Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2020 cho cán bộ, công chức

Thu nhập của cán bộ, công chức bao gồm tiền lương, phụ cấp. Với nguồn thu nhập trên thì phương pháp, cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cán bộ, công chức như thế nào?


1. Toàn bộ tiền lương là thu nhập chịu thuế

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương hàng tháng của cán bộ, công chức là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, gồm:

- Tiền lương và các khoản có tính chất tiền lương dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ 11 khoản phụ cấp, trợ cấp.

Xem thêm các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công khác tại: Toàn bộ các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân 2020.

2. Căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân

Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất. Số thuế phải nộp được xác định như sau:

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

x

Thuế suất

Theo đó, để tính được số thuế nộp hàng tháng phải biết được thu nhập tính thuế và thuế suất.

* Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế (tiền lương, phụ cấp,...) trừ (-) các khoản giảm trừ sau:

- Các khoản giảm trừ gia cảnh (giảm trừ cho bản thân là 09 triệu đồng/người/tháng và giảm trừ cho người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/người/tháng).

- Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.

- Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Tính thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ công chức

Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ công chức (Ảnh minh họa)

* Thuế suất

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần (nghĩa là từng bậc thuế sẽ có một mức thuế suất riêng và thu nhập tính thuế càng cao thì thuế suất càng cao), cụ thể:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 05

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35


3. Cách tính thuế thu nhập từ tiền lương

Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.

Để thuận tiện cho việc tính toán, có thể áp dụng phương pháp tính rút gọn theo phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Bậc

Thu nhập tính thuế /tháng

Thuế suất

Tính số thuế phải nộp

Cách 1

Cách 2

1

Đến 05 triệu đồng (trđ)

5%

0 trđ + 5% TNTT

5% TNTT

2

Trên 05 trđ đến 10 trđ

10%

0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ

10% TNTT - 0,25 trđ

3

Trên 10 trđ đến 18 trđ

15%

0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ

15% TNTT - 0,75 trđ

4

Trên 18 trđ đến 32 trđ

20%

1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ

20% TNTT - 1,65 trđ

5

Trên 32 trđ đến 52 trđ

25%

4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ

25% TNTT - 3,25 trđ

6

Trên 52 trđ đến 80 trđ

30%

9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ

30 % TNTT - 5,85 trđ

7

Trên 80 trđ

35%

18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ

35% TNTT - 9,85 trđ


Để hiểu rõ cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương của cán bộ, công chức hãy xem ví dụ dưới đây.

Ví dụ: Ông Trương Minh V là công chức, lương và phụ cấp tháng 01/2020 là 11 triệu đồng. Được biết ông V không có người phụ thuộc và trong tháng 01/2020 không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Bước 1. Xác định thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế được tính như sau:

Thu nhập tính thuế = 11.000.000 - 9.000.000 = 2.000.000 đồng (02 triệu đồng).

Như vậy, thu nhập tính thuế của ông V là 02 triệu đồng và thuộc bậc 1.

Lưu ý: Trong cách tính trên không trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc vì lương nhận hàng tháng đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định.

Bước 2. Tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp

Vì thu nhập tính thuế trong tháng 01/2020 của ông V là 02 triệu đồng. Nên chỉ cần lấy thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất của bậc 1 là 5%.

Số thuế thu nhập cá nhân ông V phải nộp = 2.000.000 đồng x 5% = 100.000 đồng.

Kết luận: Thu nhập của cán bộ, công chức gồm thu nhập từ tiền lương, phụ cấp (không bao gồm thu nhập từ các nguồn thu khác như quà tặng, kinh doanh, thừa kế,...) thì sẽ áp dụng phương pháp tính thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (gồm 07 bậc thuế). Phương pháp tính thuế này áp dụng chung cho tất cả người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công (bao gồm cả cán bộ, công chức).

>> Quên mã số thuế cá nhân, tra cứu như thế nào?

Khắc Niệm

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục