Việc mua hàng online và thanh toán trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Vậy chức năng thanh toán trực tuyến trong công ty cổ phần được quy định thế nào?
1. Thanh toán trực tuyến là gì?
Thanh toán trực tuyến là dịch vụ thanh toán được thực hiện khi có internet thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, smartphone. Khi đó, với một số tiền có sẵn trong tài khoản, người dùng có thể dễ dàng gửi tới người nhận mà không cần sử dụng tiền mặt.
Chức năng thanh toán trực tuyến có thể áp dụng cho app/website bán hàng và app/website cung cấp dịch vụ TMĐT (Ví dụ: sàn giao dịch TMĐT).
2. Lợi ích của thanh toán trực tuyến
- Nhanh chóng, tiện lợi: chỉ cần một chiếc máy tính hoặc smartphone được kết nối Internet, mọi giao dịch đều có thể thanh toán 24/7.
- Tiết kiệm chi phí và thời gian: Thay vì mất thời gian chạy ra ngân hàng, cây ATM để thực hiện giao dịch, rút tiền…thì ở bất kì đâu cũng có thể thao tác được. Hơn nữa, khi thanh toán trực tuyến thì có thể sử dụng nhiều gói khuyến mãi, giảm giá.
- Thanh toán linh hoạt: có thể thông qua tài khoản nội địa, ví điện tử, thẻ quốc tế…
3. Yêu cầu với chức năng thanh toán trực tuyến trong công ty cổ phần
Doanh nghiệp có thể tự thiết lập công cụ thanh toán trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán từ thương nhân, tổ chức khác. Tuy nhiên, khi thiết lập chức năng thanh toán trực tuyến, theo Khoản 2 Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, công ty cổ phần phải cung cấp cho khách hàng cơ chế rà soát và xác nhận thông tin chi tiết về từng giao dịch trước khi tiến hành thanh toán.
Ngoài điều kiện nêu trên, đối với mỗi phương thức thanh toán, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo được những yêu cầu sau:
3.1 Đối với công cụ thanh toán trực tuyến
Theo Khoản 2 Điều 74 Nghị định 52/2013/NĐ-CP:
- Hệ thống thanh toán online phải đảm bảo kết nối 24/7. Nếu tạm dừng để bảo trì hệ thống thì thời gian dừng không được quá 12 giờ cho mỗi lần bảo trì và phải thông báo trước cho toàn bộ khách hàng;
- Tiến hành mã hóa và sử dụng các giao thức bảo mật phù hợp để đảm bảo không lộ thông tin khách hàng;
- Có các phương án kiểm soát quyền truy nhập hệ thống, quyền ra - vào nơi đặt thiết bị phục vụ hoạt động thanh toán online;
- Triển khai các ứng dụng phát hiện, ngăn chặn các truy nhập bất hợp pháp và tấn công trên môi trường mạng;
- Khi hệ thống thanh toán gặp sự cố, phải có quy trình, hệ thống sao lưu và phục hồi toàn bộ dữ liệu;
- Lưu dữ liệu về từng giao dịch thanh toán trong vòng 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm hoặc kết thúc công việc kế toán;
- Khi khách hàng lựa chọn thanh toán trước khi nhận hàng hóa và dịch vụ, số tiền thanh toán phải được giữ tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; đồng thời phải cung cấp cho khách hàng công cụ theo dõi số dư thanh toán của mình trên hệ thống;
- Ngoài ra, đối với website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến, công ty cổ phần phải công bố chính sách bảo mật thông tin thanh toán.
3.2 Đối với dịch vụ trung gian thanh toán
Theo Điều 75 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán phục vụ hoạt động TMĐT cần phải:
- Tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về dịch vụ trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
- Lưu trữ dữ liệu về từng giao dịch thanh toán thực hiện qua hệ thống của mình theo thời hạn quy định tại Luật kế toán.
- Liên đới chịu trách nhiệm với doanh nghiệp sở hữu website TMĐT sử dụng dịch vụ của mình trong trường hợp thông tin thanh toán của khách hàng bị lộ, sao chép, thay đổi, xóa, hủy, di chuyển trái phép hoặc bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng.
- Trước ngày 15/01 hàng năm, báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử.
4. Lưu ý khi thiết lập chức năng thanh toán trực tuyến
- Nếu thông tin thanh toán của khách hàng qua website thương mại điện tử bị thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, di chuyển trái phép hoặc bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng thì doanh nghiệp có trách nhiệm đền bù cho khách hàng đó.
- Doanh nghiệp sở hữu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến phải đảm bảo an toàn, bảo mật giao dịch thanh toán của khách hàng, xử lý khiếu nại và đền bù thiệt hại trong trường hợp thông tin thanh toán của khách hàng qua website thương mại điện tử bị thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, di chuyển trái phép hoặc bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng. (Khoản 1 Điều 74 Nghị định 52/2013).
Trên đây là nội dung cơ bản về chức năng thanh toán trực tuyến trong công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam để được tư vấn và hỗ trợ các vấn đề về doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.