Công văn 256/CTQNA-TTHT của Cục thuế tỉnh Quảng Nam về việc hướng dẫn chính sách thuế đối với hoạt động thu mua nông, lâm, thủy sản

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Công văn 256/CTQNA-TTHT

Công văn 256/CTQNA-TTHT của Cục thuế tỉnh Quảng Nam về việc hướng dẫn chính sách thuế đối với hoạt động thu mua nông, lâm, thủy sản
Cơ quan ban hành: Cục thuế tỉnh Quảng NamSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:256/CTQNA-TTHTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgười ký:Lương Đình Đường
Ngày ban hành:09/01/2024Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Thuế-Phí-Lệ phí
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TỔNG CỤC THU

CỤC THU TỈNH QUẢNG NAM

________________

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Số: 256/CTQNA-TTHT

V/v hướng dẫn chính sách thuế đối với hoạt động thu mua nông, lâm, thủy sản

Quảng Nam, ngày 09 tháng 01 năm 2024

Kính gửi: Quý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam nhận được một số đề nghị hướng dẫn chính sách thuế và việc sử dụng chứng từ thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật thuế, giúp doanh nghiệp hạn chế sai sót, rủi ro khi không hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách pháp luật thuế, Cục Thuế tập hợp một số quy định chính sách thuế liên quan đến việc thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để chuyển tải đến các doanh nghiệp tham khảo thực hiện, cụ thể như sau:

I. Các quy định về chính sách thuế:

1. Về thuế Giá trị gia tăng (GTGT)

- Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT:

“1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

…”

- Tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT :

“5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu”.

- Tại khoản 5 và khoản 7 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định thuế suất 5% đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản, lâm sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản ở khâu kinh doanh thương mại.

- Tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

2. Về thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

- Tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

...2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

...2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

- Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;

- Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;

- Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;

- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;

- Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;

- Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”

- Tại mẫu bảng kê số 01/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn:

“- Căn cứ vào số thực tế các mặt hàng trên mà đơn vị mua của người bán không có hóa đơn, lập bảng kê khai theo thứ tự thời gian mua hàng, doanh nghiệp ghi đầy đủ các chỉ tiêu trên bảng kê, tổng hợp bảng kê hàng tháng. Hàng hóa mua vào lập theo bảng kê này được căn cứ vào chứng từ mua bán giữa người bán và người mua lập trong đó ghi rõ số lượng, giá trị các mặt hàng mua, ngày, tháng mua, địa chỉ, số CMTND của người bán và ký nhận của bên bán và bên mua.

- Đối với doanh nghiệp có tổ chức các trạm nơi thu mua ở nhiều nơi thì từng trạm thu mua phải lập từng bảng kê riêng. Doanh nghiệp lập bảng kê tổng hợp chung của các trạm.”

3. Về hóa đơn điện tử của tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

- Tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về cấp và kê khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh.

- Tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

- Tại khoản 2 và khoản 4 Điều 7 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.

- Tại điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính quy định hồ sơ khai thuế đối với trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh:

“c) Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh, khi khai thuế đối với doanh thu trên hóa đơn lẻ thì hộ khoán khai thuế theo từng lần phát sinh và sử dụng Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này đồng thời xuất trình, nộp kèm theo hồ sơ khai thuế các tài liệu sau:

- Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ cùng ngành nghề với hoạt động kinh doanh của hộ khoán;

- Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;

- Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất, cung cấp;...

Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.”

4. Về xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn:

- Tại Điều 4 về hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

“1. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp:

a) Hóa đơn, chứng từ giả;

...2. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

a) Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

b) Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

c) Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

d) Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

đ) Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

e) Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.”

- Tại Điều 5 về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:

“1. Việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn khi có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo quy định tại Nghị định này.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các trường hợp sau:

...d) Hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều 16, Điều 17 Nghị định này thì không bị xử phạt theo Điều 28 Nghị định này.”

- Tại Điều 16 về xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn:

“1. Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

...đ) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

…”

- Tại Điều 17 về xử phạt hành vi trốn thuế:

“1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...c) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;

d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;

...2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.

4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.

5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

…”

- Tại Điều 28 về xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn:

“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.”

II. Một số nội dung cần lưu ý:

1. Hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Khi doanh nghiệp thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra thì phải có Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào (mẫu số 01/TNDN) kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại điều 4 Thông tư 96/2015/TT- BTC. Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực.

2. Đối với trường hợp doanh nghiệp mua nông, lâm, thủy sản của tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không trực tiếp sản xuất, đánh bắt bán ra thuộc trường hợp phải sử dụng hóa đơn theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì không thuộc đối tượng được lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC. Người bán phải thực hiện kê khai, nộp thuế đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn theo quy định.

3. Đối với các trường hợp lập bảng kê theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, doanh nghiệp căn cứ vào số thực tế các mặt hàng, lập bảng kê theo thứ tự thời gian mua hàng, ghi đầy đủ các chỉ tiêu trên bảng kê và thực hiện tổng hợp bảng kê hàng tháng. Hàng hóa mua vào lập theo bảng kê được căn cứ vào chứng từ mua bán giữa người bán và người mua lập, trong đó ghi rõ số lượng, giá trị các mặt hàng mua, ngày, tháng mua, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của người bán và ký nhận của bên bán và bên mua.

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ là một loại chứng từ dùng để xác định chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc lập Bảng kê không chính xác, không trung thực như không đúng tên người bán, không đúng số lượng, giá cả, địa chỉ không rõ ràng, không có chữ ký của bên bán (người khác ký thay) hoặc chữ ký của bên bán không khớp đúng với các tài liệu liên quan (ví dụ: đối với gỗ rừng trồng, thì phải có Bảng kê lâm sản để chứng minh nguồn gốc lâm sản hợp pháp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tuy nhiên chữ ký của chủ lâm sản trên Bảng kê lâm sản không trùng khớp với chữ ký trên chứng từ mua bán giữa người bán và người mua)... được xác định hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn, chứng từ thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP (nêu trên).

4. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của hóa đơn, Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ và hồ sơ chứng từ liên quan đến việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ theo quy định pháp luật chuyên ngành; đảm bảo hoạt động mua, bán nông, lâm, thủy sản là có thật.

Trường hợp cơ quan thuế phát hiện việc mua bán hàng hóa là không có thật, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP (nêu trên).

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế nếu gặp khó khăn, vướng mắc, Doanh nghiệp vui lòng liên hệ đến cơ quan thuế để được hỗ trợ qua các kênh sau:

- Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ Người nộp thuế - Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, số điện thoại: 02353.852.536 hoặc email: [email protected];

- Trang thuế điện tử: thuedientu.gdt.gov.vn;

- Trung tâm điều hành hóa đơn điện tử Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, số điện thoại: 02353.859.426;

- Hoặc liên hệ Chi cục Thuế quản lý đơn vị để được hướng dẫn cụ thể./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Phòng: KK, NVDTPC, TTKT1, TTKT2, TTKT3;

- Các Chi cục thuế trực thuộc;

- Website Cục Thuế;

- Lưu: VT, TTHT.

KT. CỤC TRƯỞNG

PHÓ CỤC TRƯỞNG





Lương Đình Đường

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi