Dự thảo Nghị định về cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại lần 2
Lĩnh vực: Thương mại-Quảng cáo, Hình sự
Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công an
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đối với pháp nhân thương mại chấp hành án và bảo đảm thi hành Quyết định cưỡng chế.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ
------

Số:        /2019/NĐ-CP 

 

DỰ THẢO 2

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

----------------
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày     tháng     năm 2019

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết về cưỡng chế thi hành án đối với

pháp nhân thương mại

---------------

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đối với pháp nhân thương mại chấp hành án và bảo đảm thi hành Quyết định cưỡng chế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền), cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có Quyết định cưỡng chế bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

2. Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại, nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành Quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.

3. Pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế trong cùng một thời điểm.

4. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại trong cưỡng chế thi hành án.

5. Chi phí cho hoạt động cưỡng chế do pháp nhân thương mại bị cưỡng chế chi trả.

Điều 4. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với pháp nhân thương mại gồm:

1. Phong tỏa tài khoản (phong tỏa tài khoản tiền, phong tỏa tài khoản chứng khoán);

2. Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi cưỡng chế biện pháp tư pháp để bán đấu giá (Kê biên tài sản);

3. Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại.

Điều 5. Lập biên bản việc chấp hành án trên thực tế của pháp nhân thương mại

Trong quá trình kiểm tra, giám sát chấp hành án của pháp nhân thương mại phát hiện pháp nhân thương mại không chấp hành án hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại lập biên bản về việc không chấp hành án hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đối với pháp nhân thương mại với sự chứng kiến của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại và đại diện chính quyền địa phương. Biên bản được lập theo quy định tại Điều này là một trong những căn cứ để cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định cưỡng chế.

Điều 6. Gửi Quyết định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

1. Ngay sau khi ra Quyết định cưỡng chế thì Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền phải gửi Quyết định cưỡng chế cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, pháp nhân thương mại, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp thi hành biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 2 và 3 Điều 4 Nghị định này thì Quyết định cưỡng chế phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế trước khi thi hành để phối hợp thực hiện.

2. Quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp cho pháp nhân thương mại bị cưỡng chế biết.

Điều 7. Triệu tập, thông báo việc thi hành Quyết định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

1. Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại chấp hành án và mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại đến trụ sở để thông báo Quyết định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

2. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại được triệu tập hợp lệ không có mặt theo giấy triệu tập thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền lập biên bản về việc vắng mặt, có chứng kiến và xác nhận của đại diện cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và được coi là đã được giao Quyết định cưỡng chế.

Điều 8. Trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế

1. Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế.

2. Cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp theo yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền để tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế. Công bố ngay trên cổng thông tin, trang điện tử của cơ quan mình các quyết định được cơ quan thi hành án có thẩm quyền ban hành trong quá trình thi hành án khi nhận được.

3. Cơ quan quản lý Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có trách nhiệm đăng các quyết định được cơ quan thi hành án có thẩm quyền ban hành trong quá trình cưỡng chế thi hành án lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi nhận được.

 

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN CƯỠNG CHẾ

 

Mục 1

PHONG TỎA TÀI KHOẢN

 

Điều 9. Căn cứ ra Quyết định phong tỏa tài khoản

Việc ra Quyết định phong tỏa tài khoản căn cứ vào:

1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

3. Pháp nhân thương mại chấp hành án có tài khoản tại các tổ chức tín dụng, công ty chứng chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi là tài khoản).

Điều 10. Trường hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản

Biện pháp phong tỏa tài khoản được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt đình chỉ toàn bộ hoạt động có thời hạn.

2. Thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động (trong trường hợp cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong tất cả các lĩnh vực); cấm huy động vốn.

3. Thi hành cưỡng chế chấp hành biện pháp tư pháp.

Điều 11. Xác minh thông tin về tài khoản của pháp nhân thương mại

1. Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định phong tỏa tài khoản có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, công tý chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cung cấp thông tin về tài khoản của pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật. Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền được cung cấp thông tin có trách nhiệm bảo mật những thông tin được cung cấp.

2. Pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định phong tỏa tài khoản về tên tổ chức tín dụng, tên công ty chứng khoán nơi mở tài khoản, số tài khoản của pháp nhân thương mại tại tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán khi có yêu cầu.

Điều 12. Ra Quyết định và gửi Quyết định phong tỏa tài khoản

1. Sau khi lập biên bản quy định tại Điều 5 và căn cứ vào Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Nghị định này thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định phong tỏa tài khoản.

2. Quyết định phong tỏa tài khoản bao gồm những nội dung sau: số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị người ra quyết định; tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp, mã số thuế của pháp nhân thương mại bị phong tỏa tài khoản; số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa, tên tài khoản bị phong tỏa, phạm vi phong tỏa, số tiền phong tỏa (đối với tài khoản là tiền tại các tổ chức tín dụng), số chứng khoán phong tỏa (đối với tài khoản chứng khoán tại công tuy chứng khoán), thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa, trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và các thông tin khác (nếu có); chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

3. Việc gửi Quyết định phong tỏa tài khoản thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam nơi pháp nhân thương mại có tài khoản

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được Quyết định phong tỏa tài khoản của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền thì Tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam nơi pháp nhân thương mại có tài khoản có trách nhiệm thực hiện việc phong tỏa tài khoản theo Quyết định phong tỏa tài khoản (Công ty chứng khoán thực hiện phong tỏa tiền trên tài khoản chứng khoán mở tại công ty chứng khoán; Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa tài khoản chứng khoán trên tài khoản chứng khoán).

 2. Tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho pháp nhân thương mại là chủ tài khoản bị phong tỏa về việc phong tỏa tài khoản và thông báo bằng văn bản kết quả thực hiện cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Điều 14. Khấu trừ tiền trong tài khoản; xử lý cổ phiếu trong tài khoản chứng khoán

1. Cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại để bảo đảm việc thi hành biện pháp tư pháp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự.

2. Số tiền khấu trừ không được vượt quá chi phí để bảo đảm việc thi hành biện pháp tư pháp trên thực tế.

3. Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp thì tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại, công ty chứng khoán nơi pháp nhân thương mại mở tài khoản chứng khoán phải khấu trừ tiền (đối với tổ chức tính dụng) hoặc tiền trong tài khoản chứng khoán (đối với công ty chứng khoán) và chuyển cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền để tổ chức cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp.

4. Để đảm bảo thi hành biện pháp tư pháp trong trường hợp pháp nhân thương mại có cổ phiếu trong tài khoản chứng khoán thì thực hiện kê biên bán đấu giá theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 15. Hủy Quyết định phong tỏa tài khoản

1. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi pháp nhân thương mại chấp hành xong bản án, quyết định của tòa án hoặc ngay sau khi cơ quan, tổ chức đã thực hiện xong yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền đã ra Quyết định phong tỏa tài khoản có trách nhiệm hủy Quyết định phong tỏa tài khoản.

2. Sau khi ra Quyết định hủy Quyết định phong tỏa tài khoản thì cơ quan thi hành án hình sự phải gửi cho tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại để thi hành Quyết định hủy phong tỏa tài khoản hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam để thi hành Quyết định hủy phong tỏa tài khoản chứng khoán.

3. Tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại hoặc Trung tập lưu ký chứng khoán thực hiện hủy phong tỏa tài khoản ngay khi nhận được Quyết định hủy phong tỏa tài khoản và thông báo bằng văn bản việc hủy Quyết định phong tỏa tài khoản cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền và pháp nhân thương mại đang chấp hành án, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại trong thời hạn 03 ngày làm việc.

 

Mục 2

KÊ BIÊN TÀI SẢN

 

Điều 16. Căn cứ ra Quyết định kê biên tài sản

Việc ra Quyết định kê biên tài sản căn cứ vào:

1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực  pháp luật.

2. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

3. Pháp nhân thương mại chấp hành án không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để bảo đảm việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp.

4. Pháp nhân thương mại có tài khoản chứng khoán tại công ty chứng chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Điều 17. Trường hợp áp dụng biện pháp kê biên tài sản

1.  Biện pháp kê biên tài sản được áp dụng để bảo đảm việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự.

2. Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền bảo đảm cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

Điều 18. Xác minh thông tin về tài sản của pháp nhân thương mại

1. Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh thông tin về tài sản của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

Điều 19. Tài sản không được kê biên

1. Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.

2. Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động.

3. Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh.

4. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Điều 20. Ra Quyết định và gửi Quyết định kê biên tài sản

1. Sau khi lập biên bản theo quy định tại Điều 5 và căn cứ vào Điều 15, Điều 17, Điều 18, Điều 19 của Nghị định này thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định kê biên tài sản.

2. Quyết định kê biên tài sản bao gồm những nội dung sau: số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị người ra quyết định; tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp, mã số thuế của pháp nhân thương mại bị kê biên tài sản; số tiền, tài sản cần kê biên; địa điểm kê biên; chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

3. Việc gửi Quyết định kê biên tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Điều 21. Tổ chức thi hành cưỡng chế kê biên tài sản

1. Việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ trừ các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

2. Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì thực hiện việc kê biên tài sản.

3. Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, cá nhân có tài sản bị kê biên, đại diện chính quyền địa phương nơi có tài sản bị kê biên và người chứng kiến. Trường hợp được triệu tập, thông báo hợp lệ nhưng người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, cá nhân có tài sản kê biên vắng mặt thì vẫn tiến hành kê biên tài sản và lập biên bản về việc vắng mặt, có chứng kiến và xác nhận của đại diện cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại.

4. Chỉ được kê biên tài sản của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế tương ứng với số tiền để thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

5. Chỉ kê biên những tài sản của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đồng sở hữu với người khác nếu không đủ để thi hành Quyết định kê biên tài sản. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Điều 22. Biên bản kê biên tài sản

1. Việc kê biên tài sản phải được lập biên bản. Trong biên bản ghi rõ: Thời gian, địa điểm tiến hành kê biên tài sản; cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì thực hiện việc kê biên tài sản; người đại diện cho pháp nhân thương mại bị kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương nơi có tài sản bị kê biên; mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm từng tài sản bị kê biên.

2. Đại diện cơ quan thi hành án hình sự, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp của họ, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

3. Biên bản kê biên được lập thành 02 bản, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định cưỡng chế giữ 01 bản, 01 bản giao cho đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại sau khi hoàn thành việc lập biên bản.

Điều 23. Giao bảo quản tài sản kê biên

1. Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền thực hiện kê biên lựa chọn một trong các hình thức sau đây để bảo quản tài sản kê biên:

a) Giao cho pháp nhân thương mại hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó bảo quản;

b) Giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản.

2. Đối với tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ thì tạm giao cho Kho bạc Nhà nước quản lý; đối với các tài sản như vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm thì tạm giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý.

3. Khi giao bảo quản tài sản kê biên, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền phải lập biên bản. Trong biên bản ghi rõ: Thời gian bàn giao bảo quản; đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế, người được giao bảo quản tài sản, người chứng kiến việc bàn giao; số lượng, tình trạng (chất lượng) tài sản; quyền và nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản.

Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, người được giao bảo quản tài sản, đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế, người chứng kiến ký tên vào biên bản. Biên bản có nhiều tờ thì phải ký vào từng tờ biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Biên bản được giao cho người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế, người chứng kiến và người chủ trì thực hiện kê biên mỗi người giữ 01 bản.

4. Người được giao bảo quản tài sản được thanh toán chi phí thực tế, hợp lý để bảo quản tài sản, trừ những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

5. Người được giao bảo quản tài sản gây hư hỏng, đánh tráo, làm mất hoặc hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Định giá tài sản kê biên

1. Việc định giá tài sản đã kê biên được tiến hành tại trụ sở của pháp nhân thương mại bị kê biên hoặc nơi lưu giữ tài sản bị kê biên, trừ trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá tài sản.

2. Tài sản đã kê biên được định giá theo sự thỏa thuận giữa cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền với đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung. Thời hạn để các bên thỏa thuận về giá không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá thì trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản. Hội đồng định giá tài sản gồm có Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng định giá tài sản phải tiến hành việc định giá. Việc định giá tài sản dựa trên giá thị trường tại thời điểm định giá. Đối với tài sản mà Nhà nước thống nhất quản lý giá thì việc định giá dựa trên cơ sở giá tài sản do Nhà nước quy định.

3. Việc định giá tài sản phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm, phương pháp tiến hành định giá, thành phần những người tham gia định giá, tên và trị giá tài sản đã được định giá, chữ ký của các thành viên tham gia định giá và người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại.

Điều 25. Chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá

1. Đối với tài sản bị kê biên để bán đấu giá, giá khởi điểm được xác định theo quy định tại Điều 24 Nghị định này. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra Quyết định cưỡng chế ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản bị kê biên để bán đấu giá; trường hợp không ký được hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thì thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản.

Việc bán đấu giá tài sản bị kê biên được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

2. Sau khi đã ký hợp đồng bán đấu giá tài sản, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền tiến hành chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá. Việc chuyển giao phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ: Thời gian bàn giao; người bàn giao, người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tài sản. Hồ sơ bàn giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: Quyết định kê biên tài sản; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tài sản và biên bản bàn giao tài sản đó.

3. Trong trường hợp tài sản kê biên là hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá không có nơi cất giữ tài sản thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tài sản đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng bảo quản được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tài sản thu được sau khi bán đấu giá.

4. Đối với tài sản thuộc sở hữu chung, khi bán đấu giá thì ưu tiên bán cho người đồng sở hữu trước.

5. Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền để bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc cưỡng chế thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày bán đấu giá, cơ quan thi hành biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản bán đấu giá làm thủ tục trả lại phần chênh lệch cho pháp nhân thương mại bị cưỡng chế và được lập thành biên bản giao nhận.

Điều 26. Chuyển giao quyền sở hữu tài sản

1. Người mua tài sản kê biên được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu gồm có:

a) Bản sao Quyết định kê biên tài sản;

b) Biên bản bán đấu giá tài sản;

c) Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản (nếu có).

 

Mục 3

TẠM GIỮ TÀI LIỆU, CHỨNG TỪ, THIẾT BỊ CHỨA DỮ LIỆU ĐIỆN TỬ, CON DẤU CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

 

Điều 27. Căn cứ ra Quyết định tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại

Việc ra Quyết định tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu căn cứ vào:

1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực  pháp luật;

2. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Điều 28. Trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu

Biện pháp tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại được áp dụng trong thi hành cưỡng chế việc chấp hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn.

Điều 29. Ra Quyết định và gửi Quyết định tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại

1. Sau khi lập biên bản theo quy định tại Điều 5 và căn cứ vào Điều 27, Điều 28 của Nghị định này thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định kê biên tài sản.

2. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại bao gồm những nội dung sau: số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị người ra quyết định; tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp, mã số thuế của pháp nhân thương mại; tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại bị tạm giữ; địa điểm tạm giữ; chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

3. Việc gửi Quyết định tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con cấu của pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Điều 30. Tổ chức thi hành cưỡng chế tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại

1. Chuẩn bị thực hiện tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại

a) Tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại trước khi được tạm giữ cần phải được tiến hành niêm phong;

b) Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì tổ chức thực hiện việc niêm phong tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại thông báo cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại và mời đại diện chính quyền địa phương nơi tổ chức niêm phong chứng kiến.

c) Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì tổ chức thực hiện niêm phong để tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại phải chỉ đạo chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện cần thiết để phục vụ cho việc niêm phong.

2. Thực hiện niêm phong để tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại

a) Kiểm tra để mô tả cụ thể, đầy đủ, chính xác thực trạng tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại vào biên bản niêm phong;

b) Đóng gói hoặc đóng kín tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại cần niêm phong;

c) Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền thực hiện niêm phong phải thông báo cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại và đại diện chính quyền địa phương nơi tổ chức niêm phong phải ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên người điểm chỉ) vào giấy niêm phong (viết hoặc điểm chỉ bằng mực khó phai).

d) Dán giấy niêm phong

Đối với tài liệu, chứng từ giấy niêm phong phải dán đè lên những phần có thể mở được để lấy tài liệu, chứng từ hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của tài liệu, chứng từ.

Đối với thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại giấy niêm phong, tạm giữ phải dán đè lên những phần quan trọng có tính xác định nguồn gốc, xuất xứ.

Tùy từng trường hợp cụ thể, phải có hình thức bảo vệ giấy niêm phong, tạm giữ cho phù hợp với điều kiện vận chuyển và bảo quản.

đ) Kết thúc niêm phong, tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại

Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền lập biên bản niêm phong và tạm giữ. Biên bản phải mô tả đúng số lượng, đặc điểm, thực trạng của tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại trước và sau khi niêm phong, có đầy đủ chữ ký, họ tên hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên người điểm chỉ) của người tổ chức thực hiện, tham gia niêm phong, tạm giữ theo quy định của pháp luật và Nghị định này. Biên bản được lập, đưa vào hồ sơ thi hành án và giao 01 bản cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại không ký vào biên bản, giấy niêm phong, tạm giữ, thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền phải lập biên bản ghi rõ lý do với sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương nơi thực hiện niêm phong, tạm giữ.

Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại bị niêm phong, tạm giữ đã được thông báo nhưng không có mặt hoặc không đến, không có lý do chính đáng, thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền tổ chức thực hiện niêm phong, tạm giữ.

3. Tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại bị niêm phong, tạm giữ được lưu giữ tại cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền và phải đảm bảo tính nguyên vẹn trong suốt quá trình tạm giữ.

Điều 31. Huỷ Quyết định tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại

1. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi pháp nhân thương mại chấp hành xong bản án, quyết định của tòa án, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền đã ra Quyết định tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại phải ra Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm giữ, trừ trường hợp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại thi hành án đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Quyết định này phải được gửi cho người đại điện theo pháp luật của pháp nhân thương mại có tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu bị tạm giữ và gửi cho pháp nhân thương mại đó. Việc thực hiện mở niêm phong, tạm giữ thực hiện theo Điều 32 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi ra Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền có trách nhiệm bàn giao tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại đã bị tạm giữ.

Điều 32. Trình tự, thủ tục mở niêm phong để bàn giao tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại

1. Chuẩn bị mở niêm phong, tạm giữ

Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì tổ chức thực hiện mở niêm phong phải thông báo cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại và đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại và đại diện chính quyền địa phương nơi tổ chức niêm phong.

2. Thực hiện mở niêm phong

a) Kiểm tra niêm phong của tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại trước khi mở niêm phong;

b) Gỡ giấy niêm phong và mở đóng gói hoặc đóng kín tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại được đóng gói hoặc được đóng kín.

Gỡ giấy niêm phong đối với tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại không được đóng gói hoặc không được đóng kín;

c) Kiểm tra tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại sau khi mở niêm phong.

3. Kết thúc mở niêm phong

Khi kết thúc mở niêm phong phải lập biên bản; biên bản phải được mô tả đúng tình trạng niêm phong trước khi mở, thực trạng của tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại sau khi mở niêm phong và có đầy đủ chữ ký, họ tên hoặc điểm chỉ (kèm theo chú thích họ tên của người điểm chỉ) của người trực tiếp chủ trì, người tham gia mở niêm phong theo quy định của pháp luật và Nghị định này. Biên bản do cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền thực hiện mở niêm phong lập và giao 01 bản cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, 01 bản giao đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan.

Trường hợp kiểm tra niêm phong không còn nguyên vẹn, phải lập biên bản về tình trạng niêm phong của tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại, thực trạng của các tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Sau khi kết thúc mở niêm phong thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền phải bàn giao các tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại. Việc bàn giao phải được lập biên bản có đầy đủ chữ ký, họ tên hoặc điểm chỉ (kèm theo chú thích họ tên của người điểm chỉ) của người trực tiếp chủ trì, người tham gia mở niêm phong theo quy định của pháp luật và Nghị định này.

 

Chương III

BẢO ĐẢM THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ VÀ CHI PHÍ CƯỠNG CHẾ

 

Điều 33. Các biện pháp bảo đảm thi hành Quyết định cưỡng chế

1. Khi có Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, nếu có dấu hiệu cho thấy pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi tẩu tán hoặc làm hư hại tài sản thì người đã ra Quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương nơi pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đóng trụ sở thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

2. Trường hợp pháp nhân thương mại bị cưỡng chế có hành vi chống đối không thực hiện Quyết định cưỡng chế thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền có quyền huy động lực lượng, phương tiện để bảo đảm thi hành cưỡng chế.

Điều 34. Chuyển việc thi hành Quyết định cưỡng chế để bảo đảm thi hành

1. Trường hợp pháp nhân thương mại bị cưỡng chế ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng đóng trụ sở ở địa bàn cấp tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành Quyết định cưỡng chế tại nơi thực hiện hành vi vi phạm thì Quyết định cưỡng chế được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp nơi pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

2. Cơ quan chuyển việc thi hành cưỡng chế có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan cùng cấp ở địa phương nơi pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo chuyển và hồ sơ vụ việc, cơ quan cùng cấp ở địa phương nơi pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đóng trụ sở có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và thông báo kết quả cho cơ quan đã chuyển.

Điều 35. Xác định chi phí cưỡng chế

1. Chi phí cưỡng chế được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình thi hành Quyết định cưỡng chế phù hợp với giá cả ở từng địa phương.

2. Chi phí cưỡng chế bao gồm:

a) Chi phí huy động người thực hiện Quyết định cưỡng chế;

b) Chi phí thù lao cho các chuyên gia định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản;

c) Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản;

d) Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên;

đ) Chi phí thực tế khác (nếu có).

Điều 36. Tạm ứng, hoàn trả và thanh toán chi phí cưỡng chế

1. Chi phí cưỡng chế được tạm ứng từ ngân sách nhà nước và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế.

2. Pháp nhân thương mại bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho các hoạt động cưỡng chế.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 37. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Điều 38. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

  Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, ….
(3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG









Nguyễn Xuân Phúc

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY