BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ -------------------- Số: 3703/TCT-CS V/v: chính sách thuế TNDN. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ----------------------- Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2010 |
Kính gửi: Cục Thuế Thành phố Hà Nội
Trả lời công văn số 13129/CT-TTr2 ngày 23/7/2010 của Cục Thuế Thành phố Hà Nội đề nghị hướng dẫn về vướng mắc trong việc thực hiện chính sách thuế TNDN. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Tại Điểm 8, Mục III, Phần B, Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế TNDN quy định các khoản chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế:
“8. Trích các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng công nợ khó đòi, dự phòng giảm giá chứng khoán, trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.
- Tại Điểm 2.18, Mục III, Phần B, Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN quy định những khoản chi phí sau đây không tính vào chi phí hợp lý:
“2.18. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính”.
- Tại Điểm 2, Mục III, Thông tư số 107/2001/TT-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, giảm giá chứng khoán đầu tư, dự phòng nợ khó đòi tại doanh nghiệp.
“2. Việc trích lập dự phòng của các Tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại văn bản hướng dẫn chế độ tài chính đối với các Tổ chức tín dụng”.
- Tại Điểm 2, Mục III, Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/2/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp quy định:
“2. Việc trích lập dự phòng của các Tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại văn bản hướng dẫn chế độ tài chính đối với các Tổ chức tín dụng”.
- Tại Điểm 9.1, Phần I, Chương II, Thông tư số 92/2000/TT-BTC ngày 14/9/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 166/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về Chế độ tài chính đối với các Tổ chức tín dụng quy định:
“Đối với dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng, Tổ chức tín dụng thực hiện việc trích lập và sử dụng theo qui định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.
- Tại Điểm 10.1 và Điểm 10.2, Phần I, Chương II, Thông tư số 12/2006/TT-BTC ngày 21/2/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 146/2005/NĐ-CP ngày 23/11/2005 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng quy định:
“10.1. Đối với dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện việc trích lập và sử dụng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
10.2. Đối với dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư dài hạn (bao gồm cả giảm giá chứng khoán), dự phòng phải thu khó đòi (ngoài dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng): tổ chức tín dụng thực hiện trích lập dự phòng theo quy định chung đối với doanh nghiệp”.
- Tại Điểm 1, Điều 3, Quyết định số 488/2000/QĐ-NHNN5 ngày 27/11/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy định về việc phân loại tài sản “Có”, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng quy định:
“1. Trong thời gian 15 ngày làm việc đầu tiên tháng thứ ba của mỗi quý, tổ chức tín dụng thực hiện việc phân loại tài sản “Có” tại thời điểm cuối ngày của ngày cuối cùng tháng thứ hai và trích lập dự phòng để xử lý rủi ro”.
- Tại Điểm 1, Điều 3, Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ban hành Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng quy định:
“1. Ít nhất mỗi quý một lần, trong thời gian 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ gốc và trích lập dự phòng rủi ro đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quý (tháng) trước.
Riêng đối với quý IV, trong thời gian 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đến thời điểm cuối ngày 30 tháng 11”.
Căn cứ các quy định nêu trên, việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng tại Ngân hàng Công thương Việt Nam được thực hiện theo Quyết định số 488/2000/QĐ-NHNN5 ngày 27/11/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Đề nghị Cục thuế căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, các quy định có liên quan và tình hình thực tế tại Ngân hàng Công thương Việt Nam để hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế thành phố Hà Nội biết.
/.
Nơi nhận: - Như trên; - Vụ TCNH; - Vụ PC-BTC; - Vụ CST-BTC; - Cục TCDN; - Vụ PC-TCT; - Ngân hàng Công thương Việt Nam; - Lưu: VT, CS (4b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Vũ Thị Mai |