Dự thảo Thông tư về kinh phí bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Thuế-Phí-Lệ phí, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Tài chính |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí chi thường xuyên các hoạt động kinh tế thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều, áp dụng với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều.Tải Thông tư
BỘ TÀI CHÍNH ------ Số: /2020/TT-BTC DỰ THẢO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------- Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
THÔNG TƯ
Quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán
kinh phí chi thường xuyên các hoạt động kinh tế thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều
-------------------
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên các hoạt động kinh tế thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều;
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí chi thường xuyên các hoạt động kinh tế thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều (sau đây viết tắt là kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều).
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều.
Điều 2. Nguồn kinh phí
1. Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí chi thường xuyên các hoạt động kinh tế để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều đối với các tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III (gọi chung là từ cấp III đến cấp đặc biệt); hỗ trợ sửa chữa đột xuất khắc phục sự cố đê điều đối với đê cấp IV và cấp V.
2. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí chi thường xuyên các hoạt động kinh tế để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều đối với các tuyến đê cấp IV và cấp V; tham gia bảo đảm duy tu, bảo dưỡng các tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III.
3. Đối với đê chuyên dùng của các ngành, các cơ sở; kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều do các chủ công trình bảo đảm.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí
1. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí chi thường xuyên các hoạt động kinh tế để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều phải theo đúng nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng kinh phí đúng chế độ, tiết kiệm và có hiệu quả; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh quyết toán kinh phí đã sử dụng, chế độ công khai ngân sách theo quy định hiện hành.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn làm căn cứ xác định khối lượng công việc và dự toán kinh phí; hướng dẫn, kiểm tra triển khai kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều, cụ thể:
a) Định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ duy tu, bảo dưỡng đê điều;
b) Tiêu chí phân biệt giữa hoạt động duy tu bảo dưỡng thường xuyên đê điều và hoạt động xử lý cấp bách sự cố đê điều;
c) Quy trình lập và thực hiện kế hoạch thường xuyên duy tu bảo dưỡng đê điều hàng năm; quy trình thực hiện yêu cầu xử lý cấp bách sự cố đê điều.
Chương II
QUY ĐỊNH NỘI DUNG CHI, MỨC CHI
Điều 4. Nội dung chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều từ nguồn ngân sách trung ương
1. Nội dung chi duy tu, bảo dưỡng đê điều
a) Chi sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê;
b) Chi sửa chữa gia cố đường gom, đường hành lang chân đê, dốc lên xuống đê trong phạm vi bảo vệ đê điều;
c) Chi sửa chữa và trồng cỏ mái đê, cơ đê, chân đê, mái kè;
d) Đắp đất, trồng cây chắn sóng;
đ) Chi khảo sát, phát hiện và xử lý mối và các ẩn hoạ trong thân đê; khoan phụt vữa gia cố chất lượng thân đê;
e) Chi kiểm tra đánh giá chất lượng cống dưới đê; xử lý các hư hỏng nhỏ; nạo vét thượng, hạ lưu của cống dưới đê;
g) Chi kiểm tra hiện trạng kè bảo vệ đê; chi tu sửa các hư hỏng nhỏ của kè;
h) Bổ sung, sửa chữa các công trình phục vụ việc quản lý, bảo vệ đê điều: Cột mốc trên đê; cột chỉ giới, cột thuỷ chí; biển báo đê; trạm và thiết bị quan trắc; kho, bãi chứa vật tư dự phòng bão lũ;
i) Sửa chữa các công trình phục vụ việc quản lý, bảo vệ đê điều: Công trình phân lũ, làm chậm lũ; công trình tràn sự cố; giếng giảm áp; điếm canh đê;
k) Bổ sung, bảo dưỡng, thu gom vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão liên quan đến đê điều thuộc nhiệm vụ của Trung ương;
l) Chi khảo sát địa hình, địa chất, khảo sát mặt cắt cố định ngang sông định kỳ, đo đạc sơ hoạ diễn biến lòng dẫn; đo đạc diễn biến bãi biển trước đê; bổ sung cơ sở dữ liệu về đê điều phục vụ công tác quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão;
m) Các công việc khác có liên quan trực tiếp tới công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều và được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
2. Chi xử lý cấp bách sự cố đê điều. Nội dung chi thực hiện theo nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này; quy trình thực hiện nhiệm vụ chi thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy địnhtại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này
Điều 5. Nội dung chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều từ nguồn ngân sách địa phương
Căn cứ nội dung chi duy tu, bảo dưỡng đê điều quy định tại Điều 4 của Thông tư này và quy định bổ sung của địa phương (nếu có); tình hình hệ thống đê điều do địa phương quản lý, khả năng kinh phí và hiện trạng đê điều của địa phương; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội dung chi duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều do địa phương quản lý cho phù hợp, bảo đảm an toàn tuyến đê do địa phương quản lý.
Điều 6. Mức chi
Mức chi thực hiện các nội dung duy tu, bảo dưỡng đê điều theo định mức, đơn giá, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Chương III
LẬP, PHÂN BỔ, CHẤP HÀNH DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN
Điều 7. Lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương
Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung như sau:
1. Lập dự toán: Hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của các cấp có thẩm quyền, căn cứ vào tình trạng tuyến đê được uỷ quyền quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, nội dung chi quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này, mức chi được cấp có thẩm quyền ban hành, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt lập dự toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều từ nguồn ngân sách trung ương (chi tiết theo nội dung chi) gửi cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước của Bộ, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định.
2. Phân bổ và giao dự toán
a) Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao; căn cứ kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ dự toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều theo nội dung chi quy định tại Điều 4 của Thông tư này; chi tiết tên công trình, dự toán được phê duyệt theo từng tuyến đê, khối lượng và kinh phí; gồm: Dự toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều đối với các tuyến đê cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt ủy quyền cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện; dự toán kinh phí cho các nội dung do cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp thực hiện.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao dự toán chi ngân sách cho cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt được ủy quyền thực hiện; đồng thời gửi Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện.
Đối với dự toán kinh phí để dành xử lý cấp bách sự cố đê điều phát sinh trong năm được phân bổ cho cơ quan chuyên môn quản lý đê điều thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tối đã không vượt quá 10% tổng số dự toán được giao trong năm. Phần kinh phí này chỉ được thực hiện khi có phát sinh thực tế. Nội dung chi, quy trình quản lý chi đối với kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này và quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này.
b) Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra phân bổ dự toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định.
c) Đối với kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều
Trong năm, trường hợp phát hiện sự cố gây mất an toàn hệ thống đê điều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, lập phương án sửa chữa báo cáo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt khối lượng và dự toán để thực hiện. Trường hợp phát hiện sự cố trong khi đang có bão, lũ, phải sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn hệ thống đê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh triển khai các biện pháp ứng cứu kịp thời, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt.
Căn cứ kết quả xét duyệt kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều cho địa phương (chi tiết theo công trình) trong phạm vi dự toán đã giao quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, cụ thể: điều chỉnh giảm dự toán đã giao cho cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tương ứng với số kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều ở địa phương đã được phê duyệt, trong phạm vi tổng mức kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều đã giao cho cơ quan chuyên môn thuộc Bộ. Kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều được điều được điều chỉnh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều phát sinh trong năm và kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều đã thực hiện năm trước nhưng chưa được thanh toán.
Sau khi thực hiện điều chỉnh dự toán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Tài chính để kiểm tra điều chỉnh dự toán, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện.
Bộ Tài chính kiểm tra điều chỉnh dự toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định.Thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành.
3. Thực hiện dự toán chi ngân sách
a) Căn cứ dự toán chi ngân sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
b) Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước, Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
4. Kinh phí chuyển sang năm sau
Việc xử lý số dư cuối năm kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Quyết toán
a) Báo cáo quyết toán
Các đơn vị được giao dự toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều phải thực hiện công tác khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán. Trình tự lập, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và trách nhiệm xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành. Báo cáo quyết toán kèm theo danh mục công trình đã được giao kế hoạch trong năm thực hiện, quyết toán chi tiết theo từng nội dung chi được ủy quyền theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
b) Xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán
Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều hàng năm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm. Thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung như sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán năm kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều (bao gồm cả kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều, nếu có) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao theo quy định; kèm theo danh mục công trình đã được giao kế hoạch trong năm thực hiện, quyết toán chi tiết theo từng nội dung chi được ủy quyền theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này, báo cáo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xét duyệt quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện và thông báo kết quả xét duyệt; xét duyệt quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều do cơ quan chuyên môn thực hiện; tổng hợp chung vào quyết toán chi ngân sách năm của cơ quan, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thẩm định quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều do cơ quan chuyên môn được ủy quyền quyết toán (bao gồm kinh phí do cơ quan chuyên môn thực hiện và kinh phí do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện); tổng hợp trong quyết toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi Bộ Tài chính thẩm định theo quy định.
Đối với các công trình, hạng mục, gói thầu công trình độc lập sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, ngoài việc thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định trên, phải thực hiện quyết toán theo quy định tại Thông tư số 64/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
Điều 8. Lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố cấp bách đê điều từ nguồn ngân sách địa phương
1. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện phân cấp công tác quản lý duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều đối với cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho phù hợp.
2. Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố cấp bách đê điều từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
a) Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều cho phù hợp với đặc thù của địa phương.
b) Việc rút dự toán, thanh toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều thực hiện theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước, Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
c) Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều hàng năm theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm.
Đối với các công trình, hạng mục, gói thầu công trình độc lập sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, ngoài việc thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định trên, phải thực hiện quyết toán theo quy định tại Thông tư số 64/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
3. Đối với kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê do địa phương quản lý: Trong năm trường hợp phát hiện sự cố đê điều, đe doạ đến sự an toàn của đê dưới cấp III, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn của hệ thống đê điều do địa phương quản lý từ nguồn ngân sách địa phương.
Điều 9. Công tác kiểm tra
1. Để đảm bảo việc sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều đúng mục đích, có hiệu quả; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan có liên quan ở địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng thanh toán, quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều tại các đơn vị.
2. Các khoản chi duy tu, bảo dưỡng đê điều vượt định mức, chi không đúng chế độ, chi sai nội dung quy định tại Thông tư này, đều phải xuất toán thu hồi nộp ngân sách nhà nước; đồng thời người nào quyết định chi sai người đó phải bồi hoàn cho công quỹ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2020 và áp dụng từ năm ngân sách 2020.
2. Thông tư liên tịch số 48/2009/TTLT-BTC-BNN ngày 12 tháng 3 năm 2009 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế duy tu, bảo dưỡng đê điều hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng các Điều, Khoản, Điểm tương ứng tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận: - VP Tổng Bí t hư; VP Quốc hội; - VP Chủ tịch nước; VP Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan trung ương của các Hội, đoàn thể; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Sở TC, KBNN, Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Sở NN và PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Công báo; Website Chính phủ; - Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ TC; - Lưu: VT, HCSN. | KT. BỘ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu |