Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định về thương mại điện tử lần 2
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Thương mại-Quảng cáo | Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Công Thương | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Nội dung tóm lược
Nghị định này sửa đổi Nghị định về về thương mại điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ; Sử đổi, bổ sung thông tin về hàng hóa, dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng; bổ sung về hoạt động thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài….
Tải Nghị định
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
CHÍNH PHỦ Số: /2021/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP
ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP).
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“1. Nghị định này quy định về việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động thương mại điện tử.
2. Các giao dịch điện tử đối với dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, xổ số; mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; dịch vụ trò chơi trực tuyến, dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng, dịch vụ phát thanh, truyền hình và các dịch vụ khác đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.”
2. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 2 như sau:
“c) Thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.”
3. Bổ sung khoản 16 Điều 3 như sau:
“16. Phương thức thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử là việc chủ sở hữu website thương mại điện tử ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, theo đó khoản tiền trả trước bằng phương thức thanh toán trực tuyến của khách hàng trong giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ được giữ trong tài khoản trung gian trong một thời gian nhất định để đảm bảo cho việc giải quyết tranh chấp giữa khách hàng và người bán.”
4. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 4 như sau:
“a) Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 24 như sau:
“1. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng).
2. Các thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để tiến hành hoạt động trung gian thương mại, cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ (thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử).
Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không bao gồm các thương nhân tổ chức chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ thiết kế website và không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, điều hành hoặc điều phối các hoạt động trên website đó.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 26 như sau:
“4. Nguyên tắc kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thông qua thương mại điện tử.
Hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 4 và khoản 7 Điều 27 như sau:
“1. Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
4. Thực hiện các quy định về quy trình giao kết hợp đồng tại Mục 2 Chương II Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật khác có liên quan trong hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ.
7. Lưu trữ thông tin đầy đủ về người mua, lịch sử giao dịch được thực hiện qua website theo quy định pháp luật; Công bố công khai số điện thoại tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.”
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 30 như sau:
“Điều 30. Thông tin về hàng hóa, dịch vụ
1. Thông tin về hàng hóa, dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng phải bao gồm các nội dung theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng, số lô sản xuất, số khung, số máy.
2. Đối với website thương mại điện tử có hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện hoặc thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, website thương mại điện tử phải công bố trên website của mình số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề và hàng hóa, dịch vụ đó.”
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 32 như sau:
“2. Ngôn ngữ thể hiện điều kiện giao dịch chung phải bao gồm tiếng Việt.”
10. Bổ sung điểm d khoản 1 Điều 33 như sau:
“d) Giới hạn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng (gọi chung là dịch vụ logistics) về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận.”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 35 như sau:
“2. Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử:
a) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng hoặc lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
b) Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng;
c) Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
d) Mạng xã hội có một trong các đặc tính nêu trên.”
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3, khoản 8, khoản 9 Điều 36 như sau:
“1. Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định này và công bố các thông tin về người sở hữu website theo quy định tại Điều 29 Nghị định này trên trang chủ website.
3. Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định này khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Trong trường hợp người bán là thương nhân nước ngoài, thông tin này phải được dịch sang tiếng Việt, các tên riêng được phiên âm tiếng Việt hoặc thể hiện bằng ký tự La tinh.
8. Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử:
a) Có biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
b) Kịp thời gỡ bỏ hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24h kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
c) Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ để gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu có căn cứ xác thực.
9. Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
a) Cung cấp thông tin về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử
b) Thường xuyên cập nhật từ khóa theo khuyến cáo từ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và lọc thông tin theo từ khóa trước khi đăng tải thông tin về hàng hóa, dịch vụ.
c) Tham gia giải quyết khiếu nại, phản ánh và các tranh chấp từ doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua hệ thống quản lý và giải quyết khiếu nại, tranh chấp trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.gov.vn.”
b) Bổ sung khoản 11 Điều 36 như sau:
“11. Đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử bán lẻ có tích hợp chức năng đặt hàng và thanh toán trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm:
a) Cung cấp công cụ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước tra cứu, định danh người bán, các giao dịch liên quan tới người bán để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
b) Thay mặt cho thương nhân, tổ chức nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm khai, khấu trừ và nộp thuế nhà thầu theo quy định.
c) Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 02 bên tham gia.
d) Liên đới trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử nếu không thực hiện các nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, 9 Điều này.”
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm đ, điểm g khoản 2 Điều 38 như sau:
“c) Nếu sàn giao dịch thương mại điện tử tích hợp nhiều hình thức hoạt động khác nhau, mô tả quy trình giao dịch đối với từng hình thức tổ chức hoạt động này, bao gồm quy trình giao nhận hàng hóa (nếu có);
đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, trường hợp một giao dịch có nhiều hơn 02 bên tham gia thì phải phân địch rõ trách nhiệm giữa các bên bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ;
g) Các quy định về an toàn thông tin, cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin và quản lý thông tin trên sàn giao dịch thương mại điện tử;”
b) Bổ sung điểm m khoản 2 Điều 38 như sau:
“m) Công bố rõ ràng phạm vi trách nhiệm về cung cấp chứng từ hàng hóa giữa người bán, bên cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử và bên cung cấp dịch vụ logistics trong trường hợp có giao kết sử dụng dịch vụ logistics của bên thứ ba.”
14. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 54 như sau:
“a) Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa.”
15. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 55 như sau:
“b) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân), giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài);”
16. Bổ sung điểm d khoản 3 Điều 63 như sau:
“d) Kết nối dữ liệu trực tuyến với hệ thống quản lý và giải quyết khiếu nại, tranh chấp trực tuyến của Bộ Công Thương.”
17. Bổ sung Mục 5 sau Mục 4 Chương IV Quản lý hoạt động thương mại điện tử như sau:
“Mục 5: HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CỦA THƯƠNG NHÂN, TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI
Điều 67a: Thương nhân, tổ chức nước ngoài thiết lập website hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
Phương án 1: 1. Thương nhân, tổ chức nước ngoài thiết lập website hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: a) Thiết lập website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam hoặc website thương mại điện tử có ngôn ngữ tiếng Việt; b) Thiết lập sàn giao dịch thương mại điện tử có 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm. 2. Thương nhân, tổ chức nước ngoài thiết lập website hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam phải thực hiện thông báo, đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định này; đồng thời đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua văn phòng đại diện tại Việt Nam.
|
Phương án 2: 1. Thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động thương mại điện tử thông qua việc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam hoặc website có ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc thiết lập sàn giao dịch thương mại điện tử mà trên đó lượt giao dịch/lượt truy cập/số đơn hàng của tổ chức, cá nhân Việt Nam vượt quá một ngưỡng nhất định thì phải thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định này; đồng thời đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua chỉ định đại diện pháp lý của mình tại Việt Nam. 2. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan quy định ngưỡng giao dịch/ lượt truy cập/số đơn hàng tại khoản 1 Điều này theo từng thời kỳ và phù hợp với thực tiễn của hoạt động thương mại.
|
2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan.
3. Lượt giao dịch/lượt truy cập/số đơn hàng từ Việt Nam được căn cứ từ các nguồn sau:
a) Thương nhân, tổ chức tự nguyện báo cáo theo quy định của Nghị định này;
b) Theo số liệu chính thức của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam gồm: cơ quan hải quan; cơ quan quản lý nhà nước về internet; cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng, thuế;
c) Theo các báo cáo, thông tin sẵn có, công khai mà cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chứng minh được tính xác thực hoặc từ các tổ chức có uy tín được công nhận trên thế giới.
4. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam
a) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam;
b) Thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 57 Nghị định này.
Điều 67b. Thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam
1. Thương nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động bán hàng hóa theo quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam
2. Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam có trách nhiệm xác thực danh tính của thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử đó, đồng thời có trách nhiệm sau:
a) Yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; hoặc
b) Tổ chức việc thực hiện hoạt động nhập khẩu theo ủy thác của người mua đối với hàng hóa do thương nhân, tổ chức nước ngoài giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử; hoặc
c) Yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Điều 67c. Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử
1. Hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
2. Các điều kiện tiếp cận thị trường gồm:
a) Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật Đầu tư.
b) Nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ.
c) Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ thương mại điện tử theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại điểm này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.
3. Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Công Thương trước khi cấp, điều chỉnh, thay đổi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan.”
18. Bổ sung điểm khoản 4 Điều 74 như sau:
“4. Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến phải cho phép khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán đảm bảo.”
19. Sửa đổi, bổ sung Điều 80 như sau:
“1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quản lý hoạt động thương mại điện tử tại Nghị định này;
b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong bảo vệ an ninh mạng đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài. Kiến nghị Bộ Công an xử lý theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm về an ninh mạng trong thương mại điện tử;
c) Tổ chức thông tin, phổ biến, truyền thông về pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại điện tử;
d) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động thương mại điện tử.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Công Thương cung cấp thông tin về quản lý Internet đối với các website có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam;
b) Phối hợp với Bộ Công Thương thu hồi tên miền “.vn” và thực thi các biện pháp xử lý vi phạm đối với website thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn thương nhân, tổ chức tham gia hoạt động thương mại điện tử khai và nộp thuế theo quy định;
b) Phối hợp cung cấp thông tin, chia sẻ cơ sở dữ liệu với Bộ Công Thương về số lượng đơn hàng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công Thương về các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có vốn đầu tư nước ngoài.
5. Bộ Công An, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
a) Chủ trì bảo vệ an ninh mạng đối với hoạt động thương mại điện tử; phối hợp với Bộ Công Thương cung cấp thông tin về các hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm mạng trong thương mại điện tử;
b) Phối hợp thẩm định về an ninh quốc gia trong điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử khi có yêu cầu từ Bộ Công Thương.
6. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 2. Bãi bỏ
Bãi bỏ khoản 2 Điều 2, khoản 4 Điều 25, điểm c khoản 3 Điều 26, khoản 2 Điều 44, Điều 62 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ......tháng...... năm 2021.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP ; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; -Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN,Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KTTH (3b). xh 300 | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!