Công văn 10867/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc chính sách thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, thức ăn chăn nuôi

thuộc tính Công văn 10867/BTC-CST

Công văn 10867/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc chính sách thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, thức ăn chăn nuôi
Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:10867/BTC-CST
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công văn
Người ký:Vũ Thị Mai
Ngày ban hành:10/08/2015
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Thuế-Phí-Lệ phí
 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
-------
Số: 10867/BTC-CST
V/v: Chính sách thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, thức ăn chăn nuôi
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2015
 
 

Kính gửi:
- Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư;
- Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty TNHH Sojitz Việt Nam.
 
Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương (công văn số 4155/BCT-TC ngày 25/4/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ), Hiệp hội Phân bón Việt Nam (văn bản số 04/2015-CV ngày 07/3/2015), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (các văn bản: 12/HCVN-KHKD ngày 06/1/2015, 543/HCVN-KHKD ngày 27/4/2015) về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón và kiến nghị của Công ty TNHH Sojitz Việt Nam (văn bản số 011214/SJVN ngày 19/12/2014) về chính sách thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và để xử lý kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội, doanh nghiệp, sau khi tổng hợp ý kiến của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) (công văn số 4128/BNN-TT ngày 27/5/2015), Tư pháp (công văn số 1817/BTP-PLDSKT ngày 28/5/2015), Công Thương (công văn số 5344/BCT-TC ngày 01/6/2015) và Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) (công văn số 3460/BKHĐT-TCTT ngày 03/6/2015), ngày 08/6/2015 Bộ Tài chính đã có công văn số 7501/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế GTGT đối với phân bón và thức ăn chăn nuôi.
Ngày 29/6/2015 Văn phòng Chính phủ có công văn số 4944/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế GTGT đối với gạo, phân bón và thức ăn chăn nuôi:
“Đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính tại các văn bản số 7476/BTC-CST và số 7501/BTC-CST nêu trên. Giao Bộ Tài chính có báo cáo giải thích, thông tin rõ đến các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp.”
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4944/VPCP-KTTH nêu trên, Bộ Tài chính báo cáo giải thích, thông tin rõ đến các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp như sau:
I. Kiến nghị của Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị liên quan:
1. Đối với mặt hàng phân bón:
Bộ Công Thương có ý kiến phân bón không chịu thuế GTGT chỉ có lợi chủ yếu cho phân bón nhập khẩu trong khi gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón (trong nước). Doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán sản phẩm, do vậy người nông dân được lợi rất ít từ quy định này. Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, phân bón không chịu thuế GTGT nên chi phí giá thành tăng thêm khoảng 6 - 8% tùy loại và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 quy định phân bón áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% hoặc áp dụng thuế suất thuế GTGT thấp nhất.
2. Đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi:
Từ ngày 01/01/2015 thực hiện quy định mới áp dụng đối tượng không chịu thuế GTGT đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi. Bộ Tài chính chỉ nhận được văn bản của Công ty TNHH Sojitz Việt Nam kiến nghị khó khăn như sau: Do thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của TSCĐ, nguyên vật liệu đầu vào. Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ phải hạch toán vào chi phí làm tăng giá thành sản phẩm. Công ty kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhằm mang lại lợi ích trong lĩnh vực nông nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
II. Đề xuất của Bộ Tài chính:
1. Thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi trước ngày 01/01/2015 và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi:
Trước 01/01/2015, phân bón và thức ăn chăn nuôi áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% ở tất cả các khâu nhập khẩu và tiêu thụ trong nước; phân bón và thức ăn chăn nuôi xuất khẩu áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% (doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn toàn bộ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa khi xuất khẩu).
a) Đối với mặt hàng phân bón:
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Tài chính, tổng số thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón mà người nông dân phải trả trong năm 2014 ước khoảng 5.380 tỷ đồng, trong đó đối với mặt hàng phân bón trong nước là 4.180 tỷ đồng và đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu là 1.200 tỷ đồng.
b) Đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi:
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Tài chính thì tổng số thuế GTGT đối với thức ăn mặt hàng chăn nuôi công nghiệp cho gia súc, gia cầm (không tính thức ăn cho nuôi trồng thủy sản) mà người nông dân phải trả trong năm 2014 là khoảng 7.550 tỷ đồng. Ngoài thức ăn chăn nuôi công nghiệp, các trang trại có tự trộn thức ăn chăn nuôi phải tính, nộp thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi tự trộn nhưng không được khấu trừ số thuế GTGT này vì sản phẩm nông nghiệp đầu ra không chịu thuế GTGT.
2. Quá trình xây dựng chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế:
Để khuyến khích sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, ngày 11/8/2014, tại công văn số 6332/BC-BNN-TC Bộ NNPTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Luật thuế GTGT để bỏ quy định phân bón, thức ăn chăn nuôi chịu thuế GTGT với thuế suất 5% và đưa phân bón, thức ăn chăn nuôi vào đối tượng không chịu thuế GTGT.
Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: “Chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% hiện nay sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế GTGT đầu vào của máy móc, thiết bị, vật tư xây dựng tạo tài sản cố định...”. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/10/2014 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 423/TTr-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế như sau: Chuyển mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi từ đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT; hàng hóa mua o hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định (TSCĐ) của dự án đầu tư, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào.
Với đề xuất trên, mặc dù phân bón, thức ăn chăn nuôi không được áp dụng thuế suất 0% nhưng thuế GTGT đầu vào của máy móc, thiết bị tạo TSCĐ đầu tư vẫn được hoàn lại, không phải tính vào chi phí, qua đó giảm giá thành phân bón, thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước.
Ngày 26/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo TSCĐ) dùng cho sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi.
3. Hướng xử lý kiến nghị về thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón và thức ăn chăn nuôi:
a) Đối với mặt hàng phân bón:
- Qua số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan thuế và Hiệp hội sản xuất phân bón thì: bốn (04) tháng đầu năm 2015 các công ty sản xuất phân bón vẫn lãi tổng cộng hơn 2.400 tỷ; một số công ty có mức lợi nhuận cao như: Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau: năm 2012 lãi 736 tỷ, 2013 lãi 525 tỷ; Công Ty TNHH MTV Phân Đạm và hóa chất Hà Bắc năm 2011 lãi 605 tỷ, 2012 lãi 484 tỷ, 2013 lãi 300 tỷ, 2014 lãi 135 tỷ đồng; Công ty Supe phốt phát Lâm Thao có lãi hàng năm từ 383 tỷ đồng (2010) đến 595 tỷ đồng (2013), năm 2014 lãi 562 tỷ đồng... . Tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp bị lỗ: Công ty CP DAP số 2 VINACHEM lỗ 4 tỷ đồng trong mỗi năm 2013, 2014, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình lỗ 906 tỷ đồng và lỗ 739 tỷ đồng năm 20142.
Về tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp: Từ ngày 01/01/2015, phân bón không chịu thuế GTGT ở tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, bán buôn và bán lẻ. Tại khâu bán buôn và bán lẻ, thuế GTGT phải nộp mỗi khâu là 1% trên doanh thu theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, do không chịu thuế nên tổng cộng mức giảm tối thiểu là 2% trên doanh thu (bao gồm thuế GTGT trước ngày 01/01/2015) khi đến tay người nông dân. Theo số liệu thống kê của cơ quan thuế từ năm 2009 đến hết 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ thuế GTGT đầu vào trên doanh thu chưa có thuế GTGT của doanh nghiệp sản xuất phân bón là 5,71%, cao hơn 0,71% so với mức thuế suất 5% nên nếu tăng giá bán chưa có thuế bằng với mức thuế GTGT đầu vào hạch toán vào chi phí (để mức lợi nhuận tuyệt đối của doanh nghiệp không thay đổi) thì giá bán sẽ tăng 0,71%. Mức tăng 0,71% này của doanh nghiệp sản xuất phân bón hoàn toàn thấp hơn mức giảm 2% trên giá thanh toán mà người nông dân được hưởng do phân bón không chịu thuế GTGT ở khâu bán buôn, bán lẻ. Có nghĩa là, nếu cộng đủ thuế GTGT đầu vào vào giá bán phân bón của doanh nghiệp thì mức lợi nhuận tuyệt đối của doanh nghiệp không thay đổi và người nông dân vẫn được lợi do mức giảm giá ở khâu bán buôn, bán lẻ phân bón (không chịu thuế GTGT) cao hơn mức tăng do số thuế GTGT đầu vào cộng vào giá bán.
- Qua tham khảo Tổng công ty Hóa chất về Danh mục dự án đầu tư trong lĩnh vực phân bón giai đoạn 2011-2015 và kết quả thanh tra tài chính tại Dự án xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Tài chính thấy rằng giá thành mặt hàng phân bón của các cơ sở sản xuất trong nước vẫn còn cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến nguyên nhân có dự án đầu tư còn dàn trải, không đảm bảo tiến độ, hiệu quả chưa cao, thi công chậm tiến độ, chi phí tăng do lãi suất ngân hàng và chênh lệch tỷ giá, triển khai dự án vượt dự toán nhiều hạng mục như quản lý dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, kết quả chạy thử nghiệm chưa đảm bảo một số chỉ tiêu như thiết kế, một số dự án đầu tư sản xuất phân bón trong giai đoạn 2011 - 2015 có dự án tỷ lệ vốn đi vay so với tổng nguồn vốn quá cao (hầu hết các dự án có tỷ lệ vốn vay/tổng nguồn vốn vào khoảng 70%) trong khi vốn chủ sở hữu thấp (hầu hết các dự án có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn vào khoảng 30%). Các nguyên nhân trên dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành phân bón sản xuất trong nước còn cao. Các nhà đầu tư cũng cần tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2015 trở đi, nếu ước tính theo quy mô vốn đầu tư (không bao gồm thuế) của lĩnh vực phân bón theo Quy hoạch ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 18/9/2013 thì tổng số thuế GTGT đầu vào của TSCĐ đến năm 2020 khoảng 3.000 tỷ đồng3. Mặc dù số hoàn thuế bình quân mỗi năm khoảng 500 tỷ đồng nhưng do TSCĐ sử dụng trong nhiều năm, đặc biệt là nhà xưởng có thời gian khấu hao tối thiểu lên đến 25 năm nên khi phân bố vào giá thành sản xuất phân bón tác động không nhiều: giả sử thời gian khấu hao trung bình là 10 năm, sản lượng phân bón các loại bình quân 11 triệu tấn4 thì số thuế GTGT của TSCĐ hạch toán vào 1 kg phân bón chỉ là 4,5 đồng5, không tính số thuế GTGT đầu vào sản xuất phân bón xuất khẩu được hoàn.
- Qua tham khảo quy định của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ thì có 12 quốc gia đưa mặt hàng phân bón vào diện không chịu thuế VAT, có 10 quốc gia có mức thuế suất 0%, mức thuế suất dưới 10% có 50 quốc gia, và từ 10% trở lên có 19 quốc gia. Mức thuế suất trung bình là 13%, thuế suất cao nhất đối với mặt hàng này là 27% (nội dung này cũng đã được báo cáo Quốc hội khi trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế).
Từ những nội dung nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, rà soát, đánh giá tác động cụ thể của chính sách phân bón không chịu thuế GTGT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ tới.
Bộ NNPTNT (công văn số 4128/BNN-TT ngày 27/5/2015), Bộ KHĐT (công văn số 3460/BKHĐT-TCTT ngày 03/6/2015), Bộ Tư pháp (công văn số 1817/BTP- PLDSKT ngày 28/5/2015) đều nhất trí với đề xuất nêu trên của Bộ Tài chính.
Bộ Công Thương (công văn số 5344/BCT-TC ngày 01/6/2015) có ý kiến tác động của chính sách thuế mới đối với các doanh nghiệp sẽ rất khác nhau: Đối với những doanh nghiệp lớn, đã hoạt động ổn định lâu năm được nhắc tới trong dự thảo thì quy định về thuế mới làm giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nguy cơ thua lỗ rất cao. Để đánh giá tác động của chính sách thuế mới, đề nghị Bộ Tài chính tính toán số thuế GTGT đầu vào mà doanh nghiệp sẽ phải nộp do không được khấu trừ, số thuế GTGT mà người tiêu dùng được giảm, thay đổi về lợi nhuận trước và sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón, chi phí đầu tư phát sinh của các dự án đang trong quá trình triển khai xây dựng. Vì vậy để góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và có điều kiện hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất phân bón, Bộ Công Thương giữ đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 0% ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Về ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tiếp thu đầy đủ, hoàn chỉnh nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ như đã trình bày ở trên. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, rà soát, đánh giá tác động cụ thể của chính sách phân bón không chịu thuế GTGT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ tới.
b) Đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi:
- Các doanh nghiệp được khảo sát đều cho rằng chính sách thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2015 đã có ảnh hưởng tốt, góp phần giảm giá bán tính trên doanh thu chưa thuế khoảng 4% - 4,5% ngay tại khâu sản xuất premix, hoạt chất dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi và khâu trực tiếp trộn, chế biến thức ăn chăn nuôi bên cạnh việc giảm thủ tục hành chính về kê khai, nộp thuế và giảm khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Trong cả ba (03) doanh nghiệp được khảo sát, không có doanh nghiệp nào kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi (có nghĩa là giữ như Luật số 71/2014/QH13). Tại thời điểm khảo sát đầu tháng 3/2015, các đơn vị này đều giữ giá bán ra bằng giá bán chưa có thuế GTGT trước ngày 01/01/2015, như vậy người chăn nuôi được hưởng trọn vẹn 5% thuế GTGT đầu ra trước đây. Thực tế giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp trong 3 tháng đầu năm 2015 giảm nhẹ khi so với tháng 12/2014 và giảm mạnh khi so với Quý 1/2014.
- Qua tham khảo thống kê tại 78 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ có 3 quốc gia áp dụng mức thuế suất 0% đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, còn lại 12 quốc gia quy định thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT; 26 quốc gia áp dụng thuế suất dưới 10%; 37 quốc gia áp dụng thuế suất từ 10% trở lên. Mức thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng này trung bình là 14,67%, thuế suất cao nhất là 27%. Bốn (04) nước ASEAN (Thái Lan, Indonexia, Philippines, Myanmar) đều quy định thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT.
- Thức ăn chăn nuôi gồm 02 (hai) loại: (i) Thức ăn tự nhiên như các loại từ sản phẩm nông, thủy sản (ngô, thóc gạo, đậu tương, lạc) do tổ chức, cá nhân trồng trọt bán ra và (ii) thức ăn công nghiệp do các doanh nghiệp sản xuất, chế biến (cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm) và phế liệu, phế phẩm từ các ngành chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản (bã đậu, mía, bã bia,...); trong đó loại thức ăn tự nhiên chiếm khoảng 1/3 tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi. Nếu áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% thì phải áp dụng thuế suất 0% ở tất cả các khâu, từ trồng trọt, sơ chế sản phẩm trồng trọt là thức ăn tự nhiên đến chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp hoặc thức ăn chăn nuôi tự trộn của các hộ trang trại, và phải thực hiện hoàn thuế GTGT. Việc này là không khả thi vì người nông dân không thực hiện được hệ thống kế toán và sổ sách, hóa đơn, không có khả năng được hoàn thuế GTGT đầu vào mà chỉ có doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đáp ứng được điều kiện, thủ tục và được hoàn thuế, gây bất bình đẳng trong sản xuất nông nghiệp giữa người nông dân và doanh nghiệp, bất lợi cho người nông dân; đồng thời rủi ro cao về gian lận trong hoàn thuế GTGT như việc hoàn thuế GTGT đối với nông sản ở khâu lưu thông thương mại đã diễn ra trước ngày 01/01/2014.
Do tác động tổng thể của chính sách thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2015 là tương đối tốt và phù hợp với thông lệ các nước, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giữ chính sách thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT.
Bộ Tài chính báo cáo, giải thích rõ để các Bộ, Hiệp hội, doanh nghiệp biết và đề nghị Hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định hiện hành./.
 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (để đăng tin);
- Lưu: VT, CST(15b).
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai
 
 

2 Theo báo cáo tài chính của các Công ty.
3 Nếu 14 dự án đầu tư từ 2008 triển khai đúng tiến độ, vốn đầu tư phân bổ đều theo năm là 1.572,6 tỷ đồng cộng với 03 dự án đầu tư từ 2016 là 1.425,5 tỷ đồng; tỷ giá 1 USD = 21.500 đồng áp dụng chung cho cả giai đoạn.
4 Bằng tổng nhu cầu trong nước năm 2014 là 10,83 triệu tấn bao gồm nhập khẩu.
5 Số thuế GTGT của TSCĐ hạch toán vào 1 kg phân bón = (500 tỷ/10 năm)/11 triệu tấn.
 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất