Hướng dẫn chi tiết cách xác định hàng hóa được giảm thuế VAT

Từ 01/7/2023, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chính thức thực hiện chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Vậy làm thế nào để xác định hàng hóa được giảm thuế VAT theo Nghị định 44/2023 hay không? Cùng theo dõi bài viết sau để không lúng túng khi áp dụng.

1. Nguyên tắc xác định hàng hóa được giảm thuế VAT

Theo quy định tại Nghị định 44/2023/NĐ-CP, có thể rút ra một số nguyên tắc xác định đối tượng được giảm thuế VAT xuống còn 8% như sau:

- Việc giảm thuế áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ được nêu tại các Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định.

- Cơ sở kinh doanh căn cứ vào mã ngành kinh doanh và danh mục mã số HS (áp dụng đối với hàng hóa tại khâu nhập khẩu) để tra cứu, đối chiếu với Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định này để xác định hàng hóa, dịch vụ của đơn vị mình có được giảm thuế hay không.

- Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT/chịu thuế VAT 0%, 5% sẽ không được giảm thuế VAT.

- Việc giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Riêng đối với mặt hàng than thì chỉ áp dụng đối với khâu khai thác bán ra (bao gồm cả than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra), các khâu khác không được giảm thuế.

Chi tiết cách xác định hàng hóa được giảm thuế VAT
Chi tiết cách xác định hàng hóa được giảm thuế VAT (Ảnh minh họa)

2. Hướng dẫn cách xác định hàng hóa được giảm thuế VAT

Cơ sở kinh doanh căn cứ vào mã sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và danh mục mã số HS (áp dụng đối với hàng hóa tại khâu nhập khẩu) để tra cứu, đối chiếu với danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT tại các Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định này để xác định hàng hóa, dịch vụ của đơn vị mình có được giảm thuế hay không.

2.1. Xác định mã sản phẩm hàng hóa, dịch vụ

Để xác định hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh đang kinh doanh có thuộc trường hợp được giảm thuế GTGT hay không thì cần xác định được tên và mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ đó.

Để xác định tên và mã hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh đang kinh doanh, có thể thực hiện theo 01 trong 02 cách sau:

Cách 1: Tra cứu danh mục mã ngành nghề kinh doanh thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (trong trường hợp cơ sở kinh doanh có thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký, thay đổi ngành nghề kinh doanh), sau đó dựa vào danh mục mã ngành nghề kinh doanh để xác định danh mục sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ).

lam sao de biet doanh nghiep co duoc ap dung thue vat 8%


Cách 2: Liệt kê các sản phẩm mà thực tế cơ sở mình đang kinh doanh (thực tế nhiều cơ sở vẫn kinh doanh các ngành, nghề chưa được đăng ký kinh doanh).

Căn cứ vào mã ngành nghề nêu trên, cơ sở kinh doanh tìm mã sản phẩm tương ứng tại Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg, sau đó, đối chiếu với Phụ lục I kèm theo Nghị định 44/2023 (cột từ Cấp 1 đến Cấp 7):

- Nếu nằm trong danh sách các ngành không được giảm thì sẽ xuất hóa đơn với thuế suất thuế GTGT 10%.

- Nếu không nằm trong danh sách không được giảm thì sẽ xuất hóa đơn với thuế suất thuế GTGT 8%.

lam sao de biet doanh nghiep co duoc ap dung thue vat 8%

Ví dụ:

Cần tra cứu sản phẩm xe nâng hàng trong Quyết định 43/2018/QĐ-TTg ta tìm kiếm xe nâng hạ - mã sản phẩm: 2816013 ⇒ đối chiếu với các Phụ lục I, II, III Nghị định 44 ⇒ không nằm trong Phụ lục này ⇒ sẽ được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%.

Lưu ý:

- Phụ lục I Nghị định 44/2023/NĐ-CP là một phần của Phụ lục Danh mục và nội dung hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg được chia làm 7 cấp (từ cấp 1 - cấp 7).

- Doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh theo mã cấp 4 căn cứ vào Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.

=> Nếu chỉ dựa vào mã ngành cấp 4 trên đăng ký kinh doanh để tra cứu thì sẽ không chuẩn mà phải xác định thực tế đang kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nào, sau đó, tra cứu tên hoặc mã sản phẩm/mã HS của hàng hóa, dịch vụ đó => đối chiếu với các Phụ lục của Nghị định 44 để xác định sản phẩm đó có được giảm thuế GTGT hay không.

2.2. Xác định theo mã số HS (áp dụng đối với hàng hóa tại khâu nhập khẩu)

Căn cứ vào danh mục mã số HS của hàng hóa, dịch vụ khi làm thủ tục nhập khẩu (trên tờ khai hải quan), cơ sở kinh doanh đối chiếu với mã số HS tại cột 10 trên các Phụ lục kèm theo để xác định hàng hóa, dịch vụ có thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT hay không.

Có thể tra cứu mã số HS bằng cách:

Cách 1: Tra cứu tại website của Tổng cục Hải quan

Danh mục mã số HS tra cứu từ website Tổng cục Hải quan: Tra cứu Biểu thuế - Mã HS (click chuột phải và chọn Open new tab).

Nhập vào chuỗi mã số để tìm kiếm theo mã số HS (phải nhập tối thiểu 04 chữ số) hoặc từ khóa để tìm kiếm trong mô tả hàng hóa.

Cách 2: Tìm trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 31/2022/TT-BTC

Dây điện, cáp điện có mã HS là 85.44 thuộc khoản 2 mục 6 Phần B Phụ lục III nên sẽ không được giảm thuế GTGT.

Minh họa: Với mặt hàng Máy cạo, tông đơ và các dụng cụ loại bỏ râu, lông, tóc, có động cơ điện gắn liền sẽ có mã số HS thuộc Nhóm 4 chữ số 8510.

Các sản phẩm trong mã HS Nhóm 4 chữ số này sẽ được chia ra thành nhiều sản phẩm với các mã HS 8 chữ số khác nhau.

Ví dụ, cơ sở kinh doanh muốn nhập khẩu 2 sản phẩm là Bộ phận (có mã HS 8 chữ số là 8510.90.00) Tông đơ (có mã HS 8 chữ số là 8510.20.00).

lam sao de biet doanh nghiep co duoc ap dung thue vat 8%

Đối chiếu kết quả với Phụ lục I kèm theo Nghị định:

lam sao de biet doanh nghiep co duoc ap dung thue vat 8%

Trường hợp 1: Với mặt hàng chi tiết có mã số HS 8 chữ số 8510.90.00 ⇒ đối chiếu với cột số 10 Phụ lục I kèm theo Nghị định thì mặt hàng này nằm trong danh mục hàng hóa không được giảm ⇒ thuế suất GTGT của mặt hàng này vẫn là 10%.

Trường hợp 2: Với mặt hàng chi tiết có mã số HS 8 chữ số 8510.20.00 đối chiếu với cột số 10 Phụ lục I kèm theo Nghị định thì mặt hàng này không nằm trong danh mục hàng hóa không được giảm được giảm thuế GTGT còn 8%.

Lưu ý: Nếu mã số HS quy định tại cột 10 chỉ bao gồm Chương 02 chữ số, hoặc nhóm 04 chữ số hoặc 06 chữ số thì các mặt hàng có mã số HS 08 chữ số trong Chương, nhóm đó đều không được giảm thuế GTGT.

Ví dụMặt hàng dây điện có cách điện, dây đơn dạng cuộn, bằng đồng có lớp men tráng: mã HS là 85.44.11.40 (thuộc nhóm 85.44) nên không được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách xác định hàng hóa được giảm thuế VAT. Với bài viết này LuatVietnam hi vọng sẽ giúp các kế toán có thể xác định chính xác loại hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mình có được giảm thuế VAT hay không.

Trường hợp cần thiết doanh nghiệp tham vấn thêm cơ quan thuế để được hướng dẫn hoặc vui lòng liên hệ ngay tổng đài 19006192 để được hỗ trợ kịp thời.

Tham gia group Zalo của LuatVietnam để cập nhật nhanh nhất các văn bản mới nhất về Thuế: https://zalo.me/g/zdfrqo386
Đánh giá bài viết:
(8 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục