Xác định lỗ và chuyển lỗ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Xác định lỗ và chuyển lỗ là việc rất quan trọng khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm bảo số thuế phải nộp được xác định chính xác và bảo đảm quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Theo quy định, doanh nghiệp được chuyển lỗ đến 05 năm.


Thuế thu nhập doanh nghiệp phải trừ đi khoản lỗ được kết chuyển

Khi tính thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thì kế toán doanh nghiệp phải trừ đi các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định (nếu có).

Nội dung này được nêu rõ tại cách xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định tại Điều 6 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, Điều 5 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.

Cụ thể số thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo công thức sau:

Thuế thu nhập doanh nghiệp = Thu nhập tính thuế trong kỳ x Thuế suất

Để tính được số thuế phải nộp cần phải biết thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:

(1) Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)

Trong đó, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác.

(2) Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Thông thường số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp bằng thu nhập tính thuế nhân với 20% (thuế suất 20%). Bên cạnh đó, một số ngành nghề có thể áp dụng thuế suất cao hơn hoặc được áp dụng thuế suất ưu đãi.

Xem chi tiết: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (cập nhật 2022)

xac dinh lo va chuyen lo

Cách xác định lỗ và chuyển lỗ

Căn cứ Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC, doanh nghiệp xác định lỗ và chuyển lỗ theo quy định sau:

* Xác định lỗ

Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang.

* Quy định về chuyển lỗ

- Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Doanh nghiệp tạm thời chuyển lỗ vào thu nhập của các quý của năm sau khi lập tờ khai tạm nộp quý và chuyển chính thức vào năm sau khi lập tờ khai quyết toán thuế năm.

Ví dụ 1: Năm 2020 doanh nghiệp A có phát sinh lỗ là 10 tỷ đồng, năm 2021 doanh nghiệp A có phát sinh thu nhập là 12 tỷ đồng thì toàn bộ số lỗ phát sinh năm 2020 là 10 tỷ đồng, doanh nghiệp A phải chuyển toàn bộ vào thu nhập năm 2021.

Ví dụ 2: Năm 2020 doanh nghiệp B có phát sinh lỗ là 20 tỷ đồng, năm 2021 doanh nghiệp B có phát sinh thu nhập là 15 tỷ đồng thì:

+ Doanh nghiệp B phải chuyển toàn bộ số lỗ 15 tỷ đồng vào thu nhập năm 2020.

+ Số lỗ còn lại 05 tỷ đồng, doanh nghiệp B phải theo dõi và chuyển toàn bộ liên tục theo nguyên tắc chuyển lỗ của năm 2020 nêu trên vào các năm tiếp theo, nhưng tối đa không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

- Doanh nghiệp có số lỗ giữa các quý trong cùng một năm tài chính thì được bù trừ số lỗ của quý trước vào các quý tiếp theo của năm tài chính đó. Khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp xác định số lỗ của cả năm và chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định nêu trên.

- Doanh nghiệp tự xác định số lỗ được trừ vào thu nhập theo nguyên tắc nêu trên. Trường hợp trong thời gian chuyển lỗ có phát sinh tiếp số lỗ thì số lỗ phát sinh này (không bao gồm số lỗ của kỳ trước chuyển sang) sẽ được chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp xác định số lỗ doanh nghiệp được chuyển khác với số lỗ do doanh nghiệp tự xác định thì số lỗ được chuyển xác định theo kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra nhưng đảm bảo chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định.

Quá thời hạn 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ, nếu số lỗ phát sinh chưa chuyển hết thì sẽ không được chuyển vào thu nhập của các năm tiếp sau.

Lưu ý:

- Doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp không phải quyết toán thuế theo quy định).

- Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập cùng năm của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

- Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chia, tách thành doanh nghiệp khác và đang còn trong thời gian chuyển lỗ theo quy định thì số lỗ này sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp sau khi chia, tách theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu được chia, tách.

Trên đây là quy định về xác định lỗ và chuyển lỗ trong quá trình tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu bạn đọc có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Phân tích Nghị định 49/2022 sửa Nghị định 209/2013 hướng dẫn Luật Thuế GTGT

Phân tích Nghị định 49/2022 sửa Nghị định 209/2013 hướng dẫn Luật Thuế GTGT

Phân tích Nghị định 49/2022 sửa Nghị định 209/2013 hướng dẫn Luật Thuế GTGT

Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 146/2017/NĐ-CP.

Nội dung hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 và Thông tư 78

Nội dung hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 và Thông tư 78

Nội dung hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 và Thông tư 78

Nội dung hóa đơn điện tử bao gồm các tiêu thức bắt buộc và những tiêu thức không bắt buộc phải có trên mỗi hóa đơn. Nghị định 123 và Thông tư 78 không chỉ quy định về nội dung hóa đơn điện tử mà còn hướng dẫn cách ghi rất chi tiết đối với từng trường hợp.