Công văn 2296/CTVPH-TTHT chính sách thuế với các cơ sở giáo dục công lập

  • Tóm tắt
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Công văn 2296/CTVPH-TTHT

Công văn 2296/CTVPH-TTHT của Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc về chính sách thuế đối với các cơ sở giáo dục công lập
Cơ quan ban hành: Cục thuế tỉnh Vĩnh PhúcSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:2296/CTVPH-TTHTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgười ký:Nguyễn Đức Huy
Ngày ban hành:10/10/2024Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Thuế-Phí-Lệ phí

tải Công văn 2296/CTVPH-TTHT

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Công văn 2296/CTVPH-TTHT DOC DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.pdf) Công văn 2296/CTVPH-TTHT PDF PDF
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TỔNG CỤC THUẾ

CỤC THUẾ TỈNH VĨNH PHÚC

Số: 2296 /CTVPH-TTHT

V/v chính sách thuế đối với các

cơ sở giáo dục công lập

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Vĩnh Phúc, ngày 10 tháng 10 năm 2024

Kính gửi:

Sở Giáo dục và Đào tạo;

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh

Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc nhận được Công văn số 1393/SGDĐT-KHTC của Sở Giáo dục và Đào tạo v/v hướng dẫn, xác định cụ thể các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục thuộc và không thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế. Về vấn đề này, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến như sau:

Kể từ ngày 01/01/2017 là thời điểm Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội có hiệu lực thi hành, các khoản thu về học phí không còn nằm trong Danh mục phí như quy định tại Pháp lệnh về Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/08/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tại Thông báo số 551/TB-VPCP ngày 28/11/2017 của Văn phòng chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng chính phủ Vương Đình Huệ có nêu: “1. Thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đúng quy định của pháp luật thuế”. Theo đó, các khoản thu về học phí của các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thuế kể từ ngày 01/01/2017.

Nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện pháp luật thuế đối với các khoản thu, Cục Thuế lưu ý tới các cơ sở giáo dục một số quy định về chính sách thuế, hóa đơn đối với các khoản thu về dịch vụ giáo dục như sau:

1. Thuế Giá trị gia tăng

Tại Điều 2 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng chịu thuế:

“Điều 2. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.”

Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về người nộp thuế:

“Điều 3. Người nộp thuế

Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm:

2. Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;”

Tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT:

“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.

Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế.

Khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo) do cơ sở đào tạo cung cấp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.”

Tại khoản 1 Điều 12; khoản 2, khoản 3 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT- BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính thuế:

“Mục 2. PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

Điều 12. Phương pháp khấu trừ thuế

1. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

a) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;

b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;”

“Điều 13. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng

2. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:

a) Đối tượng áp dụng:

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí.

b) Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

- Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

c) Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.”

Tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế quy định:

“Điều 7. Hồ sơ khai thuế

3. Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:

a) Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.

Căn cứ các quy định nêu trên, các cơ sở giáo dục khi thu các khoản thu từ học sinh, sinh viên, học viên thì áp dụng như sau:

- Về đối tượng chịu thuế GTGT: Đối với các khoản thu do các cơ sở giáo dục tự thực hiện thì việc xác định đối tượng chịu thuế GTGT thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

- Về đối tượng không chịu thuế GTGT:

Các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2023/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

+ Các khoản thu dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp là đối tượng không chịu thuế.

+ Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ (Ví dụ: Khoản thu hộ, chi hộ tiền phô tô đề thi, tiền tin nhắn điện tử thu hộ chi hộ...) thì các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho học sinh có trách nhiệm kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

+ Khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo) do cơ sở đào tạo cung cấp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

- Về việc kê khai thuế GTGT:

Trường hợp các cơ sở giáo dục chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Trường hợp cơ sở giáo dục phát sinh cả các khoản thu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì cơ sở giáo dục thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật thuế GTGT đối với các khoản thu này, trong đó các khoản thu không chịu thuế GTGT được kê khai vào chỉ tiêu “Doanh thu không chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT. Phương pháp tính thuế GTGT thực hiện như sau:

+ Trường hợp cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì áp dụng phương pháp khấu trừ thuế khi kê khai thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, mẫu Tờ khai 01/GTGT (ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính).

+ Trường hợp cơ sở giáo dục không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, mẫu Tờ khai 04/GTGT (ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính). Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với dịch vụ là 5%.

2. Thuế Thu nhập doanh nghiệp

Tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

“Điều 2. Người nộp thuế

Người nộp thuế thực hiện theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

1. Người nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

c) Các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này;”

Tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định:

“Điều 5. Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế là thu nhập tính thuế trong kỳ và thuế suất.

Kỳ tính thuế thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định của pháp luật quản lý thuế.

Doanh nghiệp được lựa chọn kỳ tính thuế theo năm dương lịch hoặc năm tài chính nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện.”

“Điều 6. Xác định thu nhập tính thuế

1. Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế

=

Thu nhập chịu thuế

-

Thu nhập được miễn thuế

+

Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định

2. Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế

=

Doanh thu

-

Chi phí được trừ

+

Các khoản thu nhập khác

Doanh nghiệp có nhiều hoạt động kinh doanh thì thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là tổng thu nhập của tất cả các hoạt động kinh doanh. Trường hợp nếu có hoạt động kinh doanh bị lỗ thì được bù trừ số lỗ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động kinh doanh có thu nhập do doanh nghiệp tự lựa chọn. Phần thu nhập còn lại sau khi bù trừ áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động kinh doanh còn thu nhập”.

Tại Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định:

“Điều 11. Phương pháp tính thuế

1. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất;...

5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:

a) Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%. Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật áp dụng mức thuế quy định tại Điểm c Khoản này;

b) Đối với kinh doanh hàng hóa là 1 %;

c) Đối với hoạt động khác là 2%.”

Căn cứ các quy định nêu trên, các Cơ sở giáo dục áp dụng phương pháp tính thuế TNDN như sau:

- Trường hợp các cơ sở giáo dục có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập thì số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ, mẫu Tờ khai 03/TNDN (ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính).

- Trường hợp các cơ sở giáo dục hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, mẫu Tờ khai 04/TNDN (ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính). Đối với hoạt động giáo dục tỷ lệ này là 2%.

3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

Các cơ sở giáo dục nộp hồ sơ khai thuế theo thời hạn được quy định tại Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội, cụ thể như sau:

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau:

+ Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;

+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:

+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;

+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.

4. Sử dụng hóa đơn điện tử

Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

“Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn

2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng). ”

Căn cứ các quy định nêu trên, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm xuất hóa đơn điện tử cho học sinh, sinh viên, học viên khi thu các khoản thu về dịch vụ giáo dục theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Thời điểm lập hóa đơn là khi hoàn thành việc cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Các cơ sở giáo dục nghiên cứu triển khai áp dụng hình thức hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để việc lập hóa đơn được nhanh chóng, kịp thời, hạn chế tối đa vi phạm trong việc lập hóa đơn không đúng thời điểm.

Trường hợp cơ sở giáo dục có hành vi vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ.

Trên đây là một số lưu ý trong việc thực hiện quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế và hóa đơn. Cục Thuế trả lời Sở Giáo dục và Đào tạo được biết và chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn và hỗ trợ./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục trưởng (b/c);
- Các Phó Cục trưởng;
- Các Phòng: Thanh tra Kiểm tra 1,2,3,4, QLHKD, NvDTPC;
- Các Chi cục Thuế;
- Website Cục Thuế;
- Lưu VT; TTHT.
(VDT-3b)

KT. CỤC TRƯỞNG

PHÓ CỤC TRƯỞNG

Nguyễn Đức Huy

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi