Đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 15.000 kênh được bật nút kiếm tiền trên Youtube. Những kênh này sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế như thế nào?
Khó khăn trong quản lý thuế với người kiếm tiền nhờ YouTube
Thu nhập của các YouTuber (người sáng tạo nội dung trên YouTube) đang là một trong những đề tài được rất nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây. Ước tính, các kênh YouTube có số lượng người theo dõi lớn tại Việt Nam có thể kiếm được hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, do hoạt động trên nền tảng không gian mạng nên thu nhập từ các kênh YouTube rất khó để kiểm soát.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2020, tại Việt Nam có khoảng 15.000 kênh được bật nút kiếm tiền trên YouTube. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trong số đó chịu sự quản lý của các công ty mạng có kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Điều này cho thấy, hiện nay cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5.000 kênh trên tổng 15.000 kênh đã bật nút kiếm tiền để yêu cầu đóng thuế, số tiền thất thu do không kê khai thuế là rất lớn.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và nghị định liên quan. Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với người có thu nhập từ YouTube.
Chính sách thuế với người có thu nhập từ YouTube tại Việt Nam
- Đối với doanh nghiệp
Căn cứ Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC và khoản 3 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, doanh nghiệp có doanh thu YouTube phải kê khai và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất là 20% và thuế giá trị gia tăng là 10%.
- Đối với cá nhân
Theo Điều 1 và phụ lục 01 ban hành kèm Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính:
+ Các cá nhân có thu nhập dưới 100 triệu/năm thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
+ Các cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.
Mỹ ban hành chính sách thuế mới, YouTuber Việt Nam có bị đánh thuế 2 lần?
Theo thông báo từ Google - đơn vị sở hữu mạng xã hội YouTube, những YouTuber sống bên ngoài nước Mỹ nếu khai báo thông tin thuế trước ngày 31/5/2021 thì sẽ chịu mức thuế 30% cho phần doanh thu đến từ người xem tại Mỹ.
Trường hợp không khai báo thông tin thuế thì các YouTuber sẽ bị đánh thuế 24% đối với toàn bộ doanh thu có được từ trên kênh này.
Với chính sách mới trên, rất nhiều YouTuber đặt ra câu hỏi: Thu nhập của họ sẽ bị tính thuế như thế nào? Khoản thu nhập đã bị đánh thuế tại Mỹ có bị đánh thuế lần 2 tại Việt Nam không?
Về vấn đề này, căn cứ khoản 3 Điều 1 Hiệp định về chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ:
- Đối với Vệt Nam: người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Mỹ khi đã đóng thuế cho Mỹ thì về Việt Nam sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam.
- Đối với Mỹ: chỉ có nhà đầu tư, quỹ đầu tư Mỹ khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam và có thu nhập, khi đã đóng thuế ở Việt Nam rồi thì sẽ không đóng thuế cho nước Mỹ.
Như vậy, khi áp dụng chính sách thuế mới, các YouTuber Việt Nam sẽ đóng thuế như sau:
- Khấu trừ 30% thu nhập với lượt xem tại Mỹ;
- Sau khi bị trừ thuế tại Mỹ, tất cả các khoản tiền thu nhập còn lại sẽ bị đánh thuế 7% (5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân) theo quy định tại Việt Nam.
Trên đây là một số thông tin về: Các kênh kiếm tiền nhờ YouTube phải nộp thuế thế nào? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.