BỘ TÀI CHÍNH --------------- Số: 3847/BTC-QLG V/v: Tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2013 |
Kính gửi: Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành giá xăng dầu; đồng thời qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước; Liên Bộ Tài chính - Công thương đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước kể từ 20 giờ 00 ngày 28/3/2013 như sau:
- Xăng tăng tối đa 1.430 đồng/lít;
- Điêzen tăng tối đa 362 đồng/lít;
- Dầu hỏa tăng tối đa 480 đồng/lít;
- Madut tăng tối đa 807 đồng/kg.
Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá dây chuyền, tăng giá không phù hợp với tỷ lệ tác động của giá xăng dầu vào giá thành sản phẩm hàng hoá, Bộ Tài chính đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn, cụ thể như sau:
1. Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa, gas, cước vận tải… và kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
2. Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều nhiên liệu từ xăng dầu phấn đấu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động... để giảm giá thành, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đến giá bán sản phẩm.
3. Thực hiện giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá không do tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu, tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua; kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; sản phẩm, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và không vượt dự toán đã được giao.
4. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trước hết là đối với những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, gas…; xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá đối với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu và các trường hợp vi phạm quy định hiện hành về quản lý giá, quản lý thị trường khác theo quy định tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và quy định của pháp luật có liên quan.
5. Thực hiện chế độ báo cáo giá cả thị trường định kỳ và đột xuất theo quy định; có văn bản báo cáo cụ thể về tình hình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ nêu tại khoản 3 và khoản 4 công văn này về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) trước ngày 05/4/2013 để tổng hợp báo cáo Bộ./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Lãnh đạo Bộ (để báo cáo); - Bộ Công Thương (Vụ TTTN, Cục QLTT); - Bộ Giao thông Vận tải; - Sở Tài chính, Chi cục QLTT các địa phương; - Các phương tiện thông tin đại chúng; - Thanh tra Bộ Tài chính; - Lưu : VT, QLG. | TL. BỘ TRƯỞNG KT. CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ GIÁ PHÓ CỤC TRƯỞNG (đã ký) Nguyễn Anh Tuấn |