tư số 26/2018/TT-BCT ngày 14 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.

8. Thông tư số 13/2019/TT-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.

9. Thông tư số 04/2024/TT-BCT ngày 27 tháng 3 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc./.

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Tổng Bí thư,
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Viện KSND tối cao, Toà án ND tối cao;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật);
- Công báo;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cổng thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ Công Thương;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố;                                         
- Bộ Công Thương: Bộ trưởng; các Thứ trưởng, Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ, các Phòng QLXNK khu vực (19);
- Lưu: VT, XNK (3).

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Diên

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi